Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vượt ‘bão Covid’, dệt may chuyển mình ấn tượng trong xuất khẩu

KTSG Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các doanh nghiệp dệt may tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất trong thời điểm cuối năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng những yêu cầu ngày càng chặt chẽ từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, nắm bắt cơ hội vươn ra thị trường thế giới một cách sâu rộng, doanh nghiệp cũng cần liên tục cải tiến và cập nhật quy trình sản xuất.

Ngành dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), việc sản xuất của doanh nghiệp được khôi phục vào cuối năm 2021 đã góp phần giúp ngành dệt may đạt 39 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, tương đương với năm 2019. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với 15,9 tỉ đô la, tăng 12% so với năm 2020; EU đạt 3,7 tỉ đô la, tăng 14%; Hàn Quốc đạt 3,6 tỉ đô la và Trung Quốc 4,4 tỉ đô la chủ yếu là xuất khẩu sợi.

Theo dòng thời sự, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp dệt may phát triển thị trường thế giới” để cung cấp cho độc giả câu chuyện về sự xoay xở vượt qua khó khăn trong đại dịch của ngành dệt may cũng như nỗ lực nhằm nắm bắt cơ hội phát triển thị trường quốc tế.

Các diễn giả, gồm PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng Viện ISB, ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, ông Nguyễn Quyết Thắng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty 28 và TS. Phạm Thị Hồng Phượng thuộc Đại học Công nghiệp TPHCM – chuyên gia về cải tiến quy trình sản xuất nhà máy dệt may, đã chia sẻ về những sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, làm thay đổi sâu rộng chuỗi giá trị sản phẩm, từ nghiên cứu – phát triển đến sản xuất, dịch vụ logistics đến dịch vụ khách hàng… trong ngành dệt may.

Bên cạnh câu chuyện về cải tiến để tiết kiệm chi phí sản xuất, vận chuyển, phân phối và làm tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, các diễn giả cũng phác họa bức tranh về ngành sản xuất dệt may, một trong những ngành công nghiệp chịu nhiều thách thức nhất từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do sử dụng nhiều lao động.

Từ kinh nghiệm thực tế, các doanh nghiệp đã kể câu chuyện tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để nâng cao kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu ra quốc tế. Những kỳ vọng về sự hỗ trợ của Chính phủ và các hiệp hội nhằm tạo đà cho doanh nghiệp bước ra thị trường thế giới và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn tồn đọng khi họ “đem chuông đi đánh xứ người” cũng được bộc bạch qua hơn 40 phút của tọa đàm.

Trong hai năm 2020 và 2021, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) được đánh giá là đi vào có hiệu lực ở một thời điểm rất kịp thời, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường thuận lợi hơn.

Những hiệp định giống như một hành lang để các doanh nghiệp dệt may tiếp tục mở rộng thị phần xuất khẩu vào các nước. Theo lời chia sẻ từ ông Phạm Văn Việt và ông Nguyễn Quyết Thắng, có nhiều doanh nghiệp trong ngành đã được các khách hàng ở thị trường Mỹ, EU ặt hàng sản xuất kín hết năm 2022.

Bên cạnh đó, tình trạng liên kết chuỗi yếu lâu nay vẫn là vấn đề mà ngành dệt may trăn trở. Tuy nhiên, để ứng phó với dịch Covid-19, doanh nghiệp đã buộc phải tăng cường liên kết, để nâng cao sức mạnh toàn ngành.

Theo các chuyên gia, PGS.TS Trần Hà Minh Quân và TS. Phạm Thị Hồng Phượng, sự “chuyển mình” ấn tượng của doanh nghiệp dệt may đã đóng góp tích cực cho thành tích tăng trưởng của ngành dệt may năm 2021, tạo tiền đề phát triển cho năm 2022. Ngành dệt may có cơ hội duy trì đà tăng trưởng nhưng cùng với đó doanh nghiệp cũng vẫn cần chuẩn bị cho những nguy cơ tiềm ẩn do dịch Covid-19 bởi đây là ngành thâm dụng lao động và phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng.

Mời quý độc giả theo dõi tọa đàm tại đây:

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Dệt may ở Singapore đã chuyển sang giai đoạn “thông minh hóa”. Họ không phải là cường quốc dệt may mà là cường quốc sáng tạo. Ở đó không còn sản xuất theo kiểu đại trà mà sản xuất theo từng đơn hàng (tổ chức/ cá nhân) cụ thể. Từ nguyên liệu cho đến sản phẩm đều đảm bảo quy định môi trường, có khả năng tái chế, tái sử dụng theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Sẽ không còn khái niệm “tồn kho”, big sale, bán “đại hạ giá” như lâu nay nữa. Có lẽ chúng ta cũng nên sớm thay đổi ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới