Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vòng xoáy rủi ro trái phiếu doanh nghiệp

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), từng được các cơ quan quản lý và giới phân tích cảnh báo nhiều lần, dường như đang dần hiện thực hóa, trước việc các vi phạm liên quan thị trường này bị phanh phui ngày càng nhiều hơn. Sau vụ án liên quan đến Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, mới đây nhất là vụ án liên quan đến Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát...

Gấp rút mua lại trước hạn

Giá cổ phiếu Công ty cổ phần (CTCP) VKC Holdings (HNX: VKC), tiền thân là CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh, liên tục giảm sàn trong thời gian gần đây và hiện chỉ còn 2.500 đồng tính đến phiên giao dịch ngày 10-10-2022, sau thông tin doanh nghiệp này đã không thể thanh toán lãi trái phiếu đã phát hành.

Cụ thể, theo kế hoạch trả nợ, 9-9-2022 là ngày đến hạn thanh toán lãi của lô trái phiếu VCKH2123001 phát hành ngày 9-12-2021. Tuy nhiên, VKC đã không thể hoàn tất nghĩa vụ với lý do phát hiện nhiều sai phạm của ban lãnh đạo cũ trong việc quản lý tài chính và phát hành lô trái phiếu này.

Với việc thị trường TPDN tăng trưởng nóng trong những năm qua, nhiều khả năng không ít thương vụ phát hành đã rơi vào tình trạng vi phạm các quy định.

Được biết VKC đã phát hành 2.000 trái phiếu VKCH2123001 với giá 100 triệu đồng, qua đó huy động tổng cộng 200 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm là nhà máy đá Bình Thuận và quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc Giấy chứng nhận số BR 626016 tọa lạc tại tỉnh An Giang. Mục đích phát hành là để mua lại toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu của CTCP Louis Land tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Toccoo Việt Nam (tương đương 85% vốn điều lệ). Mức lãi suất phát hành cố định 12%/năm, thời điểm đáo hạn vào ngày 9-6-2023.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong chín tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn lượng trái phiếu hơn 142.209 tỉ đồng, tăng tới 67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng tháng 9 mua lại hơn 28.800 tỉ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước.

Những doanh nghiệp điển hình trong hoạt động tất toán nợ trái phiếu trước hạn có thể kể đến như Hoàng Anh Gia Lai, Gelex, Yamagata, An Phát Finance, Chứng khoán Kỹ Thương, Ngân hàng OCB, nhóm các công ty năng lượng thuộc Tập đoàn Trung Nam,...

Bước sang những ngày đầu tháng 10, các doanh nghiệp tiếp tục mua lại trước hạn TPDN đã phát hành.

CTCP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) hôm 3-10 thông báo đã mua lại tổng cộng 250 tỉ đồng trái phiếu.

Ngày 4-10, Hội đồng quản trị CTCP Chứng khoán VIX (HOSE:VIX) thông báo sẽ mua lại trước hạn 2.000 trái phiếu mã VIXH2124001 có tổng giá trị 200 tỉ đồng. Trước đó, ngày 10-6, Chứng khoán VIX đã hoàn tất mua lại trước hạn 3.000 trái phiếu mã VIXH2124001 với tổng giá trị 300 tỉ đồng. Như vậy, sau một năm phát hành, Chứng khoán VIX sẽ mua lại toàn bộ trái phiếu phát hành trong năm 2021, có kỳ hạn ba năm.

CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) cũng sẽ thanh toán 2.800 tỉ đồng trái phiếu dù chưa đến hạn, dự kiến thực hiện từ tháng 7-2022 đến tháng 2-2023.

Doanh nghiệp phát hành lo ngại... rủi ro

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho động thái mua lại hàng loạt TPDN trước hạn trong giai đoạn gần đây.

Đầu tiên, trong bối cảnh xu hướng lãi suất đã và đang đi lên trở lại, trong khi nhiều lô TPDN phát hành trước đây là theo lãi suất thả nổi, thì một số doanh nghiệp có nguồn lực tài chính tốt đã tìm cách tất toán trước hạn để tránh rủi ro lãi suất.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức, từ xu hướng lãi suất đi lên, việc bán hàng chậm lại và những quy định mới để chống đầu cơ nhà đất, thì dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ tiếp tục là vấn đề đáng lưu tâm.

Thứ hai là nhiều doanh nghiệp trước đây phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án đầu tư mới.

Tuy nhiên, các dự án này thời gian qua không thể triển khai hoặc triển khai chậm, do ảnh hưởng từ bối cảnh chung của nền kinh tế cũng như không thể tiếp cận thêm dòng vốn tín dụng từ ngân hàng, khiến vòng quay vốn bị kéo dài. Cho nên, các doanh nghiệp lựa chọn tạm ngừng các dự án đầu tư này và hoàn trả vốn cho các trái chủ.

Thứ ba là theo quy định mới tại Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, nghị định này bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật; trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố.

Với việc thị trường TPDN tăng trưởng nóng trong những năm qua, nhiều khả năng không ít thương vụ phát hành đã rơi vào tình trạng vi phạm các quy định. Cộng thêm việc các cơ quan quản lý gần đây mạnh tay điều tra các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm khi phát hành trái phiếu, dễ dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp quyết định mua lại trái phiếu trước hạn để tránh những rủi ro pháp lý.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được như vậy. Bài toán của thị trường TPDN có lẽ sẽ tiếp tục là tâm điểm trong thời gian tới, khi dòng tiền có thể rơi vào tình trạng tắc nghẽn khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.

Thị trường chứng khoán đang suy yếu nên doanh nghiệp muốn tăng thêm vốn sẽ khó thành công, còn kênh tín dụng ngân hàng đang bị hạn chế, trong khi các thương vụ phát hành trái phiếu mới, nếu muốn, sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn, cũng như vai trò bảo lãnh và phân phối TPDN của ngân hàng hay các công ty chứng khoán hiện nay cũng bị soi xét kỹ hơn.

Một số ý kiến cho rằng với giá trị mua lại trước hạn trong chín tháng đầu năm 2022 đạt 142.209 tỉ đồng như trên, áp lực thanh toán nợ TPDN đáo hạn đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, trong một báo cáo gửi lên Chính phủ hồi cuối tháng 7-2022, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, khối lượng TPDN đáo hạn khoảng 144.500 tỉ đồng, nhưng con số này của năm 2023 và năm 2024 sẽ tiếp tục tăng mạnh, lần lượt ở mức 271.400 tỉ đồng và 329.500 tỉ đồng.

Theo đó, tổng khối lượng TPDN đến hạn trả nợ tới năm 2024 lên tới 745.400 tỉ đồng. Có thể thấy áp lực trả nợ tiếp tục gia tăng mạnh trong giai đoạn 2023-2024, do đó nhu cầu nguồn vốn để đảo nợ đang cấp thiết hơn bao giờ hết, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn mới lại đang gặp không ít khó khăn như đã nói. Điều này đồng nghĩa với rủi ro của thị trường TPDN và những trái chủ hiện nay phải cần được dè chừng.

Riêng đối với nhóm bất động sản, dữ liệu của FiinGroup và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết giá trị đáo hạn của trái phiếu bất động sản vào cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 37.000 tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp chưa niêm yết chiếm phần lớn (84% tổng giá trị).

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức, từ xu hướng lãi suất đi lên, việc bán hàng chậm lại và những quy định mới để chống đầu cơ nhà đất, thì dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ tiếp tục là vấn đề đáng lưu tâm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới