Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vốn rót vào các startup Đông Nam Á tăng gấp đôi bất chấp Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vốn rót vào các startup Đông Nam Á tăng gấp đôi bất chấp Covid-19

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Trong quí 2-2020, các startup (công ty khởi nghiệp) ở Đông Nam Á đón nhận dòng vốn đầu tư tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp những bất ổn liên quan đến dại dịch Covid-19. Thương mại điện tử và công nghệ tài chính là hai điểm sáng hút vốn đầu tư trong quí vừa qua khi đại dịch Covid-19 làm thay đổi lề lối làm việc và thói quen mua sắm của nhiều người dân.

Vốn rót vào các startup Đông Nam Á tăng gấp đôi bất chấp Covid-19
Voyager Innovations, startup đứng đằng sau ứng dụng thanh toán di động Paymaya của Philippines, huy động được 120 triệu đô la Mỹ trong tháng 4 từ các cổ động hiện hữu, bao gồm quỹ đầu tư KKR (Mỹ). Ảnh: Nikkei Asian Review

Thương mại điện tử hút vốn đầu tư lớn nhất

Theo dữ liệu thống kê của trang tin DealStreetAsia, trong quí 2 năm nay, giá trị các thương vụ gọi vốn của các startup ở khu vực Đông Nam Á tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 2,7 tỉ đô la. Trong khi đó, số thương vụ đầu tư cũng tăng 59% lên con số 184.

Trong quí vừa qua, nhiều nước trong khu vực vẫn duy trì lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh, hạn chế các cơ hội đầu tư. Bên cánh đó, các bất ổn kinh tế cũng làm chùn tâm lý của một số nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khác vẫn thực hiện các thương vụ đầu tư đã lên kế hoạch trước đó.

Kể từ giữa thập niên 2010, cơn bùng nổ đầu tư vào các startup Đông Nam Á được dẫn dắt bởi hãng gọi xe Grab (Singapore) và đối thủ Gojek của Indonesia. Trong quí 1 năm nay, cả hai công ty này huy động được tổng cộng hơn 2 tỉ đô la, chiếm 70% lượng vốn đầu tư vào các startup trong khu vực.

Tuy nhiên, dữ liệu của quí 2 cho thấy một bức tranh khác: Lĩnh vực thương mại điện tử dẫn dắt dòng tiền đầu tư vào các startup ở Đông Nam Á với giá trị vốn huy động 619 triệu đô la. Tiếp theo sau đó là lĩnh vực công nghệ tài chính (496 triệu đô la), lĩnh vực kho vận (360 triệu đô la).

Startup đón nhận thương vụ đầu tư lớn nhất trong quí vừa qua là công ty thương mại điện tử Tokopedia, một kỳ lân khởi nghiệp (công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỉ đô la trở lên) của Indonesia, với 500 triệu đô la huy động được Quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holdings. Tiki, startup thương mại điện tử của Việt Nam, cũng huy động được 130 triệu đô la trong một thương vụ đầu tư do Quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân Northstar Group (Singapore), dẫn đầu.

 

Sự cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam giữa các đối thủ địa phương và các tay chơi tầm cỡ khu vực đang nóng lên. Tuy nhiên, Tiki biết cách để tạo ra sự khác biệt. Sử dụng một mạng lưới trung tâm hoàn thiện đơn hàng phủ rộng cả nước, Tiki đang cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh có tên gọi TikiNow, cho phép khách được giao hàng trong vòng hai tiếng sau khi đặt hàng, nhanh hơn nhiều so với các đối thủ. Ngoài ra, Tiki cũng cung cấp dịch vụ lắp đặt miễn phí đối với một số sản phẩm như tivi, máy điều hòa, máy giặt.

Công nghệ tài chính cũng tỏa sáng

Khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng lên ở Đông Nam Á, các startup giao hàng và kho vận cũng thu hút vốn đầu tư khá tốt. Trong tháng 5, startup giao hàng Ninja Van (Singapore) cho biết huy động thành công 279 triệu đô la, trong khi đó, startup kho vận Kargo Technologies (Indonesia) thu hút số vốn đầu tư 31 triệu đô la trong tháng 4.

Lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) ở Đông Nam Á chứng kiến các ngôi sao mới nổi. Voyager Innovations, startup đứng đằng sau ứng dụng thanh toán di động Paymaya của Philippines, huy động được 120 triệu đô la Mỹ trong tháng 4 từ các cổ động hiện hữu, bao gồm quỹ đầu tư KKR (Mỹ) và tập đoàn công nghệ khổng lồ Tencent (Trung Quốc).

Nguồn vốn mới giúp startup này có thêm sức mạnh tài chính để cạnh tranh với Mynt, một ứng dụng thanh toán khác ở Philippnes, được Alibaba hậu thuẫn tài chính.

Nhu cầu các dịch vụ tài chính số hóa đang bùng nổ ở Philippines trong thời kỳ giãn cách xã hội. Trong sáu tháng đầu năm, Paymaya ghi nhận số lượt giao dịch tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu thanh toán di động và chuyển kiều hồi tăng mạnh. Paymaya cũng hỗ trợ chính phủ phát tiền mặt trợ cấp cho người dân.

Trong tháng 5, tại Myanmar, startup Digital Money Myanmar, thông báo nhận được cam kết đầu tư 73,5 triệu đô la từ Công ty dịch vụ tài chính và công nghệ Ant Group (Trung Quốc), chủ sở hữu nền tảng thanh toán di động và trực tuyến Alipay. Startup này là nhà cung cấp dịch vụ tài chính di động dẫn đầu ở Myanmar, cho phép người dùng chuyển tiền thanh toán trực tuyến, thay vì dùng tiền mặt. Năm 2019, Digital Money Myanmar xử lý tổng cộng 4,3 tỉ đô la trị giá giao dịch thanh toán ở Myanmar, tăng hơn gấp ba so với năm trước đó.

Trong quí vừa qua, startup công nghệ tài chính Synqa Holdings ở Bangkok, Thái Lan, cũng huy động được 80 triệu đô la từ các nhà đầu tư trong nước và Nhật Bản.

Jun Hasegawa, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Synqa Holdings, nói: “Bất chấp thời khắc khó khăn hiện nay, tôi vẫn nhìn thấy rất nhiều cơ hội để tăng tốc thanh toán số hóa và chuyển đổi số hóa đối với các doanh nghiệp”.

Trong thời kỳ giãn cách xã hội, Omise, đơn vị cung cấp cổng thanh toán của Synqa Holdings, đã xử lý các giao dịch thanh toán thẻ tín dụng và các thanh toán khác cho thương mại điện tử một cách nhanh chóng và an toàn.

Đại dịch Covid-19 tạo ra các cơ hội cho các startup nói trên nhưng tác động nặng nề đến các startup khác, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải và du lịch, buộc họ phải cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động.

Dù vậy, một số startup trong hai lĩnh vực này vẫn xoay sở mời gọi được những khoản đầu tư lớn. Trong quí 2, hãng gọi xe Gojek gọi vốn thành công 300 triệu đô la từ Facebook và PayPal, trong khi đó, Traveloka, một kỳ lân khởi nghiệp trong ngành du lịch ở Indonesia, cũng huy động được 100 triệu đô la. Cả hai startup này đã buộc phải sa thải một lượng lớn nhân viên để cắt chi phí hoạt động.

Sự hiện diện rộng khắp của Gojek trong đời sống hàng ngày của người dân Indonesia từ thanh toán, gọi xe cho đến giao hàng, giao đồ ăn, giúp startup này duy trì sức hút đầu tư đối với những công ty muốn nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng trong thời gian tới khi mà đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, dòng vốn đầu tư rót vào các startup Đông Nam Á có thể chậm lại. Kuo-Yi Lim, người đồng sáng lập Quỹ đầu tư Monk's Hill Ventures (Singapore), nói: “Chúng tôi dự báo nguồn vốn đầu tư sẽ bị siết chặt hơn, đặc biệt vào giai đoạn cuối năm nay. Suy thoái toàn cầu và các hạn chế đi lại sẽ tác động đến nhu cầu đầu tư”.

 

Theo Nikkei Asian Review

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới