Chủ Nhật, 3/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

VPA: “Chính sách thuế gây khó doanh nghiệp nhựa”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VPA: "Chính sách thuế gây khó doanh nghiệp nhựa"

Nguyệt Hằng

VPA:
Túi nhựa hiện là sản phẩm xuất khẩu chính của ngành nhựa Việt Nam. Ảnh minh họa: Thu Nguyệt.

(TBKTSG Online) – Hiệp hội nhựa Viêt Nam (VPA) cho rằng một số chính sách thuế do Bộ Tài chính đưa ra gần đây như tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu và thay đổi về thời hạn nộp thuế, ân hạn thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu đang gây khó cho doanh nghiệp trong ngành.

>>> Áp lực tăng giá xăng dầu, gas

Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc dự kiến tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa Polypropylen (PP) từ 0% lên 3%.

Theo VPA, các doanh nghiệp trong nước mới sản xuất được 150.000 tấn nguyên liệu này, trong khi đó nhu cầu hàng năm của Việt Nam là 750.000 tấn. Theo đó, mỗi năm doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu 600.000 tấn nguyên liệu nhựa PP.

Với giá nhập khẩu khoảng 1.500 đô la Mỹ/tấn, các doanh nghiệp ngành nhựa sẽ phải bỏ ra thêm hơn 500 tỉ đồng (nếu áp dụng mức thuế 3%) để nhập khẩu cùng lượng nguyên liệu so với trước khi tăng thuế.

Trước đó, dự kiến tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa PP từ 0% lên 3% được Bộ Tài chính đưa ra vào ngày 10-5-2013. Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm hóa dầu (PP, Benzen, Para-xylen) từ 0% lên 3% là bảo hộ và khuyến khích sản xuất trong nước đối với các mặt hàng trong nước đã có đầu tư sản xuất. Ngoài ra, việc này còn nhằm để Nhà nước sẽ không phải bù giá cho Công ty Bình Sơn và cho Công ty Nghi Sơn kể từ năm 2013 (khi dự án đi vào vận hành thương mại).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp khó với trường hợp xuất phát từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực ngày 1-7. Nội dung mới, quan trọng trong luật này được các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu quan tâm đó là thời hạn nộp thuế, ân hạn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo đó, hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, thời hạn nộp thuế tối đa là 275 ngày. Do vậy, các lô hàng nguyên liệu không thuộc dạng này phải nộp thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa, thay vì được thông quan trước, nộp thuế sau như trước đây. Một doanh nghiệp nhập khẩu cho biết, trường hợp một lô hàng kê khai thuế trị giá một tỉ đồng, doanh nghiệp phải bỏ ra 100 triệu đồng đóng thuế rồi mới được thông quan.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa trong 6 tháng đầu năm nay đạt 1,03 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa đạt 851 triệu đô la Mỹ, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp, chủ yếu do các thị trường nhập khẩu chính sản phẩm nhựa của Việt Nam, như Nhật Bản, Mỹ, Đức gặp khó khăn.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu chất dẻo trong nửa tháng đầu năm nay đạt 181 triệu đô la Mỹ, giảm 1,2% về lượng và 5,4% về giá trị.

Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam. Hiện xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 1/10 doanh số của ngành nhựa.

Theo VPA, hiện có xu hướng linh kiện lắp đặt đồ dùng trong nhà và xe cộ là một trong những sản phẩm nhựa xuất khẩu triển vọng trong năm 2013 và tương lai, do tính ứng dụng trong cuộc sống và nhu cầu sản phẩm nhựa này trên thế giới rất lớn.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành nhựa đạt gần 4 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, chất dẻo nguyên liệu để phục vụ sản xuất đạt trên 2,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 19,2% về lượng và 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Nhập khẩu sản phẩm và bán thành phẩm đạt gần 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,3%. Các thị trường chính cung cấp nguyên liệu nhựa cho Việt Nam là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Arab Saudi,…..

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới