Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

VSSA: Đường nhập khẩu từ Indonesia có dấu hiệu bán phá giá

Nam Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 14.000 tấn đường từ Indonesia nhưng qua năm 2021 tăng lên hơn 345.000 tấn và hơn 431.000 tấn trong năm 2022, tương đương 35% tổng lượng đường nhập khẩu của Việt Nam trong năm này. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đường nhập khẩu từ Indonesia đang có dấu hiệu bán phá giá.

Mía nguyên liệu được đưa vào sản xuất đường tại nhà máy đường Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), căn cứ điều 24 của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), mức tăng 10% năm là mức kích hoạt (trigger level) cho phép một quốc gia thành viên có thể thực hiện hành động ngăn chặn hoặc khắc phục các tổn hại gây ra do việc gia tăng nhập khẩu gạo và đường theo điều kiện ATIGA vào quốc gia nhập khẩu. Mức tăng nhập khẩu đường từ Indonesia vào Việt Nam trong 2 năm 2021 và 2022 đã vượt mức kích hoạt nêu trên.

Vì thế, VSSA cho rằng toàn bộ khối lượng đường nêu trên có dấu hiệu bán phá giá. VSSA dẫn chứng, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giá đường nhập khẩu từ Indonesia vào Việt Nam bình quân năm 2021 là 594 đô la Mỹ/tấn và năm 2022 là 664 đô la Mỹ/tấn. Điều bất thường là giá đường xuất khẩu nêu trên thấp hơn rất nhiều giá đường tại thị trường Indonesia.

“Theo thông tin trên trang web của Bộ Thương mại Indonesia SISKAPERBAPO.com, giá đường bình quân tại Java Indonesia năm 2021 là 835 đô la Mỹ/tấn và năm 2022 là 895 đô la Mỹ/tấn. Có nghĩa là Indonesia xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức giá thấp hơn giá bán tại thị trường nội địa cho năm 2021 là 141% và năm 2022 là 134%”, báo cáo của VSSA cho biết.

Do đó, theo VSSA, điều này gây thiệt hại cho chuỗi sản xuất mía đường trong nước. Lý do, trong bối cảnh ngành đường Việt Nam đã liên tục nâng giá mía mua của nông dân những năm gần đây đến mức tương đương với giá các nước trồng mía trong khu vực, giá đường nhập khẩu từ Indonesia chỉ cao hơn một chút (từ 20 đến 28%) so với giá đường Thái Lan đã được xác định là đường trợ cấp phá giá (mức thuế chống bán phá giá chống trợ cấp là 47,64%), nên đã có tác dụng ép giá khiến cho đường sản xuất từ mía không thể bán được và phá hủy chuỗi liên kết mía – đường của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung cả năm 2022, tổng lượng đường nhập khẩu của Việt Nam là gần 1.230.000 tấn, thấp hơn khối lượng 1.474.000 tấn của năm 2021, thấp hơn khối lượng 1.589.000 tấn của năm 2020. Về xuất khẩu, tính chung cả năm 2022, tổng lượng đường xuất khẩu của Việt Nam là 110.848 tấn, thấp hơn khối lượng 189.588 tấn của năm 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới