Vụ mía buồn ở ĐBSCL
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Dù diện tích mía chưa được thu hoạch của Hậu Giang còn khá nhiều nhưng có thể nói vụ mía 2010-2011 ở Hậu Giang, vùng trồng mía lớn nhất ĐBSCL đã khép lại. Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm được bà con trồng mía băn khoăn là giá mía nguyên liệu năm nay quá thấp, trong khi giá sản phẩm bán ra vẫn ở mức khá cao.
Đưa mía vào ép ở nhà máy đường, ảnh chỉ có tính minh họa - Ảnh: TC. |
Có ăn chặn lợi nhuận?
So với vụ mía trước, vụ mía năm nay, mỗi kg mía nguyên liệu của bà con nông dân đem bán cho nhà máy thấp hơn 200-400 đồng (tùy loại).
Bà con nông dân trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang cho biết, theo quy định, với mỗi 10 kg mía nguyên liệu đạt 10 chữ đường (CCS) sẽ tạo được một 1kg đường thành phẩm. Như vậy với giá đường được nhà máy phân phối ra thị trường hiện có giá khoảng 18.000 đồng/kg (giá này nhà máy đã có lời), tương đương 10 kg mía đạt 10 CCS có giá tương đương 18.000 đồng, tức 1.800 đồng/kg mía nguyên liệu 10 CCS.
Đó là tâm tư của nhà nông, theo tìm hiểu của người viết ở các nhà máy đường thì mía nguyên liệu chiếm 50-60% giá thành sản xuất đường và điều này khó tính chính xác rằng giá bán đường của nhà máy 18.000 đồng/kg (bán sỉ cho các nhà thương mại, phân phối, thực chất tới tay người tiêu dùng 22.000 - 24.000 đồng/kg đường) thì tính ra giá bán mía bao nhiêu là vừa.
Theo thông tin được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang công bố, năm nay do mía nguyên liệu bị ngập lụt nên mía bị giảm chữ đường, dao động ở mức trung bình khoảng 8 CCS.
Ông Nguyễn Văn Đua, ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp tính toán: “Trường hợp mía đạt 8 CCS (chữ đường mức trung bình trong vụ mía năm nay đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết- người viết) thì cần khoảng 13 kg mía nguyên liệu để sản xuất được 1kg đường thành phẩm, tương đương 13 kg mía có giá 18.000 đồng. Thế nhưng, hiện nhà máy thu mua mía nguyên liệu của chúng tôi chỉ dao động quanh mức 800-1.000 đồng/kg (tùy loại), nghĩa là 13 kg mía nguyên liệu nhà máy chỉ tốn khoảng hơn 10.000-13.000. Nếu tính luôn các loại chi phí để tạo ra được 1kg đường thành phẩm (2.000 đồng/kg) thì nhà máy vẫn còn lãi khoảng 3.000 đồng”.
Ông tâm tư: “Số tiền 3.000 đồng này lẽ ra là của nông dân nhưng lại chạy vào túi của doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc là doanh nghiệp đã ép giá nông dân”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, việc xác định nhà máy đường có ép giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân hay không là rất khó, bởi cơ sở khoa học để xác định sản xuất được một được 1 kg đường thành phẩm cần bao nhiêu mía nguyên liệu là rất khó.
Tuy nhiên, bà con nông dân trồng mía tâm tư có cơ sở khi giá đường trên thị trường bán lẻ và giá đường bán sỉ của các nhà máy không hề giảm so với năm ngoái, vẫn ổn định ở mức cao nhưng giá mía mua của nông dân lại giảm mạnh.
Vụ mía buồn
Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, tính đến nay, huyện Phụng hiệp còn khoảng 320 héc ta trên tổng số 8.813 héc ta mía vẫn chưa thể tiêu thụ được. |
Việc xác định nhà máy đường có ép giá trong việc thu mua mía nguyên liệu cho nông dân hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Thế nhưng, có một thực tế rõ ràng là vụ mía 2010-2011 bà con trồng mía tại Hậu Giang đã trắng tay. Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang khẳng định: “Vụ mía năm nay, có thể nói nông dân trồng mía chúng tôi đã thất bại hoàn toàn”.
Theo tính toán của ông Trần Văn Hải ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, sau 10 tháng trồng, năm nay mỗi héc ta mía bà con thu lãi chỉ khoảng 15 triệu đồng (túc 1,5 triệu đồng/công/10 tháng). “Với mức lãi này, không đủ chi phí đầu tư cho vụ mới nữa chứ nói chi đến ổn định cuộc sống”- ông Hải khẳng định.
Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết: “Vụ mía năm nay, bà con không hài lòng vì lũ về sớm, tiêu thụ rất khó khăn. Bên cạnh đó, giá bán mía nguyên liệu thấp, nhân công lao động cứ tăng tăng cao từng ngày nên đã “ăn” hết lợi nhuận của nông dân. Mùa mía năm nay không ngọt, mà mùa mía năm nay rất chua”.