Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xa dần giấc mơ điện thoại thương hiệu Việt

T.Quang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong 15 năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp trong nước rót vốn cho hoạt động sản xuất điện thoại thông minh (smartphone). Tuy nhiên, do không thể cạnh tranh được với những thương hiệu toàn cầu, nhiều sản phẩm smartphone đóng dấu Made in Vietnam đã không thể tồn tại.

Điện thoại thương hiệu Việt Vsmart thời còn sản xuất tại nhà máy. Ảnh: T.Quang

Lụi tàn một trào lưu

Khác hẳn với thời "trăm hoa đua nở" cách đây hơn 10 nằm, hiện tại, chỉ còn 2 thương hiệu điện thoại Việt Nam là Bphone và Masstel tung ra sản phẩm mới trong năm 2022.

Masstel xuất hiện tại các cửa hàng của Thế Giới Di Động, Viettel Store, FPT Shop, với các mẫu điện thoại "cục gạch" có giá bán dưới 1 triệu đồng và một sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone) duy nhất với giá 1,7 triệu đồng. Còn Bphone chỉ được nhìn thấy tại cửa hàng của nhà phân phối Hoàng Hà Mobile và trên website Bphone.vn.

Thông tin từ CellphoneS cho biết lô hàng điện thoại thương hiệu Việt mà hệ thống phân phối điện thoại này nhập cuối cùng là Vsmart. Hàng được nhập vào cuối năm 2021 và bán trong đầu năm 2022. Sau khi bán hết, hệ thống này không còn bán điện thoại thương hiệu Việt.

Bphone là thương hiệu smartphone được Bkav đầu tư và tham gia thị trường từ năm 2015. Lúc đầu, thương hiệu này nuôi tham vọng sẽ cạnh tranh ở phân khúc cao cấp giá gần 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi đưa sản phẩm ra thị trường được 2 năm và không nhận được phản hồi tích cực, năm 2017, Bphone xoay sang phân khúc tầm trung với mức giá khoảng tầm 10 triệu đồng, sau đó là các sản phẩm trên dưới 5 triệu đồng.

Bkav không tiết lộ đã “đổ” bao tiền vào giấc mơ điện thoại thương hiệu Việt, song các chuyên gia ước tính có thể ở mức ngàn tỉ đồng.

Là một doanh nghiệp công nghệ với khởi điểm chuyên về phần mềm diệt virus và bảo mật, sau đó Bkav mở rộng sang mảng phần mềm chính phủ điện tử, giải pháp nhà thông minh... và đầu tư lớn vào phát triển điện thoại thương hiệu Việt. Một số nguồn tin cho biết, chính vì theo đuổi định hướng này nên hiện tại Bkav đang gặp khó khăn về tài chính. Do đó, chưa biết thương hiệu Bphone sẽ tham gia thị trường smartphone được đến bao giờ. Bởi đây là cuộc chơi đốt tiền và không dễ thành công.

Mặc dù không đương đầu với các thương hiệu nước ngoài ở mảng smartphone, song lời dự báo về số phận của Masstel cũng không mấy tích cực, chưa biết sẽ trụ lại thị trường được đến bao giờ.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, các hãng smartphone Việt hiện chỉ chiếm 0,2% thị phần tại Việt Nam, trong khi vào năm 2019 đã đạt mức 11%.

Những cuộc ra đi trong im ắng

Trên thị trường điện thoại thương hiệu Việt, thương hiệu mới nhất rời khỏi cuộc chơi là Vsmart. Tháng 5-2021 VinSmart thông báo sẽ dừng sản xuất smartphone Vsmart sau 3 năm tham gia thị trường này và lọt top 4 thương hiệu điện thoại có thị phần cao tại Việt Nam (chỉ đứng sau 3 thương hiệu lớn của nước ngoài).

VinSmart cho biết không phát triển smartphone để chuyển sang phát triển các tính năng thông minh trên ô tô và nhà ở. Lãnh đạo tập đoàn VinGroup cho biết không đầu tư phát triển smartphone nữa vì không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, sau khi đầu tư cả ngàn tỉ để sản xuất smartphone, VinGroup thấy không ngon ăn nên quyết định dừng lại, không tham gia “đốt” thêm tiền khi không thấy hiệu quả.

Sự rút lui của VinSmart cho thấy phần nào sự khắc nghiệt của thị trường smartphone nên mới có thể làm chùn chân một doanh nghiệp tư nhân lớn như VinGroup.

Trước VinSmart, một sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt khá có thâm niên cũng đã lặng lẽ rời thị trường. Từ năm 2012, Mobiistar đã tham gia thị trường smartphone sau ba năm sản xuất điện thoại "cục gạch".

Năm 2017, thương hiệu này còn mang điện thoại tham gia triển lãm Gitex Technology Week diễn ra ở Dubai. Năm 2018, Mobiistar công bố đã hợp tác với trang thương mại điện tử của Ấn Độ là Flipkart để bán smartphone vào thị trường đông dân thứ hai thế giới. Nhưng đến giữa năm 2019, Mobiistar thông báo rời khỏi Ấn Độ do đối tác sản xuất duy nhất tại đây là VSun Technologies phá sản. Sau sự cố đó, Mobiistar cũng không tập trung phát triển điện thoại thương hiệu Việt để bán trong và ngoài nước nữa.

Hãng điện máy Asanzo cũng là một trong những doanh nghiệp tham gia sản xuất smartphone giá rẻ vào năm 2017 sau khi đã sản xuất tivi, đồ gia dụng tiệu thụ tốt ở vùng sâu vùng xa. Nhưng thương hiệu này cũng chỉ đưa ra thị trường vài sản phẩm và cũng dừng cuộc chơi.

Thực tế, thị trường điện thoại thương hiệu Việt sôi động nhất vào khoảng năm 2010-2011. Lúc đó, có khi chỉ trong một tháng, đã có thêm ba thương hiệu điện thoại Việt Nam tham gia thị trường là Hanel, Bluefone và Hi-mobile, bên cạnh những thương hiệu đã xuất hiện trước đó như Q-mobile, F-mobile, Viettel, Mobell, P-Phone…

Thời điểm đó, điện thoại mang thương hiệu Việt thu hút người mua do có giá cả hợp lý (từ 500.000 đến 2 triệu đồng một sản phẩm), có thể sử dụng được nhiều thẻ SIM và nhiều mạng viễn thông khác nhau cùng lúc, phù hợp với khách hàng ở vùng sâu vùng xa, tỉnh lẻ và những người có thu nhập thấp.

Q-mobile tham gia thị trường từ giữa năm 2008 và trở thành một trong những thương hiệu khá hút khách sau vài năm. Ngoài Q-mobile, một số thương hiệu khác có sức tiêu thụ khá tốt như F-mobile. Sản phẩm điện thoại F-mobile đã mang về cho FPT hơn 600 tỉ đồng doanh thu trong năm 2010.

Sự thành công của một số thương hiệu điện thoại trong nước thời điểm đó đã lôi kéo khá nhiều doanh nghiệp nhảy vào thị trường này. Đầu năm 2011, tập đoàn công nghệ CMC đã tham gia thị trường điện thoại thương hiệu Việt với sản phẩm Bluefone. Cùng thời điểm đó, tập đoàn công nghệ HiPT đã ra mắt thương hiệu điện thoại Hi-mobile và Công ty Điện tử Hanel cũng tham gia thị trường này...

Lúc đó Viettel cũng tham gia thị trường điện thoại nhưng muốn đáp ứng những nhu cầu cá biệt của khách hàng. Viettel đã thiết kế, chế tạo thành công điện thoại chuyên dụng dành cho ngư dân đánh bắt xa bờ, hoặc cho tàu tuần tra, vận tải. Sản phẩm này không chỉ là điện thoại di động mà còn có chức năng của một chiếc radio, thiết bị xác định tọa độ GPS, có khả năng liên lạc trong cự ly 120 ki lô mét, xa hơn nhiều so với máy di động. Sản phẩm được thiết kế chịu đựng được môi trường nước biển có độ ẩm cao, chịu rung xóc. Sau đó, cuối năm 2012 Viettel cũng trở thành nhà mạng đầu tiên ra smartphone thương hiệu Việt.

Nối gót Viettel, cuối năm 2013, VNPT cũng tham gia thị trường smartphone thương hiệu Việt với thương hiệu Vivas Lotus S1. Sau đó 1 năm VNPT ra mắt Vivas Lotus S2. Nhưng mãi đến năm 2017 nhà mạng này mới ra Vivas Lotus S3 LTE. Nhưng từ đó đến nay VNPT cũng không ra thêm mẫu smartphone nào nữa và cũng không công bố có tiếp tục sản xuất smartphone nữa không.

Thời điểm những năm 2010, đa phần sản phẩm điện thoại di động của doanh nghiệp Việt Nam được thuê Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng đã đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Tham gia thị trường từ giữa năm 2010, sản phẩm điện thoại P-Phone của tập đoàn Thuận Phát là thương hiệu điện thoại Việt Nam hiếm hoi được sản xuất trong nước vào thời điểm đó. Thuận Phát đã đầu tư 70 triệu đô la Mỹ xây nhà máy sản xuất điện thoại tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, với sản lượng 3 triệu máy/năm.

Khi đó, Thuận Phát cũng cho biết tham vọng không chỉ nhắm vào thị trường Việt Nam, mà còn mong muốn sẽ đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Còn lãnh đạo CMC thì lạc quan rằng điện thoại của tập đoàn này sẽ vào Top 3 sau một thời gian tham gia thị trường. Cũng chung khát vọng đó, lãnh đạo Q-moblie đặt mục tiêu dẫn đầu về số lượng điện thoại tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước.

Thế nhưng, giấc mơ bao giờ cũng đẹp hơn hiện thực. Sự rời đi trong im ắng của hàng chục thương hiệu điện thoại nội địa đủ thấy sự khốc liệt của thị trường này.

Website bán hàng của smartphone Việt còn lại trên thị trường. Ảnh: T.Quang

Cuộc đua về yếu tố bền vững

Ở giai đoạn đầu, khi các doanh nghiệp trong nước bắt đầu sản xuất điện thoại, họ chủ yếu đi theo hướng thiết kế mẫu và thuê nhà gia công sản xuất của Trung Quốc. Hình thức này giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, nhưng lại bị hạn chế về sự chủ động.

Sau này các công ty đã hình thành nhà máy sản xuất tại Việt Nam, nhưng giới phân tích cho rằng với quy mô sản xuất nhỏ, các thương hiệu Việt Nam không thể được ưu tiên từ nhà phân phối linh kiện, so với các tập đoàn toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu về linh kiện điện - điện tử gặp khó khăn, kéo theo cơn khủng hoảng chip. Khi linh kiện khan hiếm, các hãng sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam không được ưu tiên cung ứng như các hãng lớn. Các dây chuyền sản xuất trong nước phải ngừng lại, và dần dần các thương hiệu rời thị trường vì không còn đủ năng lực cạnh tranh.

Về thị trường, theo ghi nhận của các nhà phân phối, người tiêu dùng trong nước đang chuyển dần từ smartphone giá rẻ lên phân khúc tầm trung. Các sản phẩm có giá dưới 3,5 triệu đồng chiếm dưới 20% thị phần. Ở phân khúc tầm trung, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn sản phẩm từ các thương hiệu Samsung, Xiaomi, Oppo, Realme...

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng thích mua điện thoại thương hiệu nước ngoài hơn là thương hiệu địa phương nếu chúng có mức giá tương tự. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến điện thoại thương hiệu Việt đã không thể trụ được và buộc phải chọn phương án rút lui hoặc rút vào thị trường ngách.

Theo các chuyên gia, để tiếp tục tồn tại, các thương hiệu trong nước cần giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất linh kiện nước ngoài mới có thể cung cấp sản phẩm với giá cạnh tranh. Và điều này là một thách thức lớn, cần thời gian dài đi kèm với những chiến lược bài bản.

6 BÌNH LUẬN

  1. Không nên đầu tư vào sản xuất smartphone/ pc/ laptop/ tablet.. nữa. Đó là bài toán không còn hiệu quả. Hãy nên đầu tư vào những gì mà khách hàng sẽ phải/ sẽ thích sử dụng trên thiết bị thông minh. Đó mới là chiến lược thành công lâu dài.

  2. 1 – Phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, họ thích thì bán, ko thích họ cắt. Chưa nói họ chèn ép để bỏ cuộc, hoặc ko đc nhận link kiện.
    2- Tài chính yếu, các cty ko biết liên kết chia sẽ thị trường, lợi nhuận. Và để có mức giá hấp dẫn, nhà cung cấp tôn trọng phải có đơn hàng lớn, cần liên kết. Nhưng họ đã ko, vậy nên phân tán sức mạnh, dậm chân nhau thậm chí và dìu nhau xuống bùn.
    3- Chậm đổi mới, cải tiến và theo thị hiếu , đột phá công nghệ ko có vì R&D các cty VN quá tệ. marketing cũng ko tốt

  3. Nên có một ứng dụng quốc dân mà các hãng khác không có. Vd, quét kiểm tra thuốc trừ sâu trên rau , củ, quả… và chất cấm trong chăn nuôi trên thịt cá ngoài chợ. Có phần mềm này, chắc mỗi nhà sẽ mua một chiếc điện thoại Việt cho mà xem.

  4. Người việt không tự gia công.chế tạo và nghiên cứu .và cả tài chính nữa phụ thuộc gần như hoàn toàn yếu tố nước ngoài thì chắc chắn ko bao giờ thành công lý do mọi người đã bình luận.chỉ muốn thu hồi vốn nhanh chỉ mở quán ăn.và rất nhiều quán ăn đã mọc lên như nấm …🤣

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới