(KTSG Online) - Hội nghị Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lần thứ 13 (MC13) đạt được thỏa thuận tiếp tục miễn thuế thương mại điện tử nhằm vào sản phẩm kỹ thuật số như phần mềm, âm nhạc, phim ảnh... thêm 2 năm.
Gia hạn thỏa thuận miễn thuế hàng hóa kỹ thuật số
Tờ Financial Times đưa tin, đêm 1-3, các đại biểu tham dự MC13 tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đạt được thỏa thuận trên sau khi Ấn Độ và Nam Phi rút lại phản đối qua 5 ngày đàm phán. MC13 đã kéo dài hơn lịch trình chính thức (dự kiến bế mạc hôm 29-2) khi các đại biểu không muốn ra về mà không đạt được kết quả nào.
“Chúng tôi đồng ý duy trì thông lệ hiện tại là không áp thuế quan đối với các giao dịch hàng hóa truyền dẫn điện tử cho đến kỳ họp thứ 14 của Hội nghị Bộ trưởng WTO. Thỏa thuận tạm dừng áp thuế này sẽ hết hạn vào thời điểm đó”, một văn kiện của WTO cho biết.
Thỏa thuận hoãn áp dụng thuế đánh vào các loại hàng hóa được truyền dẫn điện tử (electronic transmission) được WTO gia hạn hai năm mỗi lần kể từ năm 1998.
Việc đạt được thỏa thuận mới nhất tại MC13 là một thắng lợi đối với WTO khi tổ chức này chật vật tìm cách kiểm soát chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng cũng như chính sách trợ cấp của Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khác.
Tuy nhiên, các nước thành viên của WTO đang đứng trước áp lực hoàn tất công việc phân loại giao dịch hàng hóa kỹ thuật số nào sẽ bị đánh thuế trong tương lai.
Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, ông Piyush Goyal lập luận rằng việc gia hạn miễn áp thuế đối với hàng hóa kỹ thuất số có lợi cho các “ông lớn” công nghệ và kìm hãm các đối thủ cạnh tranh ở các nước đang phát triển.
Trao đổi với báo chí, ông cho biết ông đã dừng phản đối thỏa thuận gia hạn theo đề nghị của Bộ trưởng Thương mại UAE, Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, người chủ trì hội nghị MC13.
Nhiều chính phủ cho rằng họ đang bỏ lỡ nguồn thu từ thuế hải quan khi hàng hóa như DVD được thay thế bằng các sản phẩm kỹ thuật số. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), các nước thu nhập thấp sẽ đối mặt với mức sụt giảm lớn hơn trong xuất nhập khẩu hàng hóa kỹ thuật số so với các nước giàu hơn nếu áp dụng thuế.
Các công ty công nghệ khổng lồ như Google và Microsoft kiếm doanh thu hàng trăm tỉ đô la mỗi năm nhờ bán các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số. Vì vậy, nhiều nước muốn một phần từ miếng bánh đó bằng thuế quan.
Nhưng loại thuế như vậy sẽ “gây khó khăn hơn cho các công ty dựa vào dữ liệu và dịch vụ kỹ thuật số”, Naomi Wilson, người đứng đầu chính sách thương mại của Hội đồng Công nghiệp công nghệ thông tin, có trụ sở ở Washington, cảnh báo.
“Thuế hàng hóa kỹ thuật số không chỉ là vấn đề của các “ông lớn” công nghệ hay vấn đề của một nước phát triển. Chính sách thuế như vậy thực sự làm suy yếu toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số”, Wilson nói.
Hiện nay, chỉ có duy nhất Indonesia đã ban hành quy định cho phép áp thuế đối với hàng hóa kỹ thuật số như phần mềm, dữ liệu và truyền thông đa phương tiện được truyền dẫn điện tử.
Indonesia đang áp dụng thuế này ở mức zero. Nhưng Jakarta cho biết, khi ngày càng nhiều hàng nhập khẩu chuyển sang hình thức phân phối kỹ thuật số, chẳng hạn như phim ảnh, trò chơi điện tử và âm nhạc, các nước thu nhập thấp và đang phát triển mất khoảng 56 tỉ đô la Mỹ doanh thu thuế trong giai đoạn 2017-2020.
Indonesia cũng lưu ý thêm, thuế hàng hóa kỹ thuật số sẽ hỗ trợ các nhà phát triển phần mềm và nhà cung cấp nội dung địa phương cạnh tranh tốt hơn với những người khổng lồ công nghệ toàn cầu.
Bế tắc về chính sách trợ cấp đánh bắt cá và nông nghiệp
Cũng tại MC13, các nhà đàm phán từ hơn 160 nước thành viên WTO không đồng ý hạn chế các chính sách trợ cấp ngư nghiệp đang khuyến khích hoạt động đánh bắt cá quá mức. Họ nhất trí đàm phán để giải quyết vấn đề này trong tương lại. Các đảo quốc Thái Bình Dương và các nước ở châu Phi lo ngại các đội tàu đánh bắt cá lớn chiếm lĩnh các ngư trường quốc tế, đe dọa kế sinh nhai của các ngư dân nhỏ lẻ.
Tại các cuộc đàm phán ở MC13, Brazil và Ấn Độ xung đột gay gắt về chính sách nông nghiệp. Brazil phản đối chính sách trợ giá nông sản và hạn chế xuất khẩu bằng cách áp thuế cao của Ấn Độ. Ấn Độ cho rằng nước này cần chính sách trợ giá để mua nông sản dự trữ, giúp giảm biến động giá cả và đảm bảo nguồn cung.
Đại sứ Thái Lan tại WTO, Pimchanok Vonkorpon Pitfield, chỉ trích Ấn Độ vì đã đẩy giá ngũ cốc toàn cầu tăng cao bằng cách mua dự trữ và hạn chế xuất khẩu.
Nhưng bà bị triệu hồi về nước và thay thế bằng người khác khi New Delhi phản đối mạnh mẽ và các quan chức Ấn Độ tẩy chay các phiên họp có sự tham dự của các quan chức Thái Lan.
Hội nghị MC13 cũng nhất trí thúc đẩy đàm phán về cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại ở WTO. Trước đó, Mỹ và Ấn Độ tranh cãi gay gắt về đề xuất cải cách này. Bà Katherine Tai cho rằng cần cải cách Cơ quan phúc thẩm của WTO vì cơ quan này thường diễn giải quá mức các quy định của WTO.
Phía Ấn Độ đe dọa ngăn chặn bất cứ thỏa thuận mới nào của WTO nếu đàm phán cải cách Cơ quan phúc thẩm của WTO vẫn bế tắc. Washington đã cản trở cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc của WTO bằng cách ngăn chặn bất cứ quyết định bổ nhiệm thẩm phán mới nào vào Cơ quan phúc thẩm của WTO, nơi có thẩm quyền phân xử cao nhất trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế. Cơ quan này cần có ít nhất 3 thẩm phán để phân xử các vụ kiện nhưng hiện chỉ có một, sau khi hai thẩm phán hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2019.
Giới quan sát lo ngại, các nỗ lực phục hồi hoạt động của Cơ quan phúc thẩm WTO sẽ sụp đổ, nếu ông Donald Trump, ứng viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa, đắc cử trong cuộc bầu cử tống thống Mỹ vào tháng 11 tới. Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây, ông đã đe dọa rút Mỹ khỏi WTO và phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Theo Financial Times, Reuters