Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vốn kích cầu quay lại ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vốn kích cầu quay lại ngân hàng

Một tỷ lệ không nhỏ vốn giải ngân hỗ trợ lãi suất đã quay trở lại ngân hàng dưới nhiều hình thức khác nhau – Ảnh minh họa: Lê Toàn

(TBKTSG) – “Dù nỗ lực hết sức chúng tôi mới giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất được 300 tỉ đồng. Không biết các ngân hàng khác làm thế nào mà giải ngân được một lượng tiền lớn nhanh thế” – tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần giãi bày. Ông nói hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất của doanh nghiệp gửi về khá nhiều, phần lớn xin trả nợ cũ, vay mới.

Cho đến giờ, ngoài Ngân hàng Nhà nước (NHNN), không có cơ quan quản lý nào có thể đánh giá chính xác bao nhiêu phần trăm của 113.708 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất đã được giải ngân đến 6-3-2009 thực sự đi vào sản xuất kinh doanh. Đã từ nhiều tháng nay, báo chí và các viện nghiên cứu dự báo không có được con số tuyệt đối tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng.

Số liệu chi tiết nhất mà NHNN công bố trên website là mức tăng giảm bao nhiêu phần trăm của tổng vốn huy động, tổng dư nợ của tháng này so với tháng trước hoặc với cùng kỳ. Tuy nhiên, những con số dù chưa đầy đủ, cũng đã hé mở một số điều.

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc chi nhánh NHNN TPHCM, tính đến hết tháng 2-2009 tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn chỉ tăng 0,46% so với cuối tháng 1, đạt 505.000 tỉ đồng. Nghĩa là trong tháng 2 lượng vốn cho vay ra của các ngân hàng chỉ lớn hơn lượng vốn thu hồi về (nợ) khoảng 23.200 tỉ đồng. Nếu so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2009 là 21-22%, thì tốc độ tăng tổng dư nợ 0,46% của TPHCM là quá thấp.

Sự tăng trưởng chậm này phù hợp với phản ánh của các ngân hàng cổ phần: lãi suất rẻ, nhưng doanh nghiệp vẫn chần chừ không vay. Họ chỉ vay khi nhìn thấy hàng tồn kho được “giải phóng”. Mà muốn thanh lý hàng tồn thì phải giảm giá bán, doanh nghiệp phải chịu lỗ. Có ngân hàng nào chịu cho vay hỗ trợ lãi suất để cùng doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn kho? Còn nếu hàng cũ không bán được, làm sao doanh nghiệp dám sản xuất hàng mới, dám vay tiền?

Trên bình diện cả nước, theo NHNN, tổng dư nợ cho vay tháng 2-2009 tăng 0,23% so với tháng 1 và 0,54% so với cuối năm 2008. Hơn 93.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất đã được giải ngân trong tháng 2-2009, nhưng dư nợ chỉ tăng 0,23%, có nghĩa vòng quay vay – trả; trả – vay đã được đẩy nhanh hơn và không loại trừ khả năng sử dụng ngay vốn vay hỗ trợ lãi suất để trả nợ cũ. Việc đảo nợ có thể đã và đang diễn ra.

Hơn 93.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất đã được giải ngân trong tháng 2-2009, nhưng dư nợ chỉ tăng 0,23%, có nghĩa vòng quay vay – trả; trả – vay đã được đẩy nhanh hơn và không loại trừ khả năng sử dụng ngay vốn vay hỗ trợ lãi suất để trả nợ cũ. Việc đảo nợ có thể đã và đang diễn ra.

Còn nếu doanh nghiệp nói chung sử dụng vốn vay hỗ trợ lãi suất cho một chu kỳ kinh doanh mới, thì không có đợt sản xuất nào từ khi vay tiền đến khi bán hết hàng thu tiền về, lại diễn ra nhanh như vậy, chỉ trong vòng 30 ngày, nhất là trong bối cảnh sức mua đang giảm sút.

Điều đáng ngại là trong khi các ngân hàng cổ phần tỏ ra thận trọng với cho vay hỗ trợ lãi suất, tốc độ giải ngân cho vay kích cầu của các ngân hàng quốc doanh cao gấp bốn lần ngân hàng cổ phần. Đến 6-3-2009 các ngân hàng quốc doanh giải ngân tổng cộng 89.430 tỉ đồng so với 22.607 tỉ đồng của ngân hàng cổ phần.

Khách hàng của các ngân hàng quốc doanh chủ yếu vẫn là các tổng công ty, tập đoàn kinh tế và cũng chỉ các đối tượng này mới có khả năng “hấp thụ” lượng vốn hàng chục ngàn tỉ đồng trong vòng một tháng. Ở đây không thể không đặt dấu hỏi về hiệu quả sử dụng vốn vay kích cầu của doanh nghiệp quốc doanh.

Ở một khía cạnh khác, sau một vài ngày trong tháng 2-2009 tạm thời thiếu hụt thanh khoản, hiện thanh khoản của các ngân hàng quốc doanh lại trở nên dồi dào. Không thể nói rằng thanh khoản được cải thiện nhờ vào vốn huy động tăng mạnh, vì theo NHNN, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2-2009 ước tăng 0,44% so với cuối năm ngoái, một mức thấp. Hỗ trợ đáng kể việc cải thiện thanh khoản phải có sự đóng góp của nguồn vốn trả nợ.

Như vậy có thể một tỷ lệ không nhỏ vốn giải ngân hỗ trợ lãi suất đã quay trở lại ngân hàng dưới nhiều hình thức khác nhau. Vốn ra khỏi ngân hàng nhanh và trở về ngân hàng nhanh thì mục tiêu kích cầu sẽ như thế nào?

Chính sách nới lỏng tiền tệ linh hoạt cần độ trễ sáu tháng để phát huy tác dụng. Song, nếu tín dụng tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng, thì độ trễ chính sách sẽ phải dài hơn, việc ngăn chặn đà suy giảm kinh tế sẽ khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó có một yếu tố tích cực: áp lực lạm phát sẽ được kiềm chế. Có lẽ lúc này nên nhìn nhận tín hiệu lạm phát giảm như một dấu hiệu kinh tế tạm thời khả quan chăng?

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới