Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

WB cảnh báo giá dầu vượt 150 đô la Mỹ/thùng

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo giá dầu thô trên thị trường quốc tế có thể tăng lên mức hơn 150 đô la Mỹ/thùng nếu xung đột Israel-Hamas leo thang khiến các nhà sản xuất dầu quan trọng ở Trung Đông cắt giảm nguồn cung để trả đũa những nước ủng hộ Israel.

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo giá dầu thô trên thị trường quốc tế có thể tăng lên mức hơn 150 đô la Mỹ/thùng trước sức nóng gia tăng từ cuộc xung đột Israel-Hamas. Ảnh: Business Insider

Trong Báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa hàng quí, công bố hôm 30-10, WB cho biết cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas có thể khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh, tạo ra một “cú sốc kép” đối với các thị trường hàng hóa vẫn đang quay cuồng vì chiến sự Ukraine.

“Cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông xảy ra ngay sau cú sốc lớn nhất đối với thị trường hàng hóa kể từ thập niên 1970 do tác động của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine”, Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng kiêm Phó Chủ tịch cấp cao về kinh tế phát triển của WB, nói.

Theo dự báo cơ sở của WB, giá hàng hóa tổng thể sẽ giảm 4,1% trong năm tới, với giá dầu giảm xuống mức trung bình 81 đô la/thùng, giảm so với mức dự kiến 90 đô la/thùng trong quí hiện tại, do tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Tuy nhiên, tổ chức cho vay đa phương này lưu ý, triển vọng đó có thể nhanh chóng đảo ngược nếu xung đột ở Trung Đông ngày càng ác liệt hơn. Trong kịch bản xấu nhất, nguồn cung dầu toàn cầu có thể giảm từ 6-8 triệu thùng mỗi ngày, đẩy giá dầu tăng lên từ 140-157 đô la/thùng nếu các nhà sản xuất hàng đầu trong khối các nước Arab như như Saudi Arabia quyết định cắt giảm xuất khẩu dầu.

Một hậu quả ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn gây xáo trộn thị trường dầu nếu xung đột ở Trung Đông hiện nay gây tác động giống như cuộc chiến năm 2003 ở Iraq. WB cho biết, trong kịch bản đó, nguồn cung dầu giảm 5 triệu thùng mỗi ngày, giá dầu sẽ tăng 35%, lên 121 đô la/thùng.

Một hậu quả “nhẹ nhàng” hơn sẽ là nếu cuộc xung đột tương tự như cuộc nội chiến năm 2011 ở Libya, với hai triệu thùng dầu mỗi ngày bị mất khỏi thị trường toàn cầu. Lúc đó, giá dầu có khả năng tăng 13%, lên 102 đô la/thùng, theo WB.

Các quan chức của WB cho rằng, tác động lên lạm phát và nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài của cuộc xung đột Israel- Hamas và thời gian giá dầu duy trì ở mức cao. Nếu giá dầu cao được duy trì thì sẽ dẫn đến giá thực phẩm, kim loại công nghiệp và vàng tăng lên mức cao hơn.

Theo các quan chức Israel, các cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas từ Dải Gaza vào hôm 7-10, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng và hơn 230 người bị bắt giữ làm con tin. Theo các quan chức Palestine, các vụ không kích của Israel sau đó làm hơn 8.000 người thiệt mạng và hơn 20.000 người bị thương ở Dải Gaza. Cuộc xung đột hiện tại có nguy cơ lan rộng ra ngoài Israel và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine.

Mối đe dọa chiến sự leo thang đang xuất hiện. Xe tăng và bộ binh Israel đã tiến vào Dải Gaza cuối tuần qua khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố “giai đoạn thứ hai” của cuộc chiến. Các quan chức Hamas đã kêu gọi sự hỗ trợ khu vực nhiều hơn từ các đồng minh, trong đó có Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon. Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo, xuất khẩu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng nếu các nhà sản xuất dầu thô hàng đầu như Iran tích cực can dự vào cuộc xung đột.

Sau các phản ứng ban đầu, thị trường dầu mỏ hầu như đã phớt lờ tác động của xung đột này. Giá dầu Brent ở thị trường London giảm hơn 3% xuống còn khoảng 87,45 đô la /thùng vào hôm 30-10. Giá dầu thô đạt mức kỷ lục 147 đô la/thùng vào năm 2008 trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

WB nhận xét, nền kinh tế toàn cầu đang ở vị thế tốt hơn để chống chọi với cú sốc nguồn cung dầu so với tháng 10-1973, khi các thành viên Arab của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm xuất khẩu sang Mỹ và các nước khác ủng hộ Israel trong cuộc chiến Arab - Israel lần thứ 4. Tuy nhiên, WB cảnh báo thị trường hàng hóa vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi đầu năm ngoái.

“Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải cảnh giác. Nếu xung đột Israel- Hamas leo thang, nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với cú sốc năng lượng kép lần đầu tiên sau nhiều thập niên”, Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của WB nói.

Theo WB, xung đột leo thang cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực ở các nước nghèo vốn đối mặt nạn đói. Giá dầu và khí đốt tăng sẽ làm tăng chi phí vận chuyển và phân bón, khiến hàng hóa nông nghiệp trở nên đắt đỏ hơn.

“Nếu giá dầu duy trì ở mức cao, chắc chắn giá lương thực sẽ tăng cao cao hơn. Sự leo thang của cuộc xung đột mới nhất sẽ làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới”, Ayhan Kose, phó nhà kinh tế trưởng của WB nói và cho biết thêm, vào cuối năm 2022, gần 1/10 dân số thế giới thiếu dinh dưỡng.

Theo Financial Times, NY Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới