Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vui buồn với chuyện Thanh Đa

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bán đảo Thanh Đa từng được nhiều người mệnh danh là “viên ngọc quý” thiên nhiên trao tặng cho TPHCM. Nhưng hàng trăm héc ta đất tuyệt đẹp ở đây hầu như nằm yên bất động suốt bao năm qua.

Với tôi, ký ức những chiều cuối tuần với Thanh Đa thật đẹp. Cái đẹp của sự đìu hiu mà êm đềm khi lắng nghe tiếng sóng vỗ vào đoạn bờ kè lúc ngồi cùng bạn bè nhâm nhi ly bia lạnh, hàn huyên đôi câu chuyện. Vẻ đẹp ấy, thật khiến cho tôi nhiều lần không khỏi nuối tiếc, bởi mấy chục năm qua Thanh Đa vẫn khoác chiếc áo càng ngày càng cũ trên một cơ thể lận đận long đong!

Kênh Thanh Đa, được đào cuối thế kỷ 19 nhìn từ cầu Kinh.

... Đó là một ngày hạ rất nắng, tôi đi qua cầu Kinh bắc sang dòng nước đang lớn của kênh Thanh Đa, rồi tấp vào một quán bán nước dừa của một bà cụ hơn 70 tuổi, nói giọng Huế, di cư vào đây đã lâu. Nhẩn nha gợi chuyện, cụ chỉ vào căn hộ cũ kỹ sau lưng, kể rằng ngụ nơi này hơn 50 năm. Cả một thuở thanh xuân cắp sách đi học rồi lấy chồng, buôn bán và già đi theo từng mảng bê tông rêu bám ngày một dày hơn. Trái dừa xiêm vẫn ngọt nước, nhưng mãi vấn vương lời tâm sự ấy khi từ biệt.

Thanh Đa có hàng chục ngàn người cư ngụ. Họ vẫn kiên trì sinh sống, làm việc và học tập qua ít nhất ba lần phong phanh quy hoạch dự án rồi… để đó. Có lần cách đây khá lâu, tôi dẫn một người bạn đi hỏi thuê căn hộ, bà con ở đây gọi nôm na là “thục nhà”, nghĩa là thuê theo kiểu ký gửi tiền mua, cứ ở đến khi nào trả lại nhà thì gia chủ trả lại tiền đã ký gửi trước đó. Nên thuê mà cũng như mua, nhưng bản chất không phải là mua. Chỉ là để giải quyết trước mắt cho chủ nhà cái đận eo hẹp, nợ nần hoặc cần vốn làm ăn buôn bán.

Đi hết một dãy căn hộ, vắng teo vắng ngắt. Vài ba căn hoang phế, chuột chạy gián bò. Người bạn e ngại quá lắc đầu từ biệt một đi không trở lại. Vì những căn hộ khác tu bổ khang trang hơn, thì gia chủ lại để gia đình mình ăn ở. Bước xuống cầu thang, tôi chợt lẩn thẩn nghĩ, “đất vàng bán đảo” mà phí quá. Ở đô thị đất chật người đông, dễ gì có được một không gian ba phía mặt sông như vậy!

Thanh Đa rộng khoảng 426 héc ta, nếu so với bán đảo Thủ Thiêm thì diện tích nhỏ hơn khoảng 300 héc ta, nhưng phía Thanh Đa có lợi thế dòng sông bao bọc khá rộng, chỉ có một phía với một đoạn ngắn là kênh Thanh Đa, nối với bên ngoài bằng chiếc cầu Kinh mỗi khi đi qua lộng gió. Ở đó, có một quán lẩu dê khá ngon đã có gần hai chục năm, cũng là nơi tôi thường ngồi cùng bạn bè. Nhìn qua bờ bên kia, vùng rộng lớn của khu vực Thảo Điền nhấp nhô biệt thự, cao ốc mọc lên ngày càng nhiều, nếu tính dài theo khoảng thời gian quán lẩu dê bên này tồn tại.

Thanh Đa cũng có ruộng lúa, ao cá và những căn nhà cấp 4 xập xệ ở lâu người ta không dám sửa chữa, vì chẳng biết khi nào là thu hồi đất. Mấy dãy quay ra mặt kênh Thanh Đa được đào cách đây hơn thế kỷ thì nơm nớp lo sạt lở. Những năm qua, người dân nghe tin chính quyền chia ra mấy đoạn để xây dựng bờ kè kiên cố, song có đoạn họ buộc phải rời nhà đi sơ tán, vì dòng chảy đã “ăn lẹm” vô sâu. Mới đây mấy hôm, tôi đọc báo nghe tin thấy mừng, thành phố đã duyệt dự án 650 tỉ đồng để xây dựng đoạn bờ kè nơi sạt lở nhiều nhất. Vậy là có một số hộ dân sẽ yên ổn sống và chờ, dù chưa biết chờ đến khi nào vùng đất này biến thành đô thị sáng giá, nơi để họ sinh sống lâu dài, ổn định!

Cái sự chờ đợi ấy, nhiều khi tôi tìm và đi vào những ngôi nhà ở đây khá lâu, họ kể rằng mấy đời qua cứ phải tìm cách sống thích ứng, như con nước sông Sài Gòn khi lên khi xuống. Nếu không lạc quan theo kiểu truyền thống đã có bao đời, thì rất khó mà chống đỡ diễn tiến của thiên nhiên, nhất là ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn với vùng ven sông nước.

Để khi trở về, tôi cũng như họ, cùng mong ước một ngày “viên ngọc” Thanh Đa được mài dũa, bừng sáng lên ở phía đầu kia thành phố!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới