Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vốn vẫn chảy mạnh vào năng lượng sạch giữa bức tranh kinh tế u ám

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các thị trường tài chính biến động mạnh và làn bán tháo đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ hầu như không ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn tài trợ cho các dự án năng lượng sạch trong năm nay. Giới đầu tư đang đặt cược nguồn vốn đầu tư rót vào lĩnh vực này trong 2023 sẽ tăng cao hơn nhờ các quy định luật pháp hỗ trợ tài chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Washington có hiệu lực.

Một cơ sở sản xuất khí hydro sạch của startup Monolith ở Hallam, bang Nebraska, Mỹ. Hồi tháng 7-2022, Monolith huy động được hơn 300 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư, bao gồm Quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek để thương mại hóa một phương pháp sản xuất hydro sạch được gọi là nhiệt phân metan. Ảnh: WSJ

Sau một giai đoạn hút vốn kỷ lục kỷ, lĩnh vực tài chính xanh tăng trưởng chậm lại một chút trong năm 2022 nhưng vẫn vượt xa mức của một vài năm trước. Dữ liệu của Dealogic cho thấy các công ty lớn trên toàn cầu đã huy động được khoảng 1,15 nghìn tỉ đô Mỹ la trái phiếu và khoản vay liên quan đến các dự án xanh và bền vững trong năm 2022. Con số này giảm so với mức kỷ lục 1,3 nghìn tỉ đôla của năm 2021 nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với con số của năm 2019 và 2020.Theo PitchBook, các công ty khởi nghiệp (startup) phát triển các giải pháp chống biến đổi khí hậu đã huy động được khoảng 47,5 tỉ đô la vốn cổ phần tư nhân, giảm so với mức 55 tỉ đô la trong năm trước, nhưng vượt xa con số huy động vài năm trước. Vốn tài trợ cho các dự án năng lượng sạch và các công ty trong lĩnh vực này giảm tốc chậm hơn so với thị trường rộng lớn hơn.

Một số giao dịch lớn đã diễn ra trong vài tuần cuối năm. Chẳng hạn, Công ty vật liệu pin Group14 Technologies (Mỹ), được hãng siêu xe thể thao Porsche (Đức) hậu thuẫn, huy động được 214 triệu đô la từ các nhà đầu tư bao gồm Microsoft dựa trên mức định giá 3 tỉ đô la. Công ty vốn cổ phần tư nhân EQT AB của Thụy Điển đã đầu tư 245 triệu đô la vào Công ty tái chế pin Cirba Solutions (Mỹ). Svante (Canada), startup đang phát triển công nghệ thu giữ carbon, huy động được 318 triệu đô la từ những các nhà đầu tư của Mỹ bao gồm Tập đoàn năng lượng Chevron, Tập đoàn sản xuất 3M và Công ty hàng không United Airlines Holdings.

Các khoản chi tiêu mới để bảo vệ khí hậu của Washington đã giúp nhiều công nghệ tái tạo cạnh tranh hơn về chi phí với nhiên liệu hóa thạch. Điều đó đã giúp các doanh nghiệp tự tin bỏ tiền vào lĩnh vực năng lượng sạch bất chấp lãi suất tăng và nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Jigar Shah, Giám đốc Văn phòng phụ trách các chương trình cho vay (LPO) của Bộ Năng lượng Mỹ, nói: “Mọi người sẽ ngạc nhiên trước quy mô của các thông báo đầu tư cho năng lượng sách được đưa ra trong 12 tháng tới”.

Gần đây, LPO đã phê duyệt khoản vay 2,5 tỉ đô la cho một liên doanh sản xuất pin của hãng xe General Motors. Nguồn lực cho vay của LPO trở nên dồi dào hơn sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) hồi giữa tháng 8 với các điều khoản phân bổ tổng cộng 369 tỉ đô la để hỗ trợ các dự án và công nghệ chống biến đổi khí hậu. Đạo luật IRA đã tăng thêm các khoản tín dụng thuế cho hàng loạt công nghệ năng lượng sạch trong suốt một thập niên.

Các công ty ở Mỹ đã công bố một loạt dự án sản xuất năng lượng sạch trong nước trị giá hàng tỉ đô la kể từ khi đạo luật này được thông qua. Các quỹ tư đầu tư nhân được quản lý bởi các công ty đầu tư lớn như Brookfield Asset Management và TPG cũng đang nắm trong tay hàng tỉ đô la ngân sách sẵn sàng đầu tư cho các dự án bảo vệ khí hậu.

Sophie Bakalar, đối tác tại quỹ Collaborative Fund (Mỹ), chuyên đầu tư các các startup về năng lượng sạch ở giai đoạn đầu, nói: “Có rất nhiều vốn đầu tư sẵn sàng triển khai cho lĩnh vực khí hậu”.

Trong năm nay, Collaborative Fund đã góp vốn vào các startup bao gồm Dandelion Energy, nhà sản xuất hệ thống bơm nhiệt địa nhiệt để sưởi ấm cho nhà cửa và Kula Bio, nhà sản xuất phân bón sạch.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã thất vọng với những startup năng lượng sạch huy động được rất nhiều tiền mặt nhưng có nguy cơ hết vốn. Faraday Future (Mỹ) và Canoo (Canada) nằm trong số những công ty mới nổi về xe điện đã niêm yết cổ phiếu ở thị trường đại chúng những năm vừa qua. Nhưng gần đây, họ cảnh báo rằng họ sẽ không thể tồn tại trong 12 tháng tới trừ khi họ có thể huy động thêm tiền mặt.

Các ngân hàng cho biết vốn tài trợ luôn có sẵn cho các công ty được xem là có khả năng cạnh tranh hơn. Các công ty về năng lượng sạch đã niêm yết như Freyr Battery, nhà sản xuất pin sạch có trụ sở ở Luxemburg và Shoals Technologies Group (Mỹ), nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời, đã huy động tiền bằng cách phát hành thêm cổ phiếu trong những tuần gần đây.

Các tập đoàn năng lượng lớn bao gồm Chevron, BP và Shell cũng rót hàng tỉ đô la cho các công ty nhiên liệu tái tạo vào năm 2022. Hầu hết các công ty đại chúng lớn đều có quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào các startup về khí hậu.

Đạo luật IRA có các điều khoản hỗ trợ tài chính cho các lĩnh vực năng lượng sạch còn non trẻ như sản xuất sinh học, hydro và thu giữ carbon đang rất cần các khoản tín dụng thuế để trở nên khả khi kinh tế hơn. Các startup như nhà sản xuất hydro sạch Monolith (Mỹ) đã huy động được hơn 300 triệu đô la từ các nhà đầu tư trong nửa cuối năm 2022.

Nhiều công ty đang chờ thêm thông tin chi tiết về cách thức hoạt động của các chương trình mới chẳng hạn như quỹ đầu tư xanh của chính phủ Mỹ trước khi đưa ra các cam kết mới.

Todd Alexander, đối tác tại Norton Rose Fulbright, chuyên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, nói: “Tôi không thấy động lực thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch từ chính phủ Mỹ sẽ dừng lại. Lĩnh vực này không liên quan nhiều với phần còn lại của nền kinh tế”.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới