(KTSG) - Nguồn vốn đang là bài toán lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi các kênh huy động vốn trong nước như tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán đều bị gián đoạn. Trong bối cảnh đó, dòng vốn ngoại đang trở thành “chiếc phao” cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ vững hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo đà tăng trưởng cho các năm tới.
Mới đây nhất, Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán: AGG) đã chấp thuận khoản vay ngắn hạn 10 triệu đô la Mỹ từ The Shanghai Commercial & Saving Bank, Ltd. - Offshore Banking Branch (SCSB - OBB). Trước đó, Hội đồng quản trị An Gia cũng phê duyệt khoản vay có giá trị tối đa 15 triệu đô la Mỹ được cấp bởi Hana Pte Limited. Khoản vay này sau đó được điều chỉnh lên 18 triệu đô la Mỹ.
Một doanh nghiệp bất động sản lớn khác là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán: NVL) cũng đang lên kế hoạch vay 40 triệu đô la Mỹ từ VietinBank Filiale Deutschland (chi nhánh của VietinBank tại Đức) và Maybank Labuan (chi nhánh của Maybank tại Malaysia). Trước đó, vào tháng 8-2022, Hội đồng quản trị Novaland đã thông qua giao dịch bảo đảm nghĩa vụ vốn vay của công ty đối với khoản vay 100 triệu đô la Mỹ từ Quỹ đầu tư Credit Opportunities III Pte. Limited (Singapore).
Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản, một số ngân hàng cũng thành công trong việc huy động vốn vay quốc tế như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB).
Khi bối cảnh quốc tế dần giảm đi những bất định với việc Fed đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, thị trường tài chính Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn ngoại trở lại.
Cụ thể, ngày 11-11 vừa qua, VPBank cho biết đã ký thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu đô la Mỹ từ năm định chế tài chính lớn, bao gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. - thành viên của Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank.
Nguồn vốn từ khoản vay này sẽ được VPBank sử dụng để đáp ứng các nhu cầu tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 4-2022, VPBank cũng được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu đô la Mỹ từ các định chế tài chính lớn của châu Á như SMBC, Maybank, Ngân hàng Cathay United Bank, Ngân hàng CTBC và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.
Với SeABank, trong tháng 11-2022, ngân hàng này đã được Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) ký kết cho vay 200 triệu đô la Mỹ trong vòng bảy năm. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để cấp khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án liên quan đến tiết kiệm năng lượng và các khách hàng bán lẻ.
Hồi đầu năm nay, SeABank cũng được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và năm quỹ đầu tư quốc tế gồm Banque Internationale de Commerce-BRED, BlueOrchard Microfinance Fund, KASIKORNBANK PCL, OPEC và ResponsAbility Investments AG cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu đô la Mỹ nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và tài trợ chống biến đổi khí hậu.
Cũng trong tháng 11-2022, VIB công bố đã được IFC giải ngân khoản vay trị giá 150 triệu đô la Mỹ với kỳ hạn năm năm. Ngân hàng này dự kiến dành hơn 45 triệu đô để tài trợ cho các khoản mua nhà có giá trị dưới 35.000 đô (khoảng 870 triệu đồng). Trước đó, vào tháng 3-2022, VIB cũng huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 260 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng ADB cùng một số ngân hàng lớn trong khu vực.
Ở nhóm các công ty tài chính, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã ký hợp đồng vay vốn với hạn mức 105 triệu đô la Mỹ và quyền được mở rộng lên tới 150 triệu đô la Mỹ với nhóm ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 cũng đã hoàn tất thương thảo khoản vay 60 triệu đô la Mỹ từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners và Lendable. Lũy kế từ đầu năm đến nay, F88 đã huy động được 70 triệu đô la Mỹ vốn quốc tế.
Không chỉ các ngân hàng hay công ty tài chính, ở mảng bán lẻ tiêu dùng, Tập đoàn Masan và Công ty TNHH The Sherpa (công ty con của Masan) vừa nhận được một khoản vay hợp vốn có thời hạn năm năm trị giá 600 triệu đô la Mỹ.
Đây là khoản vay hợp vốn lớn nhất với kỳ hạn dài nhất Masan từng huy động, thu hút 37 bên cho vay trong quá trình huy động vốn. Hồi đầu năm nay, Masan dự kiến vay tối đa lên tới 250 triệu đô la Mỹ với BNP Paribas, Credit Suisse AG - chi nhánh Singapore, Standard Chartered Bank (Singapore) Limited, The Hong Kong and Shanghai Banking Corporation Limited - chi nhánh Singapore và các bên khác (nếu có).
Song song, The Sherpa cũng được phê duyệt hợp đồng vay tối đa 350 triệu đô la Mỹ với các bên nêu trên. Theo kế hoạch năm 2022, Masan Group dự kiến phát hành 500 triệu đô la Mỹ trái phiếu chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền.
Trước đó, Be Group - công ty chủ quản ứng dụng gọi xe Be - đã ký hợp đồng tiếp nhận khoản vay lên đến 100 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng Deutsche Bank (Đức). Cuối tháng 10-2022, Tập đoàn Lộc Trời cũng làm lễ ký kết công bố gói tín dụng 100 triệu đô la Mỹ do MB và sáu ngân hàng quốc tế cho vay hợp vốn để mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao.
Nhìn chung, nguồn vốn đang là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp khi tín dụng ngân hàng bị thu hẹp, kênh trái phiếu doanh nghiệp “đứt gãy” còn thị trường cổ phiếu giảm mạnh. Chưa kể, áp lực đáo hạn trái phiếu là câu chuyện “nóng” của các doanh nghiệp lớn cuối năm nay cũng như cả năm 2023.
Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện kịp thời của dòng vốn ngoại như giai đoạn hiện nay càng trở nên quan trọng. Nó không những giúp “giải vây” cho tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp mà ở khía cạnh vĩ mô, nó còn giúp giảm sức ép cho tỷ giá.
Trong tuần qua, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã có bước giảm khá mạnh (hơn 2%) nhờ hoạt động mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trên thị trường chứng khoán. Khi bối cảnh quốc tế dần giảm đi những bất định với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, thị trường tài chính Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn ngoại trở lại.
Tuy vậy, để có thể lọt vào “mắt xanh” của các tổ chức nước ngoài, rõ ràng các doanh nghiệp vẫn sẽ phải chứng tỏ được sự “hấp dẫn” của mình!