Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vụ Đại học Hoa Sen: HĐQT nào là hợp pháp?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vụ Đại học Hoa Sen: HĐQT nào là hợp pháp?

Trần Thanh Tùng

(TBKTSG Online) - Cuộc họp bất thường của đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Đại học Hoa Sen ngày 2-8 đã bầu ra thêm một HĐQT và đồng thời tạo ra tranh cãi pháp lý hóc búa: HĐQT nào là hợp pháp và hiện thời ai có quyền đại diện cho Đại học Hoa Sen. Lời giải của câu hỏi nằm ở chỗ nghị quyết cuộc họp ngày 2-8 có hợp pháp không.

Vụ Đại học Hoa Sen: HĐQT nào là hợp pháp?
Ảnh: hoasen.edu.vn

Nghị quyết – thể hiện ý chí của cổ đông

ĐHĐCĐ là tập hợp các cổ đông – người chủ của công ty và nghị quyết của ĐHĐCĐ thể hiện ý chí của cổ đông. Tuy nhiên, cổ đông thì thay đổi thường xuyên, ĐHĐCĐ như một váng mây trên đầu, hợp rồi tan ngay. Thế nên xác định được chính xác ý chí của tập hợp cổ đông đó sẽ không dễ dàng.

Nghị quyết của ĐHĐCĐ là kết quả của hàng loạt những quy trình và thủ tục trước đó, bắt đầu từ việc triệu tập rồi họp ĐHĐCĐ đến khi ra quyết định. Do vậy, luật sẽ không liệt kê các điều kiện có hiệu lực của một Nghị quyết mà tiếp cận theo hướng loại trừ, tức là chỉ ra những trường hợp mà Nghị quyết bị hủy bỏ.

Theo Điều 107 Luật Doanh nghiệp, Tòa án hoặc Trọng tài có thể hủy bỏ nghị quyết khi (i) trình tự và thủ tục triệu tập họp ĐHĐCĐ không đúng Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty; hoặc (ii) trình tự, thủ tục ra nghị quyết và nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty. Nói khác đi, nghị quyết phải đáp ứng cả điều kiện về trình tự, thủ tục và nội dung.

Đối với công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp

Đối với các công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp, có ba nơi được quyền triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ là HĐQT, Ban Kiểm soát và (nhóm) cổ đông nắm trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào nhóm cổ đông 10% cũng có thể triệu tập họp ĐHĐCĐ mà chỉ được thực hiện quyền này khi thấy HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; nhiệm kỳ của HĐQT đã quá 6 tháng nhưng chưa được bầu thay thế hoặc các trường hợp khác do Điều lệ quy định.

Trong những trường hợp trên, nhóm cổ đông 10% phải gửi yêu cầu triệu tập họp cho HĐQT kèm theo chứng cứ liên quan. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, HĐQT phải triệu tập họp ĐHĐCĐ. 

Nếu HĐQT không triệu tập họp ĐHĐCĐ thì trong vòng 30 ngày tiếp theo, Ban kiểm soát thay thế HĐQT triệu tập họp ĐHĐCĐ. 

Khi Ban Kiểm soát không triệu tập họp ĐHĐCĐ thì nhóm cổ đông 10% có quyền thay thế HĐQT, Ban kiểm soát triệu tập họp ĐHĐCĐ. Tất nhiên nhóm cổ đông 10% vẫn phải đảm bảo thời hạn gửi thư mời cho cổ đông cũng như chuẩn bị chương trình cho cuộc họp bất thường theo Luật Doanh nghiệp.

Về điều kiện về số cổ đông tham dự, cuộc họp bất thường sẽ hợp lệ khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Túc số này giảm xuống còn ít nhất 51% đối với cuộc họp thứ hai và đến lần thứ ba thì là cuộc họp vẫn được tiến hành, bất kể số cổ đông dự họp và tỷ lệ số cổ phần họ nắm giữ.

Nghị quyết của ĐHĐCĐ sẽ được thông qua khi nhận được ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết ủng hộ của cổ đông dự họp, hoặc 75% đối với những vấn đề quan trọng. Riêng việc bầu thành viên HĐQT và BKS sẽ thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu.

Thỏa mãn các điều kiện về trình tự, thủ tục vẫn chưa đủ mà nội dung nghị quyết còn phải không vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ. Nội dung nghị quyết thay đổi theo từng cuộc họp, do vậy, có thể hiểu tại sao luật không thể quy định chi tiết  hơn mà tòa án hoặc trọng tài sẽ là người xác định xem nội dung của một nghị quyết cụ thể có vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ không.

Đối với trường đại học tư thục

Đại học tư thục hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục được ban hành theo Quyết định 61/2009/QĐ-TTg và Quyết định 63/2011/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ.  Theo quy chế này, hầu như không có sự khác biệt đáng kể nào về thành phần cổ đông dự họp và số phiếu ủng hộ cần thiết để thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, thủ tục và trình tự triệu tập cuộc họp bất thường của ĐHĐCĐ của đại học tư thục có những khác biệt quan trọng.

Điều đầu tiên là để có thể đề nghị triệu tập cuộc họp bất thường của ĐHĐCĐ, cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu trên 30% số cổ phần, thay vì trên 10% trong Luật Doanh nghiệp.

Hơn nữa, không như Luật Doanh nghiệp, cổ đông của đại học tư thục không được trao quyền thay thế HĐQT hoặc Ban Kiểm soát để triệu tập cuộc họp bất thường của ĐHĐCĐ, mà phải thông qua một thành viên HĐQT hoặc Ban Kiểm soát để họ triệu tập ĐHĐCĐ họp bất thường.

Điểm mấu chốt khác nằm ở Điều 9 của Quy chế, theo đó, nếu Chủ tịch HĐQT không triệu tập cuộc họp theo ngày họp dự kiến trong kế hoạch của HĐQT, các cổ đông 30% có thể chọn một thành viên HĐQT hoặc Ban kiểm soát triệu tập họp ĐHĐCĐ.

Về mặt logic, cổ đông đứng trước hai phương án: (1) chọn một thành viên HĐQT triệu tập họp ĐHĐCĐ; hoặc (2) chọn Ban Kiểm soát triệu tập họp ĐHĐCĐ.

Quy định này có thể được hiểu theo hai cách. Cách thứ nhất là cổ đông chỉ được chọn một trong hai phương án và khi đã chọn phương án (1) thì không thể chọn lựa phương án (2) và ngược lại. Cách thức hai, là cổ đông được quyền chọn cả hai cách (1) và (2) cùng một lúc.

Do hai cách hiểu đó, quy định này có thể gây tranh cãi ghê gớm, đặc biệt là trong vụ việc của Đại học Hoa Sen khi mà cổ đông 30% đã chọn phương án là yêu cầu Ban Kiểm soát triệu tập họp ĐHĐCĐ nhưng sau đó lại yêu cầu một thành viên HĐQT triệu tập họp ĐHĐCĐ. Nếu hiểu theo cách hiểu thứ nhất, cổ đông 30% sẽ mất quyền “chọn một thành viên HĐQT triệu tập họp ĐHĐCĐ” khi đã yêu cầu Ban Kiểm soát triệu tập họp ĐHĐCĐ? Quy chế không giải thích thêm.

Cuối cùng, điều kiện để cổ đông 30% thực hiện quyền này là khi “Chủ tịch HĐQT không triệu tập cuộc họp theo ngày họp dự kiến trong kế hoạch của HĐQT, nghĩa là phải có một ngày họp dự kiến trong kế hoạch của  HĐQT và Chủ tịch HĐQT đã không triệu tập họp theo lịch này. Tuy nhiên, nếu không có ngày họp dự kiến trong kế hoạch của HĐQT thì cổ đông có được thực hiện quyền này không? Quy chế im lặng ở điểm quan trọng này.

Những câu hỏi xa hơn

Vụ việc của Đại học Hoa Sen sẽ có thể được nhìn nhận theo nhiều góc độ. Về pháp lý, có sự vênh nhau đáng kể giữa Quyết định 61/2009/QĐ-TTg, Quyết định 63/2011/QĐ-TTg và Luật Doanh nghiệp. Điều này dường như biểu hiện của những vấn đề quan trọng sâu xa: trường đại học tư thục có phải và có nên là một công ty cổ phần không?

Đại học tư thục là một công ty cổ phần có thể là định kiến sai lầm. Không như  một công ty cổ phần lấy kinh doanh làm hoạt động chính, đại học dân lập lấy việc đạo tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học, công nghệ làm nhiệm vụ chính. Nhiệm vụ này khác về bản chất so với kinh doanh. Do vậy, mô  hình công ty cổ phần – mô hình công ty đối vốn rõ nhất, nơi mà cổ đông chỉ quan hệ với nhau thông qua số vốn mà họ nắm giữ - có vẻ như không hoàn toàn phù hợp với đại học tư thục.

Có lẽ đã đến lúc các nhà lập chính sách cần tìm ra một mô hình mới cho sự phát triển của đại học tư thục tại Việt Nam.

Đọc thêm:

Từ Hoa Sen nhìn về tương lai đại học tư thục

HĐQT Đại học Hoa Sen bị bãi nhiệm

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới