VPF nên là công ty cổ phần hay TNHH?
Luật sư Nguyễn Hoàng Anh (*)
![]() |
Hội nghị các doanh nghiệp làm bóng đá diễn ra ngày 29-9 vừa qua. Nguồn: Tuổi Trẻ Online |
(TBKTSG Online) - Đề án thành lập công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (Vietnam Professional Football – VPF) do ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội – ACB khởi xướng đã được sự ủng hộ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và hầu hết các câu lạc bộ tham gia Giải bóng đá vô địch quốc gia (Giải V-League).
Theo đề án này, VPF sẽ là một công ty cổ phần được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp để thực hiện chức năng tổ chức và điều hành Giải V-League thay cho VFF.
VPF có các cổ đông là VFF và các câu lạc bộ bóng đá tham gia V-League (CLB). VFF được coi là cổ đông lớn chiếm 35,6% vốn điều lệ của VPF và có quyền phủ quyết đối với mọi quyết định của Đại hội đồng cổ đông VPF.
Mô hình công ty cổ phần như vậy có phù hợp mục đính thành lập và tính chất hoạt động của VFF hay không?
Khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên cần cân nhắc để lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mục đích và kế hoạch kinh doanh dự kiến của mình. Đề án thành lập VPF cho thấy một mô hình công ty phù hợp cho VPF cần đáp ứng được các tiêu chí sau:
(a) Việc quản trị doanh nghiệp phải đảm bảo VFF có quyền phủ quyết với các quyết định Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị của VPF.
(b) Phải thuận lợi cho việc chuyển nhượng lợi ích trong công ty (cổ phần hay phần vốn góp) giữa các CLB được tham gia V-League.
(c) Đảm bảo VPF có khả năng tự chủ về tài chính trong việc tổ chức Giải V-League và các CLB sẽ không phải đóng lệ phí hàng năm cũng như chịu chi phí cho trọng tài, giám sát…
Quản trị doanh nghiệp
Với loại hình công ty cổ phần, việc nắm giữ 35,6% phần vốn góp của VPF có thể giúp VFF có quyền phủ quyết theo quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong tương lai khi Luật Doanh nghiệp được sửa đổi để phù hợp với các cam kết WTO của Việt Nam, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông chỉ cần được sự chấp thuận của số cổ đông nắm giữ 51% số phần trong công ty cổ phần.
Ngoài ra, tỉ lệ sở hữu của VPF có thể bị pha loãng trong trường hợp VPF cần gọi vốn thêm vốn chủ sở hữu và VPF không có khả năng tài chính để góp thêm vốn. Việc dành cho VPF được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết cũng không giúp giải quyết vấn đề này vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ phải chuyển đổi thành cổ phần phổ thông sau ba năm kể từ ngày thành VPF được thành lập.
Với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên (công ty TNHH), mọi quyết định của Hội đồng thành viên (tương đương với Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần) sẽ chỉ được thông qua bởi số thành viên nắm giữ ít nhất 65% tổng số vốn góp trong công ty TNHH (tỷ lệ này là 75% đối với một số vấn đề quan trọng).
Ngoài ra, các thành viên có thể thỏa thuận trong điều lệ công ty dành cho VPF quyền phủ quyết đặc biệt trong trường hợp tỷ lệ sở hữu của VPF bị pha loãng. Điều này không thể thực hiện được với công ty cổ phần vì theo Luật Doanh nghiệp, các cổ phần cùng loại tạo cho người sở hữu nó các quyền và nghĩa vụ ngang nhau và do đó, một cổ đông nắm giữ cổ phần phổ thông không thể có quyền hơn các cổ đông phổ thông khác.
Chuyển nhượng lợi ích trong công ty
Theo đề án, một CLB sẽ không còn là cổ đông của VPF trong trường hợp bị xuống hạng và phải chuyển nhượng nguyên giá trị vốn góp cho CLB lên hạng.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ phần của cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm (trừ khi chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác hoặc nếu có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông). Ngoài ra, trong trường hợp công ty phát hành cổ phần riêng lẻ thì cổ đông mua cố phần phát hành riêng lẻ đó sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành việc chào bán cổ phần theo quy định của Nghị định 01/2010/NĐ-CP ngày 4.1.2010.
Với tính đặc thù của VPF là có sự thay đổi thành viên công ty sau mỗi mùa giải, thì việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông phải tính đến yếu tố chênh lệch thời gian giữa số ngày thực tế giữa hai mùa giải và thời điểm hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần giữa CLB xuống hạng và CLB lên hạng. Nếu VPF được thành lập theo hình thức công ty TNHH thì việc nhượng phần vốn góp này không cần tính đến các yếu tố này do phần vốn góp không bị hạn chế chuyển nhượng như trường hợp công ty cổ phần. Điều lệ của VPF có thể quy định cụ thể quy trình chuyển nhượng phần vốn góp để giải quyết các hạn chế quy định tại Điều 44 của Luật Doanh nghiệp áp dụng đối với công ty TNHH.
Huy động vốn cho VPF
Để đảm bảo cho VPF có khả năng tự chủ về tài chính thì VPF cần phải có khả năng huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài và các ngân hàng. Loại hình công ty cổ phần phù hợp trong trường hợp VPF cần huy động vốn chủ sở hữu thông qua việc phát hành cổ phần ra công chúng và niêm yết để tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu của mình. Tuy nhiên, với đặc thù là luôn hạn chế số thành viên thì ưu điểm của công ty cổ phần từ việc phát hành và niêm yết cổ phần không phải là yếu tố quan trọng cần tính tới.
Ngoài ra, việc yêu cầu góp thêm vốn từ cổ đông hiện của công ty cổ phần còn chịu sự hạn chế về thời gian giữa hai đợt phát hành là 6 tháng (theo Nghị định 01/2010/NĐ-CP). Với loại hình công ty TNHH, các thành viên của VPF có thể góp thêm vốn vào bất kỳ thời điểm nào.
Ngoài ra, VPF có huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu được đảm bảo bằng dòng tiền trong tương lai. Một trong các phương thức huy động vốn có thể tính đến là chứng khoán hóa dòng tiền từ bản quyền truyền hình và các nguồn thu khác của VPF.
Chúng ta có thể tham khảo mô hình chứng khoán hóa các nguồn thu từ bóng đá của Câu lạc bộ Arsenal (football securitisation) lần đầu tiên được thực hiện năm 2006. Để làm được điều này, VFF cần phải chuyển nhượng bản quyền truyền hình cho VPF thông qua hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình có điều kiện.
_______________________________________________________________________
(*) Công ty Luật Mayer Brown JSM, thành viên Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam