Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vùng xám thị trường bán lẻ xăng dầu

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dự báo nhu cầu xăng dầu của Việt Nam trong năm 2022 khoảng 21 triệu mét khối, tính về giá trị khoảng 420.000 tỉ đồng hay 18 tỉ đô la Mỹ. Rõ ràng đây là một thị trường có quy mô lớn và ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, nên tính hiệu quả và minh bạch của thị trường cần được quan tâm nhiều hơn.

Giá xăng dầu ngoài các khoản thuế, phí bắt buộc còn có thêm các khoản chi phí khác chiếm khoảng 5% giá bán cuối cùng. Ảnh: N.K

Phân phối qua nhiều tầng nấc

Hiện nay, hệ thống phân phối xăng dầu đến người tiêu dùng ở Việt Nam được thông qua các nhóm bậc như sau: thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ, và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Như vậy tính ra từ lúc được sản xuất hay nhập khẩu, xăng dầu phải trải qua 4 hoặc 5 lớp trung gian rồi mới đến người tiêu dùng cuối cùng.

Trong khi đó ở nhiều nước, như Pháp chẳng hạn, thì xăng dầu được phân phối chủ yếu qua hệ thống trạm xăng của các tập đoàn năng lượng (TotalEnergies, BP, Aviva…), hay các hệ thống chuỗi bán lẻ lớn (E.Leclerc, Carrefour, Auchan…). Và như vậy có thể thấy rằng xăng dầu đến với người tiêu dùng ở đây hầu như là trực tiếp từ đầu mối.

Muốn đảm bảo và nâng cao lợi ích của người tiêu dùng thì cần thay đổi hệ thống phân phối hiện nay theo hướng giảm các tầng nấc trung gian.

Chúng ta đều biết rằng khi có thêm một nấc trung gian thì chi phí sẽ bị đội lên. Ví dụ như giá của một lít xăng hiện nay ở Việt Nam ngoài giá thành sản xuất hay nhập khẩu cùng với các khoản thuế, phí bắt buộc thì còn có thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, và lợi nhuận của doanh nghiệp. Ước tính các khoản này chiếm khoảng 5% giá bán cuối cùng.

Nếu kênh phân phối xăng dầu chỉ từ thương nhân đầu mối đến trực tiếp trạm xăng thì đòi hỏi năng lực của các doanh nghiệp này phải rất mạnh, và do đó số lượng không thể nhiều nhưng vẫn phải đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường. Theo một số liệu trước khi có vụ 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị rút giấy phép tạm thời thì cả nước có 36 thương nhân đầu mối, khoảng 330 thương nhân phân phối và gần 17.000 cửa hàng bán lẻ. Khi số lượng trung gian nhiều thì quy mô của các trung gian này không thể lớn được.

Bị động với diễn biến của thị trường

Ở những thời điểm giá xăng dầu trên thị trường thế giới có biến động mạnh theo chiều hướng tăng thì tại Việt Nam thường hay xảy ra hiện tượng khan hiếm, đầu cơ găm giữ hàng. Sở dĩ có điều này là vì cơ chế điều hành giá xăng dầu của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng hiện nay vẫn tập trung và theo kỳ điều chỉnh ba lần trong một tháng.

Vì quản lý giá tập trung nên trên cùng một địa bàn ở Việt Nam, giá bán lẻ sẽ gần như là giống nhau trong khi ở Pháp, sẽ có chênh lệch giá giữa các nhà cung cấp, hoặc ngay như cùng một nhà cung cấp thì cửa hàng ở trung tâm sẽ đắt hơn ở ngoại ô, và ở các trạm dừng trên đường cao tốc thì đắt hơn những chỗ khác.

Với khoảng cách trung bình giữa mỗi lần điều chỉnh giá là 10 ngày thì phần thiệt hại thường nghiêng về phía người tiêu dùng: nếu giá thế giới giảm thì giá trong nước giảm chậm hơn, còn nếu giá thế giới tăng mạnh thì sẽ có hiện tượng găm giữ tạo khan hiếm ở một số nơi.

Bên cạnh việc phản ứng chậm với giá thị trường thì còn có một vấn đề vẫn chưa tiến triển dù đã được đề cập đến nhiều lần: bảo hiểm giá xăng dầu qua các công cụ phái sinh. Trong khi trên thế giới, việc các doanh nghiệp đầu mối sản xuất hay xuất nhập khẩu xăng dầu sử dụng các công cụ phái sinh rất bình thường và chiếm một tỷ trọng lớn trên thị trường kỳ hạn thì ở Việt Nam điều này còn rất hạn chế.

Lý do thường được đưa ra là thiếu nhân lực, và nỗi sợ từ những vụ thua lỗ lớn trước đây. Tuy nhiên, nhân sự giỏi từ thị trường thế giới thì luôn có và việc thu hút về là hoàn toàn khả thi. Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực là càng sớm càng tốt để đáp ứng cho nhu cầu thường trực trong tương lai.

Quản lý nặng cơ chế xin cho

Là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên giấy phép kinh doanh là điều sống còn với các doanh nghiệp trong thị trường này.

Sự việc mới đây có bảy doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép khiến cho rất nhiều doanh nghiệp phân phối lo lắng vì việc cập nhật thông tin chậm trễ khiến họ vẫn thực hiện các giao dịch mua bán với các doanh nghiệp đầu mối vi phạm, và có nguy cơ bị vạ lây. Bởi vì theo quy định, lượng xăng dầu mua bán sau thời điểm doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép là bất hợp pháp.

Trách nhiệm ở đây có thể thấy là ở việc công bố thông tin nhanh chóng, kịp thời từ cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp vi phạm. Lẽ thường, thông tin phải được gửi đi qua nhiều kênh như thông báo trực tiếp đến các doanh nghiệp có liên quan và trên cổng thông tin đại chúng. Nhưng có lẽ vì thực tế, các kênh phân phối ở phía dưới bị phụ thuộc ở phía trên nên đành phải chịu.

Hướng đến lợi ích của người tiêu dùng

Xăng dầu là một loại hàng hóa thiết yếu và chiếm tỷ trọng đáng kể trong ngân sách chi tiêu của người dân, đặc biệt là ở những nước sử dụng nhiều phương tiện cá nhân như Việt Nam. Bên cạnh việc quản lý đảm bảo chất lượng xăng dầu để không xảy ra những vụ việc như hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng bị móc túi vì thiếu số lượng thì hiệu quả và tính minh bạch của thị trường cần được dư luận quan tâm nhiều hơn.

Muốn đảm bảo và nâng cao lợi ích của người tiêu dùng thì cần thay đổi hệ thống phân phối hiện nay theo hướng giảm các tầng nấc trung gian. Hệ thống phân phối khi đó có thể trực tiếp từ đầu mối sản xuất hay nhập khẩu đến với người tiêu dùng. Khi đó, số lượng nhà phân phối sẽ ít đi, nhưng năng lực của các doanh nghiệp này sẽ phải lớn mạnh. Mà với các doanh nghiệp lớn mạnh thì câu chuyện sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro hiện đại là rất bình thường.

Việc quản lý giá cũng nên để thị trường quyết định và tiệm cận với giá theo thời gian thực. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung quản lý chất lượng hàng hóa, và đảm bảo cơ chế cạnh tranh minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới