Thứ Sáu, 27/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vốn ngoại tìm cơ hội trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam

Ngọc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi Việt Nam đã thúc đẩy sự cạnh tranh khắc nghiệt trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. Với công suất thiết kế lên đến 50 triệu tấn mỗi năm nhưng ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi mới đạt gần 50% công suất. Dù vậy, vẫn có những doanh nghiệp tiếp tục đầu tư để xây dựng nhà máy mới.

Cánh tay robot làm công việc vận chuyển tại nhà máy Gold Coin Feedmill Long An vừa mới khánh thành ngày 26-9. Ứng dụng công nghệ để giảm chi phí vận hành là một trong những yếu tố giúp các nhà máy sản xuất tăng lợi thế cạnh tranh. Ảnh: NH

Ngày 26-9, Tập đoàn Aboitiz Foods, Thuỵ Sĩ khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi Gold Coin Feedmill Long An. Gold Coin Feedmill Long An là nhà máy thứ 6 của Gold Coin tại Việt Nam, được xây dựng trên diện tích đất 3,8 hecta, với số vốn gần 45 triệu đô la Mỹ. Nhà máy có công suất thiết kế 300.000 tấn/năm, nâng tổng công suất của Gold Coin Việt Nam lên 1,1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi và dinh dưỡng vật nuôi mỗi năm. Gold Coin Feedmill Long An sẽ sản xuất các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc cho gia súc, gia cầm và các sản phẩm đặc thù theo từng vùng.

Ông Tristan Aboitiz, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Aboitiz Foods cho biết, lý do Aboitiz Foods đầu tư vào Việt Nam vì đây là một thị trường có tiềm năng lớn trong lĩnh vực chăn nuôi. “Việc chúng tôi đến đây để khánh thành máy thứ 6, chứng tỏ chúng tôi tin tưởng về hoạt động và sự hiệu quả trong sản xuất kinh doanh tại Việt Nam”, ông nói.

Tập đoàn Aboitiz Foods đầu tư nhà máy đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1995 và đã có 5 nhà máy tại Việt Nam trải dài cả nước nhưng vẫn đầu tư nhà máy thứ 6 vì nhìn thấy viễn cảnh phát triển của ngành chăn nuôi là rất lớn. Hiện công suất của các nhà máy đã vượt 80% thiết kế nhờ tốc độ tăng trưởng 2 con số và dự báo tốc độ tăng trưởng kinh doanh vẫn ở mức hơn 10% trong những năm tới. Việc có nhà máy thứ 6 là chiến lược 3F (Feed – Farm – Food, tức là quy trình sản xuất thực phẩm an toàn) của nhà máy.

Gold Coin Feedmill Long An chưa phải là nhà máy cuối cùng trong chiến lược phát triển tại Việt Nam của Aboitiz Foods. Phía công ty cho biết, dù đánh giá thị trường thức ăn chăn nuôi có sự canh tranh khắc nghiệt nhưng trong kế hoạch cho những năm tới, công ty dự kiến mở thêm một nhà máy tại một tỉnh có thế mạnh chăn nuôi ở miền Trung.

Thị trường đang cạnh tranh cao

Khi được hỏi về khó khăn và thách thức của ngành sản xuất chăn nuôi Việt Nam hiện nay, ông Hà Văn Minh, lãnh đạo Gold Coin Việt Nam cho rằng, khó khăn của ngành chăn nuôi là phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Vì thế, khi có những biến động về chính trị, giá dầu tăng thì giá nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cũng biến động theo.

Ngoài ra, một yếu tố khác có thể làm cho lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi đối diện khó khăn là hiện cả nước có 267 nhà máy thức ăn chăn nuôi, trong đó có những nhà máy nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên sản phẩm đầu ra không ổn định. Bên cạnh đó, khó khăn nữa mà các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đang đối diện là chi phí logistics quá cao nên giảm đi sự cạnh tranh trong việc mở rộng thị phần của các nhà máy.

Vì thế, về lâu dài, chỉ những nhà máy có công nghệ hiện đại, chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ để tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nhằm giảm giá thành thì mới có thể trụ lại ở thị trường đầy tiềm năng nhưng không kém phần cạnh tranh như thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2023 Việt Nam ước nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương giá trị 6,8 tỉ đô la Mỹ. Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng của năm 2024, giá trị nhập khẩu nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là gần 3 tỉ đô la.

Về mặt tổng quan, Cục Chăn nuôi đánh giá, Việt Nam có thế mạnh về chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản nên tiềm năng cho thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thức ăn thuỷ sản là rất lớn. Nhưng thực tế Việt Nam không có thế mạnh để tăng diện tích, sản lượng bắp, đậu nành/đậu tương – hai nguyên liệu chính trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Vì thế, việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế hoàn toàn cho nguyên liệu nhập khẩu là rất khó. Do đó, để tăng tính cạnh tranh thì các nhà máy phải đầu tư theo hướng công nghệ cao, giảm chi phí vận hành, vận chuyển mới tạo được sự cạnh tranh về giá trên thị trường. Về lâu dài, sẽ có những nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất nhưng vẫn có những công ty tiếp tục mở rộng thêm những nhà máy sản xuất chăn nuôi mới.

Theo cuộc điều tra chăn nuôi mới nhất của Tổng cục Thống kê vào tháng 10-2023, tổng đàn heo cả nước đạt khoảng 26,1 triệu con, trong khi tổng đàn gia cầm lên đến gần 558 triệu con. Khi khảo sát ý định chăn nuôi của 26.800 hộ nuôi heo, kết quả cho thấy, có gần 89% hộ nuôi heo cho biết có kế hoạch duy trì quy mô sản xuất. Điều này cho thấy sự ổn định và bền vững trong ngành chăn nuôi Việt Nam cũng như tiềm năng của thị trường thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới