Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vụ nông dân ‘kêu khó’ bán khoai lang: địa phương sẽ ủy quyền cho bán ra ngoài nếu không đạt thoả thuận với doanh nghiệp

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên quan đến tình trạng nông dân trồng khoai lang “kêu khó” bán sản phẩm cho doanh nghiệp liên kết xây dựng mã số vùng trồng, địa phương khẳng định sẽ ký giấy uỷ quyền sử dụng mã số vùng trồng để nông dân thuận lợi bán sản phẩm ra bên ngoài, nếu giữa nông dân và doanh nghiệp liên kết không đạt được thoả thuận mua bán.

Sẽ ký giấy uỷ quyền sử dụng mã số vùng trồng nếu nông dân và doanh nghiệp liên kết không đạt được thoả thuận mua bán. Ảnh: Trung Chánh

Như KTSG Online đã thông tin, ông Sơn Văn Luận, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Thanh Ngọc (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, khi khoai lang đến kỳ thu hoạch, nông dân đã liên hệ với doanh nghiệp liên kết để thực hiện việc thu mua sản phẩm theo đúng thoả thuận.

Tuy nhiên, theo ông Luận, giữa doanh nghiệp và nông dân không đạt được thoả thuận mua bán khi doanh nghiệp đưa ra mức giá thu mua thấp hơn so với giá thị trường ở thời điểm thoả thuận, trong khi việc chọn lựa sản phẩm cũng khó hơn so với bên ngoài.

Đáng nói hơn, ông Luận cho biết, nông dân gặp không ít rất khó khăn khi bán ra bên ngoài vì địa phương không ký giấy xác nhận uỷ quyền về sử dụng mã số vùng trồng để nông dân bán cho đơn vị khác nhằm xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc.

Trao đổi với KTSG Online liên quan phản ánh nêu trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc (Công ty Việt Phúc)- đơn vị bị nông dân phản ánh- cho rằng, thông tin được ông Luận đưa ra là phiến diện, không đúng sự thật.

Theo bà Hương, sau nhiều năm công ty phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long vận động nông dân trồng khoai lang xây dựng mã số vùng trồng, tuy nhiên, ông Luận không đồng ý tham gia. “Nhưng, chúng tôi vẫn kiên trì vận động, cùng sở làm và vừa rồi cũng thu hoạch, nhưng ruộng của ông này (ông Sơn Văn Luận, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Thanh Ngọc- PV) không đạt tiêu chuẩn”, bà Hương giải thích.

Theo bà, đơn vị này không đàm phán mua trực tiếp (ý nói không đàm phán trực tiếp với ông Luận- PV), mà thông qua tổ trưởng tổ hợp tác các mã vùng trồng. “Thế là ông tổ trưởng đứng ra làm với bà con, chọn, đánh giá, phân loại, sau đó, chúng tôi sẽ mua chỉ định qua các hệ thống lái địa phương, các cơ sở thu mua địa phương”, bà Hương cho biết.

Cũng theo bà Hương, đợt thu hoạch vừa rồi, ông Luận đòi giá cao, trong khi đơn vị nhận uỷ quyền của Công ty Việt Phúc đánh giá chất lượng sản phẩm chỉ đạt loại B thôi, cho nên, hai bên đã không đi đến thống nhất.

Vị chủ tịch HĐQT Công ty Việt Phúc cho rằng, đơn vị này muốn nông dân thay đổi tư duy bán hàng phải theo thị trường, tức phải phân loại A, B, C… “Chị muốn như thế, nhưng bà con không chịu, muốn cho bà con thay đổi tư duy, bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mình muốn, phải thay đổi tư duy đấy”, bà nói và cho rằng, đang có định hướng thành lập một “group chợ giao dịch khoai lang”, bao gồm các thương lái để cập nhật hàng ngày về giá khoai ở chợ đầu mối bên Trung Quốc như thế nào, nhu cầu sử dụng ra làm sao..., để tất cả mọi người cùng cập nhật thông tin.

Bà Hương nhấn mạnh, nếu bà con nông dân cứ bán xô, thì đơn vị này sẵn sàng chấp nhận mua không đủ số lượng. “Bà con làm như thế sẽ tự đánh mất mình và đánh mất thị trường”, bà nói và cho rằng, Việt Phúc sẽ lựa chọn những hộ dân "có tư tưởng cấp tiến" để đồng hành và hướng dẫn làm. “Làm ra loại A sẽ mua giá này, loại B sẽ là giá này và loại C là giá này…, phải làm như thế, chứ làm gì có chuyện mô xô vì khách hàng có chịu mua xô cho mình đâu”, bà Hương một lần nữa nhấn mạnh.

Để hiểu rõ hơn, phóng viên đã tìm đến nhà ông Võ Hoàng Long, tổ trưởng tổ hợp tác (ngụ xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), nhưng ông Long không trả lời vì không muốn liên quan đến câu chuyện của hai bên.

Trong khi đó, ông Bùi Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho rằng, hai bên (Công ty Việt Phúc và ông Sơn Văn Luận- PV) thoả thuận như thế nào địa phương không biết. “Nhưng khi tôi hỏi lại (bà Hương), bà nói lúc trước đưa ra quy cách như vậy, hai bên không thống nhất, rồi (ông Luận) tự động bán, không trao đổi lại với tổ trưởng, không qua công ty”, ông nói.

Ông Việt cho rằng do nông dân không thông qua công ty Việt Phúc, cho nên, địa phương không ký giấy uỷ quyền sử dụng mã số vùng trồng. Bởi lẽ, nếu địa phương ký giấy xác nhận sẽ phá vỡ chuỗi liên kết sản xuất.

“Nếu xảy ra trường hợp tương tự, thì xã sẽ xử lý thế nào, có ký giấy xác nhận để tạo điều kiện cho nông dân bán hay không?”

Trả lời câu hỏi nêu trên của phóng viên, ông Việt cho rằng, trước mắt chưa phát hiện thêm, nhưng ông đã chỉ đạo cán bộ phụ trách mời các tổ trưởng quản lý vùng trồng để thống nhất: khi nông dân có nhu cầu bán, thì trước thời điểm thu hoạch 1 tuần hoặc 10 ngày phải liên hệ công ty xuống để thoả thuận việc mua bán. “Trường hợp công ty thoả thuận với nông dân nếu không thống nhất, thì có quyền bán cho cở sở ngoài”, ông Việt cho biết và thông tin, trường hợp này địa phương sẽ ký giấy để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân bán sản phẩm.

Đối với trường hợp ông Luận phản ánh như nêu trên, ông Việt cho biết, cuối cùng UBND xã cũng đã ký giấy uỷ quyền cho nông dân bán ra bên ngoài.  “Tôi trực tiếp liên hệ Công ty Việt Phúc, bà Hương mới nói khoai của ổng xấu, thôi anh xác nhận cho ổng đi, chị không mua khoai ổng được đâu. Tôi mới xác nhận”, ông Việt nói.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong thoả thuận liên kết sử dụng mã số vùng trồng, thì doanh nghiệp và người nông dân có cam kết trước khi được cấp quản lý mã số vùng trồng. Trong đó, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ vùng trồng về tập huấn kỹ thuật, nhật kỹ, phân tích mẫu đất, nước, kiểm dịch thực vật, trong khi người dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp và trước khi thu hoạch phải thông báo cho họ biết để cùng đàm phán.

Theo ông Phúc, nếu cuối cùng hai bên không thống nhất được giá thị trường, thì do người dân quyết định. “Phải đủ điều kiện đó, chứ không được làm tắt ngang sẽ gây khó cho doanh nghiệp và cho mình”, ông nói và cho rằng, trường hợp hai bên không thống nhất, thì địa phương sẽ tạo điều kiện để nông dân tiêu thụ được sản phẩm thuận lợi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới