Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

World Cup bóng đá nữ 2023 hoàn toàn khác biệt về khía cạnh kinh tế

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ việc tách riêng bản quyền truyền hình của các giải đấu nam và nữ, cho tới sự gia tăng đầu tư đáng kể vào sự kiện thể thao dành cho nữ giới, kỳ World Cup bóng đá nữ năm nay tại New Zealand đã ghi nhận nhiều thay đổi đáng kể trong khía cạnh kinh tế.

Bản quyền truyền thông giải đấu

Theo Sportico, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã thực hiện một cách tiếp cận thương mại hoàn toàn khác biệt đối với World Cup bóng đá nữ năm nay. Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu diễn ra vào năm 1991, giải đấu này thực sự hoạt động như một thực thể thương mại riêng biệt.

Trước đây, giải đấu dành cho nữ giới luôn được gộp vào như một phần bổ sung cho các thỏa thuận về bản quyền truyền thông của World Cup bóng đá nam. Tuy nhiên, FIFA đã quyết định chấm dứt tình trạng này sau khi kỳ World Cup bóng đá nữ 2019 ghi nhận lượng khán giả truyền hình trên toàn cầu tăng kỷ lục 106% so với giải đấu hồi năm 2015 được tổ chức tại Canada. Do vậy, World Cup bóng đá nữ 2023 là lần đầu tiên FIFA tự mình bán bản quyền phát sóng giải đấu.

Nước chủ nhà New Zealand kỳ vọng sẽ có 1,5 triệu lượt khán giả trực tiếp tham dự các trận đấu trong toàn bộ vòng chung kết World Cup. Ban tổ chức cũng đặt mục tiêu thu hút 2 tỉ lượt khán giả truyền hình trên toàn cầu, cao gần gấp đôi so với con số 1,1 tỉ của giải đấu tại Pháp hồi năm 2019.

Việc bán bản quyền theo dạng độc lập đang được tiến hành trên cơ sở khu vực, bởi một số giao dịch đã có trước đó vẫn đang được duy trì. Ví dụ như tại Mỹ, bản quyền World Cup bóng đá nữ vẫn đang đi kèm với giải đấu của nam giới.

Ở phía bên kia Bờ Đại Tây Dương, kế hoạch của FIFA nhằm khai thác thêm giá trị từ giải đấu dành cho nữ giới đã được tiến hành một cách toàn diện hơn. Hồi năm ngoái, tổ chức này đã công khai yêu cầu các đài truyền hình trả nhiều tiền hơn cho bản quyền các giải đấu dành cho nữ giới.

Tuy vậy, những nỗ lực này đã vấp phải một số sự phản đối từ các đài truyền hình châu Âu, vốn không sẵn sàng trả ngay mức giá mà FIFA yêu cầu. Động thái này đã dẫn tới phản ứng dữ dội của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino. Hồi tháng 6, ông Infantino đã đe dọa “cấm sóng” các đài truyền hình, trừ khi họ cải thiện mức giá mua bản quyền.

Theo người đứng đầu FIFA, các quốc gia bóng đá hàng đầu châu Âu chỉ đưa ra mức giá 1-10 triệu đô la Mỹ cho bản quyền World Cup bóng đá nữ, một con số quá nhỏ bé so với mức 100-200 triệu đô la mà họ đưa ra cho World Cup bóng đá nam 2022.

Rốt cuộc, 36 ngày trước khi giải đấu bắt đầu, FIFA đã gia hạn thỏa thuận với Liên đoàn Phát thanh Truyền hình châu Âu (EBU), cho phép các mạng tuyến tính phát sóng miễn phí của EBU trên 34 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Âu được phát sóng World Cup bóng đá nữ. Tuy nhiên, FIFA đã không đưa ra bình luận về giá trị của các thỏa thuận cuối cùng này.

Tài trợ của các doanh nghiệp

Hồi cuối năm 2021, FIFA thông báo cũng sẽ tách riêng biệt quyền tài trợ của các doanh nghiệp cho các giải đấu nam và nữ, sau một thời gian dài bán gộp như trước đây. Bằng quyết định này, FIFA đã tạo ra một số sự thay đổi đáng kể.

Đầu tiên, việc này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thương hiệu có năng lực tài chính, nhưng chỉ quan tâm đến việc tài trợ cho World Cup bóng đá nữ, từ đó mở rộng đáng kể nhóm doanh nghiệp đối tác tiềm năng.

Bên cạnh đó, sự tách rời hợp đồng tài trợ cho các giải đấu cũng làm thay đổi mức giá mà các thương hiệu phải trả. Việc trả tiền để tài trợ cho một giải đấu cho nam hoặc nữ giới, trên lý thuyết sẽ khả thi hơn nhiều về mặt tài chính, và cho phép nhiều thương hiệu tham gia hơn. Điều này được cho là hợp lý nếu xét đến việc World Cup bóng đá nam của FIFA hiện là một trong những sự kiện thể thao toàn cầu có hoạt động tài trợ đắt đỏ nhất hiện nay.

Theo Sportico, với cách thức mới này, FIFA không những có thể tạo dựng một thương hiệu độc lập cho World Cup bóng đá nữ, mà còn gia tăng giá trị của thương hiệu này trên thị trường.

Các gói tài trợ mà FIFA đưa ra đã nhanh chóng thu hút được sự tham gia của nhiều đối tác cấp cao, lần lượt bao gồm Công ty dịch vụ tài chính Visa của Mỹ, hãng phần mềm Xero của New Zealand. Tiếp đó, những tên tuổi lớn khác như Budweiser, Unilever, McDonald’s, Công ty công nghệ thông tin đa quốc gia Globant, Ngân hàng Commonwealth của Úc, hay hãng vận tải Colombia Inter Rapidisimo và Frito Lay cũng nằm trong số các nhà tài trợ.

Các số liệu từ Công ty phân tích Global Data cho thấy, doanh thu tài trợ cho World Cup bóng đá nữ 2023 ước tính là 307,92 triệu đô la, một con số vẫn còn khiêm tốn so với mức 6,3 tỉ đô la của World Cup bóng đá nam hồi năm ngoái tại Qatar.

Ngoài các nhà tài trợ giải đấu, các đội và từng cầu thủ có thể ký các thỏa thuận tài trợ riêng biệt, trong dài hạn hoặc chỉ riêng cho kỳ World Cup. Ví dụ, hãng thời trang Ý Prada đã ký kết hợp đồng tài trợ với đội tuyển quốc gia Trung Quốc, trong khi Công ty thực phẩm Siete Foods đã ký một thỏa thuận với các cầu thủ của đội tuyển Mỹ là Naomi Girma, Sofia Huerta và Ashley Sanchez…

Quy mô giải thưởng cho các đội bóng và cầu thủ

Bên cạnh những thay đổi về nguồn thu, giải đấu năm nay cũng áp dụng mô hình phân phối giải thưởng mới.

Đáp ứng yêu cầu từ các cầu thủ và Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Thế giới (FIFPRO), FIFA sẽ chi tổng số tiền kỷ lục 152 triệu đô la (gồm 110 triệu đô la tiền thưởng) tại World Cup bóng đá nữ 2023.

Số tiền này sẽ được phân phối giữa các liên đoàn, bao gồm các quỹ hỗ trợ chuẩn bị cho đội, tiền thưởng và các khoản thanh toán cho câu lạc bộ của các cầu thủ, tăng gấp 10 lần so với năm 2015 và tăng đáng kể so với con số 40 triệu đô la của năm 2019.

Quan trọng hơn, hồi tháng 6, FIFA đã thông báo rằng hơn một nửa số tiền thưởng sẽ phải được trả trực tiếp cho các cầu thủ. Trước đây, tất cả số tiền này đều được chi trả cho các liên đoàn, sau đó để liên đoàn tiến hành phân phối cho các cầu thủ trong đội tuyển theo cách thức mà họ thấy là phù hợp.

Theo hệ thống phân phối mới được FIFA nêu ra, mọi cầu thủ của 32 đội bóng tham dự World Cup bóng đá nữ sẽ nhận được ít nhất 30.000 đô la, và số tiền sẽ còn tăng lên tùy thuộc vào thành tích tại giải đấu.

FIFA cho biết mục tiêu cuối cùng mà họ hướng tới là sự bình đẳng về tiền thưởng cho các giải đấu của nam và nữ.

Vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết

Theo Financial Times, bất chấp những kết quả ấn tượng đó, giải đấu vẫn cho thấy một số sự lúng túng của FIFA trong việc quảng bá thương mại cho giải đấu. Sự khác biệt về múi giờ đối với các thị trường truyền thông lớn tại châu Âu và Mỹ, cùng những tranh cãi về phí bản quyền truyền hình cho đến tận phút chót, và cả các hợp đồng tài trợ đến muộn khiến nhiều người cho rằng FIFA đã bỏ lỡ một cơ hội để thúc đẩy sự quan tâm trong dài hạn đối với World Cup bóng đá nữ.

“Tôi đã mong đợi nhiều hơn thế”, Amie Cripps, Phó tổng biên tập giám sát việc đưa tin về bóng đá nữ tại nhà xuất bản và cơ quan truyền thông Versus, cho biết. “Mùa hè năm ngoái tôi cảm thấy như có gì đó đã thay đổi. Tôi nghĩ, đây là khoảnh khắc mà tất cả chúng ta đang chờ đợi. Nhưng rõ ràng là không”.

Trên thực tế, một số nhà tài trợ lớn chỉ cam kết tham gia giải đấu khi trái bóng đã chuẩn bị lăn. Quan hệ đối tác với Unilever và McDonald’s đã được công bố vào tháng 5, trong khi AB InBev tham gia vào tháng 6. Sự hợp tác giữa FIFA và TikTok để cung cấp nội dung phù hợp cho việc quảng bá World Cup chỉ được hiện thực hóa một tuần trước khi giải đấu bắt đầu.

Jenny Mitton, lãnh đạo phụ trách mảng thể thao cho nữ giới tại M&C Saatchi Sport and Entertainment, cho biết các thông báo tài trợ muộn cho thấy sự thiếu kế hoạch. “FIFA đã không cung cấp cho giải đấu đủ cơ hội để quảng bá bản thân, điều này thực sự đáng thất vọng”, bà nói. “Các đài truyền hình và thương hiệu không có đủ thời gian để đầu tư và tạo ra các chiến dịch quảng bá xuất sắc”.

Dẫu vậy, bất chấp những lo ngại, những người làm việc trong ngành thể thao vẫn hy vọng giải đấu rốt cuộc sẽ tỏa sáng và thu hút sự chú ý nhiều hơn nữa.

Nguồn: Financial Times, Sportico, Global Data

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới