Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

WTO yêu cầu Trung Quốc bỏ hạn chế xuất khẩu đất hiếm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

WTO yêu cầu Trung Quốc bỏ hạn chế xuất khẩu đất hiếm

Phúc Minh

Sản xuất đất hiếm của Trung Quốc chiếm 90% sản lượng toàn cầu. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) - Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 26-3 yêu cầu Trung Quốc bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Đây được xem là thắng lợi lớn của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng để sản xuất điện thoại thông minh, máy ảnh, thép, xe hybrid... Sản xuất đất hiếm của Trung Quốc chiếm 90% sản lượng toàn cầu.

WTO cho biết những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng chính sách kiểm soát xuất khẩu mặt hàng chiến lược này để khuyến khích các nhà sản xuất chuyển nhà máy sang Trung Quốc.

Trung Quốc bắt đầu hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào năm 2009. Năm 2011, giá đất hiếm toàn cầu tăng mạnh. Do thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá một số loại đất hiếm tăng đến 500%.

Năm 2012, Nhật Bản, Mỹ và EU đệ đơn khiếu nại lên WTO. Các nước này cho rằng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm tạo lợi thế không công bằng cho các công ty Trung Quốc.

Để phá vỡ sự kiểm soát của Trung Quốc, một số nhà sản xuất đầu tư vào các mỏ đất hiếm tại Mỹ và Úc.

Năm ngoái, các nhà khoa học Nhật Bản tuyên bố phát hiện trữ lượng lớn đất hiếm tại Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Trung Quốc lập luận sự hạn chế này được lập ra để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Trung Quốc cho biết các biện pháp quản lý của nước này phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa môi trường và con người của WTO.

Tuy nhiên, phán quyết có ý nghĩa rộng lớn hơn. Các chuyên gia của WTO cho biết họ đã tìm cách phối hợp nguồn tài nguyên "chủ quyền vĩnh viễn" của các nước với các nguyên tắc của Liên hiệp quốc và quy tắc thương mại toàn cầu khi xem xét đưa ra phán quyết.

Phán quyết của WTO được các quan chức thương mại Mỹ, Nhật Bản và EU hoan nghênh.

Tuy nhiên, vụ kiện đất hiếm chưa thể kết thúc với phán quyết ngày 26-3. Trung Quốc có thể kháng cáo trong vòng 60 ngày sau phán quyết trên. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết phán quyết của WTO "đáng tiếc" và nói thêm đang đánh giá phán quyết.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới