Vừa thay 'tượng đài', thế hệ CEO mới hứng trọn áp lực suy thoái kinh tế
V.Dũng
(TBKTSG Online) - Việc thay đổi vị trí tổng giám đốc (CEO) là diễn biến bình thường đối với các doanh nghiệp cổ phần. Tuy nhiên, nhiều tập đoàn lớn mà tên tuổi trên thương trường gắn liền với vai trò điều hành của một vài "chủ tướng" thì sự thay đổi này có thể gây ra sự tác động không nhỏ đến cổ đông.
Cựu CEO của Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn (giữa), tăng hoa chúc mừng người kế nhiệm, tân CEO Nguyễn Duy Thuận (bên trái) tại đại hội cổ đông. Ảnh: DNCC |
Từ hiệu ứng “người được chọn”...
Tại ĐHCĐ năm 2020 của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã chia sẻ câu chuyện tìm CEO thay thế mình sau 30 năm điều hành doanh nghiệp. Đây là thông tin được dự báo trước nhưng cũng khiến nhiều người cảm thấy “hụt hẫng” khi 3 thập kỷ đã qua, hoạt động kinh doanh của REE gắn liền với hình ảnh, phong cách điều hành của “nữ tướng” ngành điện này.
Để giải đáp thắc mắc của cổ đông về vấn đề này bà Mai Thanh cho biết, “người được chọn” thay thế bà ở ghế tổng giám đốc phải đáp ứng được các tiêu chí như có kinh nghiệm về các mảng mà REE đang hoạt động, có kỹ năng kinh doanh tốt và phải là người trẻ.
“Nhiều năm qua ban lãnh đạo cũng đã tích cực tìm kiếm thông qua các đơn vị săn đầu người nhưng với tiêu chí như vậy thì rất khó để tìm được. Vì vậy, chúng tôi đã chọn người trong nội bộ và tạo điều kiện cho đi đào tạo ở nước ngoài hai năm. Hiện nay đã xong khóa đào tạo và người này đang dần tiếp quản công việc điều hành ở REE. Công ty sẽ làm lễ giới thiệu vào tháng 7 tới, còn bây giờ cũng muốn giữ bí mật một chút cho vui”, bà Mai Thanh chia sẻ.
Câu chuyện tìm tướng cho doanh nghiệp xuất hiện nhiều hơn trong mùa ĐHCĐ doanh nghiệp năm nay với nhiều nhân vật mới xuất hiện. Đồng thời với quy định mới, những nhân vật đã thể hiện được dấu ấn cá nhân của mình lên hoạt động của doanh nghiệp lui về tư vấn chiến lược.
Trước thềm ĐHCĐ 2020, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) cũng đã chia tay ông Huỳnh Văn Thòn trên cương vị tổng giám đốc. Đây là người điều hành gắn bó trong phần lớn thời gian phát triển của doanh nghiệp (từ năm 1995) và người được chọn thay thế là ông Nguyễn Duy Thuận, Giám đốc Tài chính kiêm Giám đốc Nhân sự. Ông Nguyễn Duy Thuận cũng là Phó trưởng ban Ban Điều hành các ngành vật tư nông nghiệp và lương thực. Sự thay đổi này ngoài chuyện tuân thủ quy định của Nhà nước thì có thể là bước đệm để doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tái cơ cấu, làm mới mình khi lĩnh vực kinh doanh cũ bị bó hẹp.
“Khi phát triển đến một đỉnh sau 27 năm, LTG thấy sự chững lại và có biểu hiện phát triển không bền vững, đó là dấu hiệu để tôi và nhiều đồng nghiệp thấy cần phải thay đổi. Điều đáng mừng là giai đoạn dịch Covid-19 đã thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi của LTG. Đây là thách thức đòi hỏi chúng ta phải vượt qua. LTG sẽ chuyển sang ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy giao tiếp, thay đổi thật nhanh thì mới có thể thích nghi với thời đại mới. Động lực đầu tiên có thể là người điều hành mới, nhanh nhạy hơn”, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Huỳnh Văn Thòn chia sẻ.
Vị trí Tổng giám đốc Masan vốn được ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm kể từ khi thành lập đến nay, tuy nhiên mới đây, đế chế hàng tiêu dùng này cũng đã chọn được CEO mới thay cho ông Quang sau hàng chục năm điều hành.
Được biết, CEO mới là Danny Le, sinh năm 1984 gia nhập Masan Group vào năm 2010 và hiện đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Chiến lược và Phát triển của Masan, là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược tăng trưởng của Masan Group, cũng như trực tiếp tổ chức các giao dịch M&A.
Có thể nhận thấy, chiến lược mở rộng quy mô tăng trưởng thông qua M&A của Masan trong giai đoạn vừa qua mang nhiều dấu ấn của vị CEO mới này. Trong bộ tài liệu chuẩn bị cho ĐHCĐ sắp tới, HĐQT Masan đã bày tỏ với cổ đông về chiến lược phát triển sắp tới là sẵn sàng tham gia vào các thương vụ M&A. Đó là lý do khiến CEO 8x này tự tin tuyên bố đưa Masan trở thành “kỳ lân” trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.
Dù không mang nặng yếu tố “bản sắc” điều hành như các doanh nghiệp kể trên nhưng trước thềm ĐHCĐ nhiều ngân hàng cũng đã tạo nên làn sóng thay đổi CEO với những gương mặt mới trẻ hơn. Có thể kể đến như Công ty bảo hiểm VietBank, MSB, Techcombank…
Làn sóng “người được chọn” có thể chưa dừng lại trong mùa ĐHCĐ lần này và đây chính là động lực phát triển mới cho doanh nghiệp khi khởi động trở lại sau dịch.
Trước khi trở thành CEO của Masan, ông Danny Le (bên phải) đã nắm giữ vị trí chủ tịch của 2 công ty thành viên quan trọng khác của Masan là Masan MeatLife và Masan Resources. |
... đến áp lực phía sau các “tượng đài”
Lịch sử phát triển của không ít doanh nghiệp gắn liền với cá tính điều hành của CEO. Người điều hành hiểu và hình thành nên văn hóa doanh nghiệp, khách hàng và có thời gian gắn bó lâu dài để duy trì sự ổn định trong kinh doanh là yếu tố khiến nhiều cổ đông, nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào doanh nghiệp. Điều này có thể là sức ép lớn cho người kế nhiệm, nên việc lựa chọn người phù hợp không phải là chuyện ngày một ngày hai của HĐQT.
Tại ĐHCĐ của REE mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Thanh thừa nhận có sự hối tiếc khi thiếu quyết đoán nên bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt cho doanh nghiệp. Sự thận trọng của người phụ nữ đôi lúc tạo ra sự an toàn nhưng chính nó cũng cản trở các cơ hội phát triển. Vì vậy trong quá trình tìm kiếm CEO mới, bà Thanh chọn người hiểu doanh nghiệp nhưng phải là người trẻ, để quyết đoán với các cơ hội. Với tiêu chí như vậy, việc chọn người vào “ghế nóng” kéo dài hơn.
Ở góc nhìn của nhà đầu tư, ông Lê Minh Tuấn, một cổ đông của REE cho rằng, nhà đầu tư nào cũng kỳ vọng vào CEO mới có thể tạo ra được sự đột phá cho quá trình phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy với những nhà đầu tư dài hạn thì bản sắc điều hành của các nhân vật cũ có thể khiến họ yên tâm hơn vào sự ổn định. Điều này như một thói quen. Thực tế, việc so sánh giữa người cũ và người mới vẫn luôn xảy ra và áp lực này với người mới là điều mà họ phải chấp nhận.
Trong bối cảnh hiện tại các cuộc chuyển giao này đang “đúng lộ trình” theo quy định nên có thể việc đón nhận của nhà đầu tư có thể nhẹ nhàng hơn. Nếu nhìn về những khoảng thời gian trước, việc thay đổi CEO của doanh nghiệp sẽ là một câu chuyện kéo dài và bẻ theo nhiều hướng khác nhau.
Như sự kiện hai vị tổng giám đốc nổi tiếng của FPT trước đây là Nguyễn Thành Nam và Trương Đình Anh rút khỏi ghế nóng năm 2011 đã để lại nhiều tiếc nuối trong dư luận. Sau đó những người kế nhiệm đã duy trì tốt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhưng việc tạo bản sắc cho doanh nghiệp như người cũ vẫn là câu chuyện được đề cập thường xuyên.
Tương tự các vụ rút lui khỏi vị trí điều hành của các CEO ngân hàng nổi tiếng trước đây như Nguyễn Đức Vinh (Techcombank), Lý Xuân Hải (ACB), Đặng Văn Thành (Sacombank) cũng khiến nhiều cổ đông, nhà đầu tư đặt dấu hỏi thắc mắc về tương lai doanh nghiệp.
Về sau này các nhà băng này cũng thay đổi nhiều lần vị trí này nhưng câu chuyện của các nhân vật tạo hiệu ứng ở trên vẫn còn được nhắc đến. Điều này có thể thấy, khi người tiền nhiệm tạo được dấu ấn cá nhân trong một giai đoạn phát triển tốt của doanh nghiệp thì áp lực dành cho người kế nhiệm là rất lớn.
Trong lần đầu tiên ra mắt cổ đông tại đại hội mới đây, ông Nguyễn Duy Thuận, tân CEO của LTG, đã cảm thấy phần nào áp lực khi bắt tay tháo gỡ những nút thắt đầu tiên với cổ đông trên cương vị mới. Đây cũng là giai đoạn để ông tự thể hiện phong cách điều hành cố gắng thoát ra khỏi hình ảnh quen thuộc của người tiền nhiệm.
“Khi nhắc đến vấn đề giá trị vốn hóa (tổng giá trị cổ phiếu) của LTG suy giảm, cần nhìn nhận cổ đông, nông dân và thậm chí là nhân viên của công ty vẫn chưa hiểu rõ về LTG", ông Thuận cho biết. Theo ông, sức mạnh của LTG nằm ở tri thức nông nghiệp (những công trình nghiên cứu, dữ liệu lớn trong ngành nông nghiệp,…) mà công ty sở hữu nhưng không ai thấy được điều đó. "Việc này khiến nhà đầu tư không thấy được tương lai của LTG nên không thể đặt cược vào chúng tôi”, ông Thuận chia sẻ.
Giai đoạn này, cơ hội mới mở ra cho nhiều CEO trẻ tài năng, nhưng để tận dụng được và thúc đẩy tình hình kinh doanh khởi sắc, họ phải vượt qua được nhiều áp lực. Trong đó, vượt qua cái bóng của người tiền nhiệm tạo nên bản sắc của doanh nghiệp là điều họ phải tính toán.