Xã hội hóa hạ tầng: khó cho đường thủy và chống ngập
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Khi vốn ngân sách nhà nước không đủ cho việc xây dựng hạ tầng thì việc xã hội hóa (tư nhân bỏ tiền đầu tư) các dự án như vậy là cần thiết. Thế nhưng, không phải lĩnh vực nào cũng thu hút được tư nhân tham gia. Đối với hạ tầng, hiện mới chỉ có đường bộ là có nhiều nhà đầu tư tham gia, còn các lĩnh vực đường thủy, chống ngập chỉ lèo tèo vài doanh nghiệp tham gia.
Một dự án chống ngập tại TPHCM đang thi công - Ảnh Lê Anh |
Dù mới chỉ bắt đầu mùa mưa nhưng nhiều tuyến đường tại TPHCM tiếp tục ngập sâu. Ngày 9-6, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM công bố thành phố còn 22 tuyến đường xảy ra ngập nặng.
Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết năm năm qua, TPHCM đã chi hơn 25.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án chống ngập (bao gồm cả vốn đầu tư công và nguồn vốn xã hội hóa).
Tại TPHCM, những dự án chống ngập được xã hội hóa chủ yếu thực hiện theo hình thức hợp đồng (BT - đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên, đến nay quỹ đất dành cho các dự án BT không còn nhiều, cộng với những sự bất cập trong khâu thanh toán nên hình thức này khó thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới.
Một hình thức đầu tư khác là BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) xem ra rất khó áp dụng đối với các dự án chống ngập. Bởi vì việc thu phí trực tiếp rất khó khăn và khó đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng và rất dễ vấp phải phản ứng của xã hội. Mới đây, TPHCM đã đưa ra đơn giá để làm cơ sở thu hút tư nhân tham gia làm dự án chống ngập với mức thu phí dự kiến là 3.668 đồng/m2/tháng.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết hiện nay, việc xã hội hóa chống ngập trên địa bàn TPHCM thực hiện theo hướng cổ phần hóa các công ty công ích quận, huyện. Sau đó, thành phố sẽ đấu thầu việc duy tu, nạo vét cống thoát nước, dựa vào đơn giá đã ban hành, thành phố sẽ dùng ngân sách để trả phí cho đơn vị duy tu cống thoát nước chứ không phải người dân chi trả.
Gặp khó khăn tương tự là việc đầu tư các dự án BOT đường thủy. Trong danh mục mời gọi đầu tư các dự án BOT đường thủy của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) từ năm 2015 đến 2020, hiện nay chỉ có duy nhất dự án nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Bình Dương) là được làm theo hình thức BOT.
Nếu như ở đường bộ các doanh nghiệp được lập trạm để thu phí thì ở đường thủy, việc làm trạm chặn dòng để thu phí là không khả thi. Hơn nữa, đường thủy chủ yếu do tự nhiên tạo ra, việc nạo vét khơi thông dòng chảy rồi thu phí nhiều năm được cho là không hợp lý. Chính vì vậy, các dự án BOT đường thủy không thu hút được tư nhân tham gia dù cơ quan nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi khi đầu tư vào đường thủy.
Trong xã hội hóa hạ tầng hiện nay, duy nhất chỉ có BOT đường bộ là thu hút được tư nhân tham gia. Đơn giản bởi đường bộ dễ lập trạm thu phí, lượng xe lớn nên nhanh hoàn vốn hơn. Tuy nhiên, hiện nay do đầu tư ồ ạt BOT đường bộ nên trạm thu phí đặt không đúng khoảng cách quy định gây bức xúc cho người dân.
Trước những bất cập do đầu tư BOT, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21-10-2017 yêu cầu chỉ được đầu tư BOT trên tuyến đường mới, chứ không được làm trên đường cũ rồi thu phí. Vì thế, nhiều dự án BOT bị tắc lại và phải chuyển sang đầu tư công.
Bộ GTVT sau khi tổng hợp số liệu thống kê từ các doanh nghiệp BOT, cho thấy tính đến đầu tháng 5-2020, có 58/60 dự án BOT đang thu phí doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính ban đầu, trong đó có 17 dự án doanh thu chưa đạt 50% so với dự báo.
Xem ra, giờ đây hình thức BOT đường bộ cũng không còn hấp dẫn như trước, tình hình đầu tư hạ tầng ngày càng khó hơn.
Mời xem thêm: