(KTSG Online) – Với việc xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch khoai lang sang thị trường Trung Quốc được kỳ vọng giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay nông dân lại “kêu khó” bán khoai lang cho doanh nghiệp liên kết xây dựng mã số vùng trồng.
Để đáp ứng quy định mới của thị trường Trung Quốc, nông dân ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với một doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Nội để xây dựng mã số vùng trồng. Tuy nhiên, khi sản phẩm đến kỳ thu hoạch, thì việc tiêu thụ lại gặp không ít khó khăn.
Trao đổi với KTSG Online, ông Sơn Văn Luận, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Thanh Ngọc xác nhận thông tin nêu trên và cho biết, khi khoai lang đến kỳ thu hoạch, bà con nông dân thông báo với doanh nghiệp đã ký kết để thực hiện việc thu mua sản phẩm theo đúng thoả thuận.
Tuy nhiên, theo ông Luận, doanh nghiệp liên kết xây dựng mã số vùng trồng và thu mua sản phẩm lại trì hoãn việc thu mua khi chê khoai lang của nông dân xấu, định giá sản phẩm thấp hơn giá thực tế ngoài thị trường (hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân xác định mức giá thu mua theo giá thị trường tại thời điểm thực hiện mua bán – PV).
Cụ thể, giá thị trường được thương lái bên ngoài giao dịch là 800.000 đồng/tạ, đối với hình thức mua xô, chỉ loại bỏ những củ bị hư (một tạ khoai được tính là 60 kí lô gam), trong khi doanh nghiệp “ấn định” mức giá mua cho nông dân chỉ 720.000 đồng/tạ, tức thấp hơn giá thị trường 80.000 đồng/tạ và chỉ lấy khoai có trọng lượng từ 50 gam trở lên, loại bỏ củ hư.
Theo ông Luận, dù doanh nghiệp định giá thấp, đưa ra quy định chọn lựa khắc khe hơn so với thị trường bên ngoài, nhưng nông dân vẫn thực hiện đúng cam kết khi thu hoạch và bán ruộng khoai đầu tiên cho doanh nghiệp.
Thế nhưng, ruộng khoai thứ hai đến kỳ thu hoạch, thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục trì hoãn việc thu mua, cho nên, nông dân đã quyết định bán cho thương lái bên ngoài với giá 800.000 đồng/tạ. “Nhưng họ chưa trả tiền vì mình hứa có mã số vùng trồng đưa cho họ, thì họ mới trả tiền cho mình”, ông cho biết và thông tin, nông dân đang gặp khó khăn trong việc xác nhận mã số vùng trồng khi bán ra bên ngoài vì doanh nghiệp, địa phương không ký giấy xác nhận.
Hồi tháng 4-2023, 28 tấn khoai lang từ vùng chuyên canh lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND địa phương này và doanh nghiệp xuất khẩu là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Song Toàn Phát xuất bán chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là sự kiện được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho loại nông sản này của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá khoai lang là loại nông sản có tiềm năng xuất khẩu rất lớn vào thị trường Trung Quốc nên từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao đơn vị này đàm phán mở cửa.
Sau nhiều lần đàm phán, đến giữa tháng 11 năm ngoái, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra online đối với 3 mã số vùng trồng và 3 cơ sở đóng gói khoai lang của Việt Nam. Trung Quốc cũng đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, tức mặt hàng này của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.