Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VRN: Cần tham vấn dân khi phát triển thủy điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VRN: Cần tham vấn dân khi phát triển thủy điện

Ngọc Hùng thực hiện

Bà Lâm Thị Thu Sửu.

(TBKTSG Online) – Các chủ đầu tư đập thủy điện sau khi xây dựng đập xong thường lấy những lý do ưu tiên cho phát điện để chần chừ xả nước vào mùa khô khiến thiếu nước tưới tiêu, đồng ruộng khô hạn. Còn đến mùa mưa lũ, họ xả nước ồ ạt với lý do đảm bảo an toàn cho hồ đập, tiếp tục gây khốn đốn, thiệt hại cho người dân sống ở vùng hạ lưu.

>>> Thủy điện đua nhau xả, hạ du lũ chồng lũ

>>> Chủ đập không chịu xả nước từ từ trước khi lũ về

>>> Xả lũ sao cho dân không bị thiệt?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với bà Lâm Thị Thu Sửu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD), Điều phối viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) xung quanh vấn đề này nhân hội thảo về thủy điện miền Trung vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Nam.

TBKTSG Online: Vừa rồi VRN đã tổ chức hội thảo về thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân vào việc phát triển. Bà có thể cho biết người dân có thể tham gia ra sao trong trường hợp này?

– Bà Lâm Thị Thu Sửu: Sự tham gia được đề cập trong trường hợp này là người dân cần phải được tiếp cận thông tin, họ cần phải có cơ hội nói lên tiếng nói và thể hiện vai trò của mình trong quá trình phát triển thủy điện.

Cụ thể, ngay từ khi bắt đầu tiến hành quy hoạch thủy điện trên một lưu vực sông nào đó thì người dân sống trên lưu vực sông đó phải được tham vấn ý kiến về tiềm năng cũng như tác động của quy hoạch thủy điện đối với môi trường và sinh kế địa phương. Nghĩa là lợi ích người dân phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình xây dựng và vận hành của thủy điện.

Mùa khô thì người dân sống ở vùng hạ du thiếu nước để canh tác vì thủy điện giữ nước cho phát điện nhưng lại xả nước vào mùa mưa với lý do để đảm bảo an toàn hồ chứa. Ý kiến và vai trò của VRN về vấn đề này ra sao, thưa bà?

– Việc các nhà máy thủy điện tích nước vào mùa khô và xả nước vào mùa mưa lũ gây tác động nhiều đến đời sống, sinh kế của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến “sức khỏe" của dòng sông. Tôi nghĩ cả xã hội cần lên tiếng về việc này.

Bản thân chúng tôi đã bắt đầu có một số hoạt động để can thiệp vào vấn đề này. Đó là tiến hành rà soát các văn bản liên quan đến việc xả và tích nước của một vài công trình thủy điện ở miền Trung. Cụ thể, chúng tôi nghiên cứu các văn bản thỏa thuận về phối hợp giữa nhà máy với các cơ quan chuyên môn như Trung tâm khí tượng thủy văn, Ban phòng chống lụt bão và chính quyền địa phương các cấp.

VRN cũng đã tìm hiểu các văn bản chỉ đạo của các bộ ngành trung ương như quy trình vận hành liên hồ chứa, các quy định về môi trường và dòng chảy tối thiểu… Dựa trên các cơ sở pháp lý này, chúng tôi đối chiếu với thực tế để phát hiện xem liệu các cam kết và quy định pháp luật đã được các thủy điện thực thi như thế nào để có những bước đi kếp tiếp.

Ngoài ra, VRN cũng đang tăng cường năng lực cho các cộng động địa phương (đặc biệt cộng đồng ở hạ du) của các công trình thủy điện để họ có thể tham gia vào quá trình này với chúng tôi.

Xin bà nói cụ thể hơn về việc tăng cường năng lực cho các cộng đồng địa phương?

– Theo tôi biết, từ trước đến nay, mỗi khi thủy điện được xây dựng ở một con sông nào đó, hầu như người dân ở hạ du không được chủ đầu tư lấy ý kiến tham vấn trong qua trình xây dựng dự án. Ngoài ra, khảo sát của VRN cho thấy, người dân cũng thiếu những kỹ năng để phản biện hay tham gia hiệu quả trong quá trình tham vấn (nếu có được các chủ đầu tư lấy ý kiến).

Vì thế, VRN đặt mục tiêu tập huấn cho người dân tại những nơi này cách đưa ra ý kiến, những dẫn chứng về tác động của đập thủy điện ảnh hưởng đến cuộc sống, canh tác của họ để khi có cơ hội họ sẽ nói lên ý kiến của mình rằng nước là tài nguyên chung và mọi người phải được cùng nhau chia sẻ ích lợi từ đó chứ không riêng gì lợi ích của các đủ đầu tư.

Trong các năm qua đã có thủy điện xả lũ khiến hoa màu của người dân vùng hạ lưu bị mất trắng. Vậy VRN có gợi ý gì cho người dân trong việc này, ví dụ như tư vấn pháp luật nhằm giúp người dân có thể khởi kiện thủy điện được không?

– Hiện VRN đang cố gắng hỗ trợ để người dân có thể tiếp cận với các cơ quan, văn phòng trợ giúp pháp lý và ở đó họ sẽ nhận được các tư vấn pháp luật để tiến hành giải quyết các vấn đề theo quy định của pháp luật.

Việc người dân kiện các chủ đầu tư công trình thủy điện vì xả lũ bất thường hay giữ nước lại trong mùa khô khiến người dân không có nước để canh tác là một lựa chọn cuối cùng. Theo tôi, mục đích cuối cùng là làm sao phát triển thủy điện phải hài hòa được cho cả lợi ích với người dân ở hạ du.

Để tránh xung đột lợi ích giữa các bên sử dụng chung một nguồn nước thì các thủy điện khi lên kế hoạch tích nước và xả nước phải cân nhắc đến kế hoạch sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cụ thể, thông báo trực tiếp, kịp thời và chính xác cho người dân về thời gian xả lũ để có kế hoạch phòng tránh. Còn vào mùa khô, chủ đầu tư thủy điện phải chủ động xả nước để người dân canh tác, cày cấy chuẩn bị cho vụ mới.

Tóm lại, nước là nguồn tài nguyên quốc gia mà ở đó các nhóm sử dụng bao gồm nông dân trồng lúa, hoa màu, ngư dân và thủy điện đều được chia sẻ lợi ích một cách công bằng nhất, chứ không nên đặt lợi ích của nhóm người này lên trên lợi ích của  người khác. Theo tôi, đối với vấn đề thủy điện, chúng ta phải ưu tiên cho người dân trước.

Xin cảm ơn bà!

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) là một diễn đàn mở thu hút sự tham gia của đại diện các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ của các cơ quan nhà nước và người dân ở các cộng đồng có quan tâm tới việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước và phát triển bền vững ở Việt Nam.

VRN được thành lập vào tháng 11-2005 và được điều phối bởi Trung tâm Bảo tồn và phát triển tài nguyên nước (WARECOD). Bắt đầu từ năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD) là cơ quan điều phối chung của VRN và WARECOD.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới