Chủ Nhật, 18/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vụ sữa nhiễm độc ở Trung Quốc: Tiếng chuông cảnh báo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vụ sữa nhiễm độc ở Trung Quốc: Tiếng chuông cảnh báo

Thu hồi sữa nhiễm độc tại một siêu thị ở Philippines

(TBKTSG) - Cho đến giữa tuần này, nỗi lo sợ về sản phẩm sữa có nhiễm chất độc melamine của Trung Quốc đã lan rộng ra các nước châu Á.

Các nước và lãnh thổ Nhật Bản, Singapore, Bangladesh, Brunei, Burundi, Gabon, Malaysia, Myanmar, Đài Loan, Tanzania, Philippines và Việt Nam đã đồng loạt ra lệnh thu hồi và cấm bán sản phẩm sữa, hoặc thực phẩm liên quan tới sữa như bánh kẹo, sữa chua có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngay tại Trung Quốc, đã có 4 trẻ em thiệt mạng, hơn 53.000 em bị bệnh, trong đó có 12.892 em phải điều trị tại bệnh viện, 104 em trong tình trạng nguy kịch.

Đầu tuần này Tổng cục trưởng Tổng cục Chất lượng Trung Quốc Lý Trường Xuân đã phải từ chức giữa lúc có nguồn tin từ các điều tra viên rằng công ty sữa bột lớn nhất Trung Quốc - tập đoàn Sanlu (Tam Lộc) - đã được cảnh báo từ rất sớm về tình trạng sản phẩm bị nhiễm độc nhưng cố tình ém nhẹm vụ việc cho đến khi Thế vận hội Bắc Kinh 2008 kết thúc.

Đáng lưu ý là tập đoàn Sanlu được coi là thương hiệu nổi tiếng nhất Trung Quốc, được nhận giải thưởng của ngành công nghiệp Trung Quốc hồi tháng Giêng vừa qua và mới đây còn được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc làm phóng sự giới thiệu như một công ty nội địa có hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt nhất.

Vụ sữa nhiễm độc một lần nữa là tiếng chuông cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn trong các sản phẩm Trung Quốc, khi nhà sản xuất chỉ nhằm thu lợi bằng mọi cách, kể cả chà đạp lên lương tâm và trách nhiệm xã hội của người kinh doanh. Cùng với những vụ dược phẩm giả, thực phẩm nhiễm độc, kem đánh răng có chất gây ung thư, đồ chơi trẻ em nhiễm chì, vỏ xe hơi kém chất lượng… bị thu hồi ở hầu khắp các nước trên thế giới, uy tín của hàng hóa Trung Quốc hiện đã xuống tới mức thấp nhất.

Tuy chính quyền Trung Quốc thường quy trách nhiệm cho một số nông dân, thương nhân kém ý thức, song thực chất vấn đề nằm ngay trong cơ chế quản lý chất lượng của nhà nước Trung Quốc. “Nếu cơ chế giám sát an toàn sản phẩm không được cải tổ triệt để thì những tai họa như vụ sữa độc này vẫn còn có nguy cơ tái diễn trong tương lai”, ông Chen Junshi, nghiên cứu viên cao cấp của Viện quốc gia về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trung Quốc, nhận xét.

HUỲNH HOA

Những diễn biến chính

Tháng 12-2007: Tập đoàn sữa Sanlu (Tam Lộc) bị người tiêu dùng khiếu nại vì trẻ em uống sữa bị nhiễm bệnh.

Tháng 1-2008: Tập đoàn Sanlu công nhận sản phẩm sữa của tập đoàn bị nhiễm chất melamine.

Ngày 30-6: Cơ quan quản lý chất lượng Trung Quốc nhận báo cáo có 5 trẻ em đang điều trị tại bệnh viện nhi tỉnh Hồ Nam bị sạn thận do uống sữa Sanlu.

Ngày 24-7: Một bác sĩ nhi khoa báo cho cơ quan y tế đã xác định được 9 trường hợp sạn thận ở các trẻ em uống sữa Sanlu và tỏ ý nghi về chất độc trong sữa.

Ngày 2-8: Sanlu báo cáo với chính quyền thành phố Thạch Gia Trang miền Bắc Trung Quốc, nơi tập đoàn đặt trụ sở, rằng sữa cho trẻ em bị nhiễm độc. Tại cuộc họp ban lãnh đạo Sanlu, đại diện tập đoàn Fonterra New Zealand, đối tác chiến lược của Sanlu, yêu cầu thu hồi sản phẩm.

Ngày 6-8: Sanlu bắt đầu thu hồi sản phẩm từ nhà phân phối nhưng không thu hồi sản phẩm đã bán ra thị trường tiêu dùng.

Ngày 8-8: Thế vận hội Bắc Kinh khai mạc.

Ngày 5-9: Tập đoàn Fonterra báo cáo vấn đề lên Thủ tướng New Zealand Helen Clark; ba ngày sau Thủ tướng Helen Clark thông báo cho chính phủ Trung Quốc.

Ngày 9-9: Thành phố Thạch Gia Trang báo cáo vấn đề lên chính quyền tỉnh Hà Bắc; một ngày sau Hà Bắc báo cáo lên Chính phủ trung ương Trung Quốc.

Ngày 11-9: Sanlu thu hồi 700 tấn sữa bột cho trẻ em. Chính phủ Trung Quốc cam kết “trừng phạt nghiêm khắc” những kẻ chịu trách nhiệm. Tân hoa xã đưa tin một em bé tử vong và hàng chục em bé bị sạn thận.

Ngày 13-9: Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Gao Qiang thông báo có 432 trẻ em uống sữa Sanlu đã bị bệnh sạn thận và phê phán tập đoàn Sanlu chậm công bố thông tin. Bộ Y tế bắt đầu đợt kiểm tra tất cả các công ty sữa Trung Quốc. Phó tỉnh trưởng Hà Bắc cho biết tỉnh đã tịch thu 2.176 tấn sữa bột Sanlu và thu hồi hơn 8,218 tấn sản phẩm sữa.

Ngày 15-9: Số trẻ em bị bệnh tăng lên 1.200 em, 2 em tử vong. Cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm lý giải sữa bị nhiễm độc do nông dân pha trộn melamine vào sữa nguyên liệu bán cho nhà máy. Phó chủ tịch tập đoàn Sanlu xin lỗi người tiêu dùng song không giải thích vì sao chậm công bố thông tin.

Ngày 16-9: Cuộc kiểm tra 109 công ty sản xuất sữa cho trẻ em trên toàn Trung Quốc phát hiện 22 công ty có sản phẩm bị nhiễm melamine. Tổng giám đốc Sanlu bị cách chức.

Ngày 17-9: Hai tập đoàn sữa lớn nhất Trung Quốc là Mengniu Dairy Co. và Yili Industrial Group (Y Lợi), bắt đầu thu hồi sản phẩm. Bộ Y tế Trung Quốc thông báo có 3 trẻ tử vong và 6.200 trẻ em bị bệnh. Trung Quốc huy động 5.000 thanh tra viên vào cuộc kiểm tra các công ty sữa.

Ngày 18-9: Chính quyền bắt giam thêm 12 người, đưa số người bị bắt lên 18 người và tịch thu 299,5 ki lô gam hóa chất độc hại.

Ngày 19-9: Nỗi lo sợ lan rộng khi hóa chất melamine được tìm thấy trong sữa nước do ba công ty hàng đầu Trung Quốc sản xuất.

Ngày 21-9: Bộ Y tế báo cáo có thêm 1 em bé tử vong, số trẻ em bị bệnh tăng vọt lên 53.000, trong đó có 12.892 em điều trị tại bệnh viện và 104 em trong tình trạng nguy kịch. Hồng Kông phát hiện ca nhiễm độc đầu tiên ở một bé gái 3 tuổi do uống sữa Trung Quốc.

Ngày 22-9: Trưởng cơ quan quản lý chất lượng Trung Quốc từ chức. Hồng Kông báo cáo ca bệnh thứ hai ở một bé trai 4 tuổi, cũng do uống sữa Trung Quốc.

Ngày 23-9: Philippines cấm bán sữa của Trung Quốc. Giá cổ phiếu của tập đoàn sữa Mengniu Trung Quốc giảm 60% trong một phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.

(Theo AP)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới