Thứ ba, 17/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

“Vua hồ tiêu” Việt Nam muốn đứng đầu về sáng tạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Vua hồ tiêu” Việt Nam muốn đứng đầu về sáng tạo

K.A

Nhiều năm liền đứng vị trí số một về xuất khẩu hồ tiêu, người được mệnh danh là "Vua hồ tiêu Việt Nam" - ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh vẫn không ngừng nỗ lực hướng tới doanh nghiệp dẫn dầu về đổi mới, sáng tạo.

Vì sao giữ vị trí số một xuất khẩu của ngành hồ tiêu Việt?

Đây là câu hỏi mà ông Phan Minh Thông nhận được từ một siêu thị, khi ông Thông đi tiếp thị, giới thiệu sản phẩm "Tiêu sấy lạnh K Pepper" - một sản phẩm công nghệ mới của Phúc Sinh lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường nội địa.

“Khi nhận được câu hỏi này từ đơn vị siêu thị gửi kèm bản sao một bài báo viết về Phúc Sinh với vị trí số một trong ngành hồ tiêu, chúng tôi cũng có chút ngỡ ngàng. Nhiều năm qua, theo thống kê của Bộ Công Thương và Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam (VPA), chúng tôi có khối lượng và doanh số xuất khẩu hồ tiêu khá lớn. Nhưng với Phúc Sinh, đó chưa hẳn là điều quan trọng nhất. Bởi mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi vẫn là làm gì để hồ tiêu Việt Nam được thị trường quốc tế và người tiêu dùng nội địa Việt Nam đánh giá cao hơn, sẵn sàng trả giá trị tương xứng và đúng tầm”, ông Phan Minh Thông nói.

“Vua hồ tiêu” Việt Nam muốn đứng đầu về sáng tạo
Sản phẩm Tiêu sấy lạnh K Pepper của Phúc Sinh tại thị trường Việt Nam.

Theo thống kê của VPA trong ấn phẩm “Triển vọng ngành công nghiệp Hồ tiêu Việt Nam 2018”, VPA có bảng thống kê 12 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu năm 2017, dựa trên giá trị được công bố bởi Bộ Công Thương. Trong bảng này, CTCP Phúc Sinh đứng vị trí số 1. Theo sau trong top 5 là các đơn vị Xuất nhập khẩu Trân Châu, Xuất nhập khẩu Hà Nội, Intimex và Xuất nhập khẩu 2-9 DakLak. Trong nhiều năm, VPA liên tục xuất bản các ấn phẩm này và Phúc Sinh cũng liên tục được thống kê vị trí số một trong danh sách xếp hạng.

Ở một “bảng xếp hạng” khác từ chính Bộ Công Thương, trong danh mục 14 đơn vị kinh doanh hồ tiêu thuộc "Danh sách doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín" được công bố vào tháng 7-2018, Phúc Sinh cũng là công ty dẫn dầu với kim ngạch xuất khẩu 97.792,482 đô la Mỹ. Các đơn vị khác như Xuất nhập khẩu Trân Châu đứng số 2 với 91.498,702 đô la Mỹ, Xuất nhập khẩu Hà Nội là 49.692,459 đô la Mỹ, Intimex 35.067,839…

Một cựu lãnh đạo của VPA cho biết, trên thực tế không xét đến giá trị kim ngạch hàng năm Phúc Sinh mang về từ xuất khẩu hồ tiêu hay vị thế 8% thị phần trên toàn cầu của công ty này, chỉ xét trên việc Phúc Sinh nhiều năm đồng hành cùng bà con nông dân các vùng trồng tiêu như DakLak, Gia Lai, Vũng Tàu… để xây dựng các vùng trồng đạt chứng nhận phát triển bền vững (SAN), đảm bảo cho người trồng tiêu có thu hoạch năng suất, chất lượng, an toàn, đảm bảo giá trị đất đai cho tương lai; Qua đó, giữ được sự bền bỉ, tin tưởng, đảm bảo đời sống của bà con nông dân các khu vực này tiếp tục đi cùng Phúc Sinh kể cả khi hồ tiêu xuống giá…thì đó đã là giá trị đóng góp số 1 và có ý nghĩa bền vững cho ngành.

“Sáng tạo không giới hạn” (*)

Năm 2019, ngành hồ tiêu đối mặt với nhiều khó khăn. Cung vượt cầu, giá xuống thấp, diện tích vùng trồng phải điều chỉnh giảm từ 149.000 ha xuống 140.000 ha (nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Nhiều bà con nông dân điêu đứng vì tiêu, nhổ bỏ cây tiêu. Ngay các doanh nghiệp cũng khó khăn vì đấu trường hồ tiêu cạnh tranh khốc liệt. Trước bối cảnh đó, Phúc Sinh đã tiếp tục tung ra sản phẩm mới - khơi mở hướng nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm hồ tiêu với tiêu sấy lạnh và nước sốt tiêu mang nhãn hiệu K Pepper.

Bìa ấn phẩm Triển vọng Công nghiệp Hồ tiêu Việt Nam xuất bản năm 2018 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cùng bảng thống kê 12 doanh nghiệp dẫn đầu ngành tiêu theo ấn phẩm.

Ông Phan Minh Thông cho biết các sản phẩm là thành quả đầu tư nghiên cứu khoa học trị giá 50 tỉ đồng của Phúc Sinh từ 3 năm trước, và công ty đã có những lô hàng xuất khẩu đến các thị trường châu Âu, Mỹ, Đức…, được chào đón với doanh số tốt. Theo đó, ông đã có ý hướng đưa sản phẩm giới thiệu ra thị trường nội địa, với mong muốn người Việt ngay trên sân nhà của mình cũng được thụ hưởng những sản phẩm có giá trị chất lượng nhất, ngon nhất.

“Cứ 5 kg tiêu xanh chín già nhưng chưa ngả màu, được thu hái và chọn lựa từ vùng trồng, đưa vào nhà máy Phúc Sinh DakLak để xử lý trên dây chuyền công nghệ sấy lạnh, Phúc Sinh mới cho ra được 1 kg tiêu sấy lạnh - giữ nguyên màu xanh và vị quả tươi ngon, nồng ấm của món gia vị đặc biệt. Với công nghệ mới cho sản phẩm này, bà con nông dân sẽ rút ngắn được bớt thời gian canh tác và thu hoạch, bao tiêu đầu ra tốt hơn, thị trường tiêu thụ ổn định và gợi ý các cơ hội mở rộng quy mô hơn. Cùng với đó, hồ tiêu được nhân thêm giá trị. Hồ tiêu Việt Nam đã có tên tuổi, nhưng vẫn cần sáng tạo và nỗ lực để đưa tên tuổi của mình có giá trị, tầm cao hơn”, ông Phan Minh Thông cho biết.

Tạo giá trị gia tăng, khơi mở hướng đi bền vững cho hồ tiêu từ đồng hành tại vùng trồng đến đầu tư chế biến sâu, công nghệ và sáng tạo có thể xem là chìa khóa để Phúc Sinh liên tục thành công thời gian qua, và xứng đáng với "ngôi vương số một" trong việc xuất khẩu tiêu của mình.

Bước qua tháng 12-2019, đại diện Phúc Sinh cũng cho biết, công ty vừa tròn một năm ra mắt cà phê Blue Sơn La - một sản phẩm đặc biệt trong ngành cà phê, không chỉ phát lộ "kho" Arabica lớn nhất và ngon của Việt Nam tại núi rừng Tây Bắc, mà còn giúp tăng thêm giá trị thương hiệu cà phê Arabica Việt Nam trong nước lẫn quốc tế. Đến hiện tại, Blue Sơn La đã được đặt hàng xuất khẩu hết sản lượng và công suất sản xuất của năm 2020.

(*) “Sáng tạo không giới hạn” là tên tác phẩm của ông Phan Minh Thông viết về kinh doanh và khởi nghiệp, có tên đầy đủ “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” - NXB Tổng hợp TPHCM năm 2017.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới