Vùng KTTĐ phía Nam: nhắm tới thu nhập 5.000 đô la/người
Lê Hoàng
![]() |
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó TPHCM là trung tâm đi đầu phát triển các ngành sản xuất và dịch vị tiên tiến -Ảnh một góc TPHCM: Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
(TBKTSG Online) - Nếu quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam được thực hiện đầy đủ thì đến năm 2020, GDP bình quân đầu người mỗi năm của vùng này có thể vượt mức 5.000 đô la Mỹ.
>>> Phân cấp triệt tiêu vùng kinh tế
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì vùng này (gồm TPHCM và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang) sẽ đi đầu phát triển một số ngành dịch vụ tiên tiến, nhất là ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, viễn thông, du lịch,..
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020 vùng KTTĐ phía Nam sẽ thành vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững. Đây sẽ là vùng kinh tế động lực đầu tàu; là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hoá, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước và khu vực. Vùng sẽ có cơ cấu kinh tế và không gian phát triển hài hòa; có hệ thống đô thị tổng hợp tầm quốc gia và khu vực, trong đó TPHCM là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ ngang tầm với các quốc gia trong khu vực.
Quy hoạch đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP của vùng giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 8,5 - 9,0%/năm. Đến năm 2020 các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 95 - 96% tổng GDP. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 5.000 đô la Mỹ...
Để đạt được các mục tiêu trên, vùng sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng; chuyển hướng từ phát triển công nghiệp theo chiều rộng sang phát triển công nghệ hiện đại với hàm lượng khoa học công nghệ cao.
TPHCM là hạt nhân của vùng, là trung tâm dịch vụ tầm khu vực Đông Nam Á, phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ về tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế, viễn thông, vận tải biển. Thành phố Vũng Tàu sẽ là trung tâm du lịch, trung tâm dịch vụ khai thác dầu khí cấp quốc gia và quốc tế; xây dựng đô thị Biên Hòa và Thủ Dầu Một, là trung tâm dịch vụ lớn về phát triển công nghiệp. Phát triển các ngành dịch vụ với tốc độ nhanh, chất lượng cao và bền vững; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng.