Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vượt cản 1.200 điểm, tiền rầm rập đổ vào thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vượt cản 1.200 điểm, tiền rầm rập đổ vào thị trường

Triêu Dương

(KTSG) – Đúng như dự báo cách đây hai tuần trong bài “Mặc kệ khối ngoại bán ròng, VN-Index cứ lầm lũi đi lên”(1), chỉ số VN-Index đã vượt mốc kháng cự 1.200 điểm một cách thuyết phục trong những ngày đầu tháng 4 này. Sau khi vượt cản thành công, dòng tiền lại rầm rập đổ vào thị trường.

Kéo trụ đẩy VN-Index vượt cản

Sau khi có những phiên rũ bỏ (wash out) kinh điển trong tuần giao dịch từ ngày 22 đến 26-3, với chỉ số VN-Index có lúc điều chỉnh hơn 5%, loại bỏ bớt những nhà đầu tư tâm lý yếu “rời tàu”, thị trường đã tạo đáy ở 1.138 điểm vào ngày 26-3 và phục hồi mạnh mẽ kể từ đó đến nay. Trong phiên giao dịch mở đầu tháng 4, VN-Index đã dễ dàng vượt mốc kháng cự tâm lý 1.200 điểm.

Động lực chính kéo thị trường tăng vọt lần này vẫn là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó nhóm cổ phiếu Vingroup và ngân hàng đóng vai trò quan trọng. Cụ thể, trong mức tăng 22 điểm của ngày 1-4, riêng cổ phiếu VIC đã đóng góp gần 4,7 điểm, VHM gần 1,5 điểm và VRE 0,7 điểm; nhóm cổ phiếu ngân hàng gồm VCB, BID, CTG, VPB, MBB đóng góp 5,7 điểm; hai cổ phiếu còn lại trong tốp 10 là HPG và VNM đóng góp lần lượt hơn 1,5 điểm và 1,4 điểm.

Với việc đã tạo ra một khoảng cách đáng kể so với mốc 1.200 điểm, thị trường nếu có điều chỉnh cũng được kỳ vọng sẽ vẫn giữ được ngưỡng tâm lý này như là một vùng hỗ trợ mới.

Giới phân tích cũng cho rằng bất cứ nhịp điều chỉnh nào của thị trường cũng đều là cơ hội tích lũy cổ phiếu cho danh mục đầu tư trung, dài hạn và thu hút thêm dòng tiền rót vào.

Đến phiên giao dịch cuối tuần ngày 2-4, trong mức tăng 8 điểm của VN-Index, nhóm ngân hàng cũng đóng góp gần một nửa điểm số. Trong chiều tối cùng ngày, truyền thông đưa tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc kéo dài thời hạn áp dụng của chính sách cơ cấu nợ của ngành ngân hàng. Có thể thấy nhà đầu tư dường như đã nắm trước thông tin này để có cơ sở kéo cổ phiếu ngân hàng, đẩy VN-Index vượt cản thuyết phục.

Dĩ nhiên, việc sửa đổi Thông tư 01 đúng như kỳ vọng của thị trường giúp tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ tái cơ cấu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã là chất xúc tác quan trọng trong đợt tăng lần này, nhưng không thể phủ nhận những yếu tố ngoại lai cũng góp phần hỗ trợ tích cực như việc chứng khoán thế giới tăng mạnh sau đề xuất gói kích cầu khổng lồ mới từ Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngoài ra, các chỉ số vĩ mô trong nước quí 1 được công bố vào cuối tháng 3 cho thấy sự phục hồi kinh tế đang đi đúng hướng, trong khi lạm phát – yếu tố gây lo ngại gần đây vì có thể gây áp lực lên lãi suất và chính sách tiền tệ, cũng đã hạ nhiệt trở lại.

Nhóm cổ phiếu họ Vingroup – vốn chiếm tỷ trọng khá lớn trong chỉ số chung, cũng đang trong giai đoạn công bố các thông tin tốt nên càng tạo sự hứng khởi cho nhà đầu tư và thu hút dòng tiền lớn. Đơn cử như VIC mới đây công bố lãi 16.881 tỉ đồng từ việc chuyển nhượng ba công ty bất động sản lập trong năm 2020 cho các tập đoàn Nhật Bản, cũng như sắp tới sẽ thoái hết vốn khỏi hệ thống Vinmart; VHM được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khu đô thị gần 300 héc ta tại Hưng Yên, với vốn đầu tư dự án lên đến 32.661 tỉ đồng.

Kích thích tiền vào và sẽ lan tỏa rộng hơn

Trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 5-4), VN-Index tiếp tục tăng 12 điểm. Đáng lưu ý là lúc mở cửa đầu phiên, chỉ số này đã có thời điểm ghi nhận mức tăng đến 21 điểm, lên tận 1.245 điểm, khi dòng tiền đổ mạnh vào thị trường ngay từ phiên ATO. Với việc đã bứt phá mạnh mẽ khỏi vùng kháng cự 1.200 điểm, nhiều nhà đầu tư đã thoát khỏi thị trường trước đây nay đang quay lại thị trường để tìm kiếm cơ hội ở sóng tăng lần này.

Ngay cả nhà đầu tư nước ngoài cũng đảo ngược chiến lược giao dịch từ bán ròng sang mua ròng trở lại. Cụ thể sau khi bán ròng 12.250 tỉ đồng trong tháng 3, ngay phiên đầu tháng 4, khối này bất ngờ mua ròng trở lại hơn 40,5 tỉ đồng, đến phiên ngày 2-4 mua ròng hơn 715 tỉ đồng và phiên ngày 5-4 tiếp tục mua ròng gần 123 tỉ đồng. Đáng lưu ý là trong phiên ngày 5-4, dòng tiền của khối ngoại đã rót vào thị trường mạnh mẽ ngay từ đầu phiên ATO , tập trung tại các mã blue-chip với tổng giá trị lên tới hàng trăm tỉ đồng, đưa đến đồn đoán về khả năng quỹ mới thành lập là Fubon FTSE Vietnam ETF đã bắt đầu giải ngân.

Fubon là quỹ ETF của Đài Loan (Trung Quốc) mới tiến hành IPO vào tháng 3 vừa qua và đã huy động được 5,28 tỉ đài tệ (tương đương khoảng 4.279 tỉ đồng). Trước đó, Fubon FTSE Vietnam ETF dự kiến huy động tối đa 10 tỉ đài tệ (khoảng 8.100 tỉ đồng) để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam. Giới phân tích trước đây nhận định rằng việc tham gia của quỹ này sẽ mang lại tâm lý phấn khởi cho nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường đi lên hào hứng trong giai đoạn này.

Với mức tăng đến 42 điểm chỉ trong vòng ba phiên đầu tháng 4 và tăng gần 100 điểm tính từ mức đáy ngày 26-3, tương đương tốc độ tăng hơn 8,6%, trước mắt thị trường có thể chịu áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư. Dù vậy, với việc đã tạo ra một khoảng cách đáng kể so với mốc 1.200 điểm, thị trường nếu có điều chỉnh cũng được kỳ vọng sẽ vẫn giữ được ngưỡng tâm lý này như là một vùng hỗ trợ mới. Giới phân tích cũng cho rằng bất cứ nhịp điều chỉnh nào của thị trường cũng đều là cơ hội tích lũy cổ phiếu cho danh mục đầu tư trung, dài hạn và thu hút thêm dòng tiền rót vào.

Thực tế hiện nay không ít nhà đầu tư, vốn đã bỏ lỡ sóng tăng vừa qua, đang chờ đợi VN-Index kiểm tra lại vùng 1.200 điểm để vào hàng, nhất là khi hai phiên tăng ngày 2-4 và 5-4 đã tạo ra các khoảng trống tăng giá khá lớn. Tuy nhiên, về tổng thể thị trường vẫn được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong tháng 4 này và mục tiêu kế tiếp là vùng 1.250 điểm và kế tiếp là 1.300 điểm.

Đáng lưu ý là nếu như trong đợt tăng vừa qua dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu blue-chip, vốn luôn được lợi khi chỉ số chung tăng mạnh và từ đó cũng tác động ngược lại kéo chỉ số chung đi lên, thì giai đoạn tới dòng tiền có thể sẽ lan tỏa sang nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ, cũng như sang các nhóm ngành khác, trong khi nhóm ngân hàng và các mã vốn hóa lớn khác sẽ đóng vai trò giữ nhịp cho thị trường.

Điểm hạn chế hiện nay là sàn HOSE vẫn bị nghẽn thường xuyên, do đó chưa thể đón nhận được hết dòng tiền muốn vào, vì vậy mà khối lượng giao dịch vẫn chưa thật sự bứt phá cùng với mức tăng của điểm số. Tuy nhiên, cuối tuần qua xuất hiện thông tin sàn HOSE đã bắt đầu kiểm tra hệ thống sửa đổi lệnh.

(1) https://www.thesaigontimes.vn/314787/mac-ke-khoi-ngoai-ban-rong-vn-index-cu-lam-lui-di-len.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới