Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Vui Tết” thôi, đừng “ăn Tết” nữa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

"Vui Tết" thôi, đừng "ăn Tết" nữa

Nguyên Kan

(TBKTSG Online) - Trong ký ức của tôi, những ngày cận Tết mới là những ngày thật là vui. Cả nhà cùng xúm vào làm việc này, việc kia, nào là trồng cây trồng hoa, nấu nấu nướng nướng, rồi dọn dẹp, trang trí nhà cửa.

Tết xưa ở làng quê

Thương lắm, chuối ơi!

Các gia đình Việt tại Paris cùng nhau gói bánh chưng.

Ba tôi bình thường ít làm việc nhà nhưng những ngày này cũng xắn quần lau nhà, rửa sân. Mệnh lệnh của mẹ tôi luôn là, toàn bộ nhà cửa phải sáng bóng.

Theo mẹ tôi, những bụi bặm của năm cũ phải gột rửa hết để đón một năm mới thật sạch sẽ, tinh tươm, chào đón những điều may mắn vào nhà.

Ngày đó tôi chỉ lăng xăng phụ ba phụ mẹ, chủ yếu nghịch phá là chính và thấy vui hơn bao giờ hết. Tôi đã không hề để ý xem, mẹ tôi, vị "tổng chỉ huy" của công cuộc chuẩn bị, đã mệt mỏi như thế nào. Không chỉ dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mà còn gói bánh chưng, làm mứt, nấu nướng các món cổ truyền, chuẩn bị các mâm cỗ, rồi mua sắm các thứ cần thiết. Đúng là "nhà bao việc".

Có nhiều năm, bận đến nỗi mẹ tôi không dám ốm, đợi tới đêm 30, xong cỗ tất niên, xong việc cúng bái ông bà tổ tiên, mới dám nằm xuống, sốt li bì luôn 3 ngày sau đó. Thế là hết Tết! Đó là những ký ức tuổi thơ của tôi về Tết. 

Tôi sống ở nước ngoài cùng chồng đã nhiều năm. Với chúng tôi, ngày Tết cũng đơn giản. Chúng tôi dành ngày cuối tuần trước Tết để gói bánh chưng. Các món cổ truyền khác rải rác làm trong tuần, mỗi ngày một món rồi cho vào tủ đông tới ngày Tết chỉ việc mang ra dùng.

Không nhất thiết phải làm hết những gì cần có, vì làm nhiều cũng ăn đâu hết, ăn nhiều cũng chán. Nhà cửa cũng không cần trang trí từ ngoài ngõ, chỉ mua thêm chậu quất, chậu hoa đặt trong nhà cho có chút không khí.

Tết Nguyên đán với chúng tôi chỉ có đúng 2 ngày, 1 ngày đón tất niên, 1 ngày hội hè chung vui cùng bạn bè. Còn không khí Tết, chúng tôi tận hưởng từ ngày bắt đầu mua lá dong gói bánh chưng.

Ngày bé tôi vẫn thường tự hỏi, tại sao lại gọi là "ăn Tết", không chỉ vậy bất cứ lễ lạt nào cũng thường gắn với chữ "ăn". Ngày xưa kinh tế khó khăn, phải vào những dịp trọng đại mới được ăn những món ngon nhưng giờ đã khác, không cần phải đợi đến Tết nữa, muốn ăn là làm, không làm được cũng có thể đặt người khác làm hộ.

Vậy tại sao phải chuẩn bị nhiều đồ ăn tràn trề đến như vậy, vì rốt cuộc sau bữa tất niên, những ngày khác đều bận bịu chúc Tết, tiếp khách, có bao giờ được ăn tử tế đâu. Để rồi thức ăn nhiều, đôi khi phải ăn cả tháng, cho nên cảm giác sợ đồ ăn Tết là có thật.

Nhiều bạn bè của tôi khi đã trưởng thành quyết định chọn đi du lịch vào dịp này để "trốn Tết". Quan điểm của họ là ngày Tết để nghỉ ngơi, không phải để hành xác với những cuộc chúc Tết triền miên, rượu bia vô bổ. Cho nên cứ sau buổi tất niên với gia đình lớn là họ xách vali lên và đi.

Bạn tôi bảo, có đi như vậy mới đúng là Tết sum vầy, nếu không chồng đi chúc Tết đường chồng, vợ đường vợ, cả ngày nào có thấy mặt nhau. Suy cho cùng, đó cũng là một lựa chọn không tồi.

Với những đứa con xa quê hương như chúng tôi, những ngày Tết chỉ mong được về gần bên ba mẹ, được cùng ba mẹ dọn dẹp, cùng ba mua cây đào cây quất về trưng, phụ mẹ nấu những món ăn ngon. Tôi nghĩ, Tết "nhạt" hay không, đáng sợ hay không đều ở cái tâm của mình.

Ngày Tết chỉ vui khi cả nhà cùng nhau làm, cùng nhau chia sẻ mới gọi là sum vầy, đoàn viên; còn nếu công việc chỉ dồn cho một người gánh vác thì còn gì là vui nữa. Tết nhà mình không to như "nhà người ta" cũng đâu có sao, chỉ cần trong lòng mình thấy ấm là đủ.

Ngày Tết, gọi là "vui Tết" thôi, đừng gọi "ăn Tết" nữa, để mỗi khi nghĩ đến Tết chúng ta lại thấy cảnh đoàn viên, sum vầy, cả nhà quây quần bên nhau kể chuyện năm cũ, chúc nhau năm mới. Cả năm đã đi làm xa rồi, ngày cuối năm bên nhau ai cũng vui mới thật đúng là ngày Tết, là ngày mọi người mong chờ để về bên nhau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới