Thứ tư, 9/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vượt qua rào cản để ứng dụng AI trong sản xuất

Cẩm Hà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hầu hết doanh nghiệp sản xuất đều có tầm nhìn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng không phải đơn vị nào cũng đủ nguồn lực. Chi phí đầu tư cho AI hiện khá cao, thậm chí vượt chi phí chuyển đổi số trước đây, buộc doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định triển khai công nghệ này.

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất đều có tầm nhìn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng không phải đơn vị nào cũng đủ nguồn lực. Ảnh minh họa: AI

Ứng dụng AI vào sản xuất ngày càng phổ biến

Năm năm trước, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ AI cho doanh nghiệp, chủ yếu trong ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, sau đó đến bán lẻ và sản xuất. Tuy nhiên, hai năm gần đây, khi AI bùng nổ, các doanh nghiệp đa ngành tham gia nhiều hơn, ông Hồ Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn và triển khai AI, FPT Smart Cloud, nói trong một tọa đàm mới đây bàn về ứng dụng AI trong sản xuất.

Theo ông Thắng, mức độ ứng dụng AI của doanh nghiệp nước ta tăng đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt khi ChatGPT xuất hiện và các công nghệ mới liên tục thay đổi. Các doanh nghiệp chủ yếu ứng dụng AI vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng năng suất, tối ưu và tự động hóa hoạt động.

Ông Hoàng Ninh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, xác nhận việc ứng dụng AI trong sản xuất ngày càng phổ biến. Ông cho biết, một số ngành, trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đã ứng dụng AI thành công. Ví dụ, doanh nghiệp dệt may dùng AI để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, dự báo nhu cầu sản xuất, kinh doanh và nhu cầu thị trường; nhờ đó giảm được 30% thời gian sản xuất, tăng độ chính xác và giảm lãng phí. Trong ngành da giày, AI được ứng dụng để phân tích mẫu mã, xu hướng thị trường, tự động hóa sản xuất...

Ở Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, chiến lược AI hóa dựa trên năm trụ cột. Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó tổng giám đốc Rạng Đông, cho biết AI được áp dụng để phát triển sản xuất và dịch vụ; xây dựng nền tảng sản xuất thông minh; hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng; hỗ trợ quản trị và điều hành, giúp tăng cường tính linh hoạt trong tổ chức. Cùng với đó, Rạng Đông đầu tư mạnh vào việc xây dựng trung tâm dữ liệu số để phục vụ điều hành sản xuất và kinh doanh.

Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về mức độ sẵn sàng ứng dụng AI và thứ 59 thế giới. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam lọt tốp 50 thế giới và đứng thứ 4 tại ASEAN.

Theo ông Kết, chiến lược này đã giúp Rạng Đông thương mại hóa thành công hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ 4.0, đưa ra thị trường những sản phẩm ứng dụng công nghệ AI. Hệ thống sản xuất xanh, thông minh và linh hoạt được xây dựng với mức độ tự động hóa, robot hóa và AI hóa ngày càng cao. Rạng Đông cũng phát triển mô hình kinh doanh số, góp phần nâng cao doanh thu một cách đáng kể. Mô hình quản trị chuyển đổi từ chức năng tuyến tính sang mô hình ma trận, giúp doanh nghiệp vận hành linh hoạt và hiệu quả hơn.

Những ví dụ này cho thấy ứng dụng AI không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ông Hoàng Ninh nhận xét. Cũng theo ông Ninh, kinh nghiệm thực tế của những doanh nghiệp đi trước chứng minh rằng, các ngành sản xuất khác hoàn toàn có tiềm năng ứng dụng AI và cần xem đây là mục tiêu chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh.

Dù vậy, ứng dụng AI trong doanh nghiệp không đơn giản. Ông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, khó khăn lớn nhất là dữ liệu. Với một cơ sở sản xuất “64 tuổi đời”, sở hữu hệ thống máy móc có nguồn gốc, công nghệ, thế hệ khác nhau như Rạng Đông, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các thiết bị là “bài toán phức tạp”. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã hợp tác với các trung tâm nghiên cứu, viện, trường đại học bên ngoài để xây dựng mô hình thuật toán kết nối hệ thống cũ với hệ thống mới.

Bên cạnh đó, thiếu vốn, thiếu nhân lực chất lượng cao là những rào cản không nhỏ. Ông Hồ Minh Thắng cho biết, hầu hết doanh nghiệp đều có tầm nhìn ứng dụng AI nhưng không phải đơn vị nào cũng có đủ nguồn lực. Chi phí đầu tư AI hiện nay khá cao, thậm chí vượt quá chi phí chuyển đổi số trước đây, buộc nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định triển khai công nghệ này. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực cũng khiến các doanh nghiệp chậm triển khai ứng dụng AI. “Dù lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn và ý tưởng nhưng để thực thi cần có nguồn lực tương xứng”, ông Thắng nói.

Xây dựng nền tảng công nghệ dùng chung

Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về mức độ sẵn sàng ứng dụng AI và thứ 59 thế giới. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam lọt tốp 50 thế giới và đứng thứ 4 tại ASEAN.

Để vượt qua các rào cản hiện hữu nhằm ứng dụng AI, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ông Hồ Minh Thắng khuyên doanh nghiệp không nên đầu tư AI theo cách dài hạn gây lãng phí, mà cần thử nghiệm trên phạm vi nhỏ, nếu có hiệu quả mới nhân rộng. Doanh nghiệp cũng phải có chiến lược quản lý và tối ưu dòng dữ liệu, bởi đây là cơ sở để AI có thể tham gia sâu, rộng vào việc hoạch định, tham mưu chính sách cho doanh nghiệp trong tương lai. Về nhân lực, doanh nghiệp cần tập trung đào tạo không chỉ đội ngũ kỹ thuật AI mà cả nhân sự trong doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về ứng dụng AI; đồng thời, hợp tác với trường đại học, doanh nghiệp khác để chia sẻ nguồn lực.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Đoàn Kết cho rằng rất khó để doanh nghiệp ứng dụng AI trong toàn bộ quy trình sản xuất. Thay vào đó, doanh nghiệp nên lựa chọn những quy trình ưu tiên. Ví dụ, Rạng Đông xác định tập trung vào các quy trình còn điểm nghẽn, yếu kém, có đủ điều kiện và nguồn lực để triển khai ứng dụng AI.

Tuy nhiên, nỗ lực của riêng doanh nghiệp là chưa đủ, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy ứng dụng AI trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp có “hai mong muốn cấp thiết nhất”, ông Kết nói. Thứ nhất, Nhà nước xây dựng những nền tảng công nghệ chung cho cả nước và hỗ trợ doanh nghiệp với mức chi phí hợp lý. Hiện nay, chi phí thuê bao rất cao, đặc biệt là các nền tảng nước ngoài như Amazon và khi chi phí cao sẽ hạn chế người tiêu dùng trong việc ứng dụng AI. Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất và tạo ra các chuẩn chung, có thể sử dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, như vậy doanh nghiệp sẽ không bị phụ thuộc vào riêng một nền tảng nào. “Bảo đảm được hai mong muốn đó, AI sẽ đi vào cuộc sống rất nhanh”.

Theo ông Trần Mạnh Hà, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa, hiện nay, tiêu chuẩn, quy chuẩn về AI và chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn hạn chế. Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các nhà máy và ứng dụng AI, đây sẽ là căn cứ để các đơn vị triển khai ứng dụng AI hiệu quả.

Về phía Bộ Công Thương, ông Hoàng Ninh cho biết tới đây, bộ sẽ xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng AI, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến, chế tạo. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đề xuất chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng, giúp doanh nghiệp khoa học công nghệ, chuyển đổi số, và ứng dụng AI tiếp cận nguồn lực cần thiết. Đẩy mạnh xây dựng dữ liệu lớn để phát triển các giải pháp AI phục vụ sản xuất, kinh doanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới