(KTSG Online) - Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) cảnh báo, doanh số xuất khẩu hàng hóa toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay trong bối cảnh lãi suất cao và bất ổn tài chính gây áp lực lên môi trường kinh doanh vốn đã khó khăn do sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.
- Thương mại toàn cầu vẫn mong manh trong năm 2023
- Kinh tế thế giới bị đe dọa khi thương mại toàn cầu phân mảnh
Vào năm 2022, doanh số xuất khẩu hàng hóa toàn cầu tăng 2,7%, thấp hơn kỳ vọng do cuộc chiến ở Ukraine và lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga làm tổn thương các chuỗi cung ứng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ cú sốc đại dịch Covid-19. Theo dự báo của WTO, trong năm nay, doanh số xuất khẩu toàn cầu thậm chí tăng trưởng chậm hơn nữa, xuống mức 1,7%, tức thấp hơn mức tăng trưởng trung bình là 2,6% trong thập niên qua.
“Tác động dai dẳng của Covid-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng là những yếu tố lớn ảnh hưởng đến thương mại và sản lượng trong năm 2022. Điều này cũng có thể xảy ra vào năm 2023”, Ralph Ossa, nhà kinh tế trưởng của WTO nói.
Theo ông, các đợt tăng chi phí vay mạnh của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong suốt năm 2022 đã bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống ngân hàng, có thể dẫn đến sự bất ổn tài chính rộng lớn hơn nếu không được kiểm soát.
Nhà kinh tế trưởng này kêu gọi các chính phủ và cơ quan quản lý cần cảnh giác với vấn đề này và các rủi ro tài chính khác trong những tháng tới.
Trong khi đó, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, các mối đe dọa đối với triển vọng thương mại toàn cầu gồm chiến tranh ở Ukraine, các căng thẳng địa chính trị khác, lạm phát tăng cao và tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ.
Dự báo, doanh số xuất khẩu hàng hóa cập nhật cho năm 2023 cao hơn mức tăng trưởng 1% mà WTO dự đoán hồi tháng 10, khi hầu hết các nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ giảm mạnh trong năm nay. Triển vọng kinh tế đã cải thiện nhưng thương mại vẫn chưa bắt kịp so với tăng trưởng toàn cầu nói chung.
Bà Okonjo-Iweala cho biết, WTO nâng dự báo tăng trưởng xuất khẩu sau khi chứng kiến các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng giảm bớt trong những tháng gần đây. Quyết định chấm dứt chính sách “zero Covid” của Trung Quốc cũng giúp giải phóng nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén và thúc đẩy tăng thương mại quốc tế.
Mối lo ngại thương mại lương thực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động của cuộc chiến ở Ukraine đã dịu lại sau khi các nước tìm được nguồn thay thế. Ethiopia, nước phụ thuộc vào lúa mì nhập khẩu từ khu vực Biển Đen đã tìm thấy nguồn cung thay thế từ Argentina và Mỹ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người dân đã chuyển sang ăn gạo thay thế cho lúa mì.
Tuy nhiên, WTO vẫn lo ngại cuộc xung đột này, nếu kéo dài, có thể dẫn đến nạn đói ở các nước nghèo. “Chúng tôi sẽ an tâm hơn nếu chiến tranh ở Ukraine kết thúc. Nếu chúng ta bị mất mùa ở một khu vực sản xuất lương thực lớn của giới thì có thể dẫn đến vấn đề về an ninh lương thực”, người đứng đầu WTO Okonjo-Iweala nói.
Bà kêu gọi các nước dỡ bỏ tất cả các hạn chế xuất khẩu đối với lương thực và phân bón. Theo thống kê của WTO, các nước hiện còn áp dụng 67 hạn chế xuất khẩu ở hai lĩnh vực này, giảm từ 100 hạn chế sau khi chiến tranh bùng nổ hồi tháng 2-2022. Các nước đó đã đồng ý miễn trừ các hạn chế cho các giao dịch mua của Chương trình Lương thực thế giới thuộc Liên hợp quốc (WFP).
Theo Okonjo-Iweala, 20% sản lượng ương thực toàn cầu được xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của người dân trên thế giới. Vì vậy, việc duy trì dòng chảy thương mại tự do là điều quan trọng.
Trong khi triển vọng thương mại hàng hóa ảm đạm, lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ hoạt động tốt hơn. Thương mại dịch vụ toàn cầu tăng 15% về giá trị trong năm 2022. Xuất khẩu các dịch vụ kỹ thuật số đạt 3,8 nghìn tỉ đô la, tăng 13% và chiếm 54% thị phần xuất khẩu dịch vụ toàn cầu, theo WTO.
“Dịch vụ phát video, giáo dục trực tuyến đang phát triển với tốc độ ngoạn mục”, Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala nói.
Bà cho biết, 86 nước đang xây dựng một thỏa thuận mới để thống nhất các quy tắc cho thương mại kỹ thuật số, có thể được ký kết trong vòng một năm.
WTO cho biết, du lịch quốc tế đang trên đà phục hồi hoàn toàn khi các hạn chế liên quan đến Covid-19 được dỡ bỏ và bất ổn kinh tế dường như không ảnh hưởng lớn đến nhu cầu du lịch. Cũng theo tổ chức này, việc Trung Quốc tái mở cửa biên giới cũng sẽ thúc đẩy ngành du lịch trong khu vực và toàn cầu.
Theo Financial Times, Reuters