Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vốn xanh chảy chậm chờ cơ chế

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việt Nam hiện đối mặt với thách thức lớn nhất trong câu chuyện giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và đạt mục tiêu "net zero" vào năm 2050, đó là thiết kế chính sách phù hợp để hút dòng vốn xanh đi vào nhiều hơn.

Vốn xanh hiện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng, trong khi còn rất nhiều khu vực khác cần nguồn tài chính bền vững để thay đổi. Trong hình là một dự án điện gió ở Lâm Đồng. Ảnh: Yên Minh

Vốn xanh vẫn chảy

Năm 2022, thị trường nợ xanh, xã hội, bền vững, liên kết bền vững và chuyển đổi (green, social, and sustainability – GSS+) của khu vực ASEAN chứng kiến sự sụt giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng phù hợp với xu hướng chung trên toàn cầu (giảm 24%, đạt quy mô gần 860 tỉ đô la Mỹ), theo báo cáo báo cáo tình hình thị trường ASEAN của Climate Bond (về trái phiếu xanh và tài chính bền vững nói chung tại sáu nước ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).

Tại Việt Nam, báo cáo cho biết chỉ có các khoản vay (xanh và liên kết bền vững) được phát hành trong giai đoạn năm 2022, với năm giao dịch đến từ các nhà phát hành khác nhau. Trong đó giao dịch lớn nhất là khoản vay xanh trị giá 500 triệu đô la Mỹ của Vinfast (công ty con Vingroup).

Tronng khi đó, báo cáo triển vọng thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 của Viện Nghiên cứu đào tạo BIDV, ước tính dư nợ xanh đạt khoảng 500.000 tỉ đồng tính đến cuối năm 2022, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ. Trong giai đoạn 2017-2022, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng đạt hơn 22%/năm.

Tổng dư nợ tín dụng xanh (nghìn tỉ đồng) tăng nhanh trong giai đoạn qua. Nguồn: Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023”, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV ước tính.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu này đánh giá quy mô dư nợ vẫn ở mức tương đối nhỏ. Thêm vào nữa, những lĩnh vực hưởng lợi chính trong thời gian qua tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực (trong đó có 47% cho vay các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch).

Thị trường cũng ghi nhận bước chuyển mình đáng kể của các tổ chức tín dụng khi chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế với các mục đích đa dạng nguồn vốn vay ưu đãi cho các dự án xanh, chuẩn bị chính sách và hệ thống để phát triển và triển khai các sản phẩm tài chính xanh, tài chính bền vững.

Trong khi đó, dòng tiền từ các định chế tài chính nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào các dự án chuyển đổi. Chẳng hạn mới đây, Ngân hàng Standard Chartered công bố tài trợ thương mại trị giá 25 triệu đô la Mỹ nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam (thuộc nhà sản xuất thép EAF lớn nhất tại Đài Loan). Nhà máy này sử dụng nguồn thép phế liệu, thép tái chế làm nguyên liệu thô, giúp tiêu thụ ít năng lượng hơn và giảm lượng khí thải CO2 ước tính khoảng 75%.

Tương tự, Citi công bố tháng 2 vừa qua thu xếp và cơ cấu cho dự án “Máy lọc nước cho trường học” sẽ giúp 2 triệu trẻ em được tiếp cận nguồn nước uống tinh khiết, đây là trái phiếu liên kết giảm phát thải của Ngân hàng Thế giới. Tháng 5-2022, Citi đã hoàn tất thương vụ tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên với tư cách là bên mua tín chỉ carbon từ một nhà sản xuất và phân phối bếp và máy lọc nước.

Hiện nay, việc huy động vốn xanh trên toàn cầu chậm là vì mặt bằng lãi suất cao hơn nhiều so với trước đây. Đồng thời, sự không rõ ràng về định nghĩa và vấn đề "tẩy xanh" càng khiến các nhà đầu tư cảnh giác, dù thế giới đang cần nhiều khoản đầu tư xanh nếu muốn đạt mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050, ông David Liao, đồng Giám đốc điều hành của HSBC châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá.

Mặc dù vậy, nhìn chung tại khu vực ASEAN, lượng phát hành duy trì ở mức mạnh mẽ, cao gấp đôi so với năm 2020. Đồng thời thị trường ghi nhận nhiều điểm tích cực là trái phiếu chính phủ phát hành tăng lên, và được củng cố thêm khung pháp lý, chuyên môn.

Đẩy nhanh xây dựng cơ chế pháp lý

Báo cáo của Climate Bonds đánh giá năm 2022 là một năm năng động của khu vực ASEAN, xét về các sáng kiến phát triển chính sách và thị trường.

Chẳng hạn sự ra mắt của Hệ thống tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững ASEAN, cũng như tham vấn ý kiến các bên về phiên bản đầu tiên của Hệ thống phân loại ASEAN (ASEAN Taxonomy) trong suốt cả năm. Bên cạnh đó là một loạt sáng kiến và biện pháp tài chính bền vững quy mô quốc gia của các nước thành viên ASEAN, bao gồm các mảng như công bố thông tin, tài chính chuyển dịch và hệ thống phân loại.

“Thị trường tài chính bền vững ASEAN đang ở thời điểm thay đổi quan trọng. Các đợt phát hành trái phiếu chính phủ đã trở thành quen thuộc ở ASEAN cho thấy sự quan tâm cao của các chính phủ trong khu vực trong việc phát triển thị trường”, ông Kelvin Tan, Giám đốc điều hành, Giám đốc Đầu tư và Tài chính bền vững, khu vực ASEAN, HSBC chia sẻ.

Thị trường nợ Việt Nam vẫn nhỏ nhất trong nhóm ASEAN-6, nhưng hai năm qua đã huy động đa dạng hơn với trái phiếu xanh đầu tiên (trước đây chỉ khoản vay xanh), trái phiếu bền vững và SLL.

Tại Việt Nam, một diễn biến mới đáng chú ý là Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnerships - JETP) với nguồn vốn ban đầu trị giá 15,5 tỉ đô la. Đây là thỏa thuận tài chính đa phương nhằm nhằm giúp ngành năng lượng Việt Nam chuyển dịch, giải quyết hệ lụy xã hội trong quá trình này.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc của HSBC Việt Nam, cho biết trong năm nay, ngân hàng tham gia nhóm làm việc chuyên trách của Liên minh Tài chính Glasgow vì cân bằng phát thải (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ) để tiếp tục phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam giúp huy động nguồn vốn tư nhằm hỗ trợ thỏa thuận trên. Trước đó, đầu năm 2022, HSBC cũng cam kết hỗ trợ thu xếp lên đến 12 tỉ đô la trực tiếp và gián tiếp cho Việt Nam và các doanh nghiệp tới năm 2030, nhiều khoản đã được giải ngân ngay sau đó.

Tín dụng xanh hiện đang được Ngân hàng Nhà nước hướng đến, đặt vấn đề quản trị rủi ro môi trường vào trong các hoạt động tín dụng của các nhà băng. Ngoài ra, Việt nam cũng phê duyệt chương trình quốc gia nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển kinh doanh bền vững tới năm 2025.

Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, thống nhất liên quan đến việc triển khai tín dụng xanh, thiếu đi các tiêu chí về môi trường, công cụ khuyến khích, quản trị rủi ro của ngân hàng thương mại.

“Do vậy, các tổ chức tín dụng chưa có hành lang pháp lý để triển khai và gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các quy trình, quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi và các sản phẩm cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Hành lang pháp lý để quản lý môi trường – xã hội, tín dụng xanh (2 tiêu chí cơ bản trong quản lý ESG) đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện”, báo cáo nhận định.

Đánh giá tương tự tại một hội thảo thu hút nguồn lực hỗ trợ cho mục tiêu phát triển xanh và bền vững do NHNN đồng tổ chức vào tháng 8 năm ngoái, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết nhiều doanh nghiệp đối mặt với thách thức khi triển khai kinh tế tuần hoàn, một chủ đề quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững. “Điều này là do thiếu vắng những hướng dẫn và quy định rõ ràng trong việc kiểm soát lượng khí thải cũng như định nghĩa thế nào là “xanh” trong từng lĩnh vực cụ thể”, ông nhận định.

Việc thiết kế chính sách phù hợp đang là bài toán cần phải giải quyết sớm đối với thị trường Việt Nam. Theo ông Liao, các cơ quan quản lý và ngành dịch vụ tài chính nên tiếp tục nỗ lực tìm cách gia tăng mức độ minh bạch cho thị trường và chuẩn hóa việc báo cáo các rủi ro về quản trị, môi trường và xã hội (ESG). Tuy nhiên, quy định cần thiết kế cẩn thận để tránh gây ra tình trạng không đồng bộ và không rõ ràng. Sự chắp vá hoặc đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn riêng cho các sản phẩm xanh, sẽ làm giảm hiệu quả của thị trường và cản trở các nhà phát hành cũng như nhà đầu tư.

“Tài chính xanh vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, thành phố nào hoặc thị trường nào có thể thu hút số lượng ngày một tăng các nhà đầu tư chú trọng vào ESG sẽ giành được lợi thế của người đi trước”, ông David Liao, đồng Giám đốc điều hành của HSBC châu Á - Thái Bình Dương, bình luận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới