Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xây đắp niềm tin cho dân vùng lũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xây đắp niềm tin cho dân vùng lũ

Mỹ Huyền

Xây đắp niềm tin cho dân vùng lũ
 
 

(TBKTSG Online) – Trong những ngày mưa lũ kéo dài vào tháng 10 vừa qua, khi hầu hết các ngôi nhà tại nhiều vùng của Quảng Bình, Quảng Trị đều ngập trong nước lũ thì những ngôi nhà phao ở rốn lũ Tân Hóa (Quảng Bình) trở thành nơi trú ẩn an toàn. Những ngôi nhà phao thuộc dự án Nhà chống lũ này, tuy bé nhỏ nhưng đã trở thành một điểm tựa vững chắc cho người dân trong mưa lũ.

"Những ngôi nhà chống lũ đã phát huy tác dụng", đó là chia sẻ của Jang Kều, tên thường gọi của chị Phạm Thị Hương Giang – sáng lập viên của chương trình Nhà chống lũ – khi bão lũ diễn ra nặng nề ở Quảng Bình. Nhà chống lũ là một dự án xây dựng nhà an toàn cho người dân vùng lũ được khởi xướng từ năm 2013.

Tại buổi chia sẻ diễn ra vào ngày 21-10 tại TPHCM do Nhà chống lũ phối hợp với Quỹ Sống (đơn vị chủ quản của Nhà chống lũ) tổ chức, kiến trúc sư Đinh Bá Vinh – người phụ trách mô hình thiết kế Nhà chống lũ hiện đang ở Quảng Bình – chia sẻ rằng khi các đợt mưa lũ đang diễn ra thì dự án vẫn liên lạc thường xuyên với người dân để nắm được tình hình.

"Tại Quảng Bình, mức lũ năm nay vượt mức lũ lịch sử năm 1999 gần 1m. Tại các địa bàn mà Nhà chống lũ có hỗ trợ người dân xây dựng công trình Nhà chống lũ như Liên Trạch, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, Tân Hóa, Minh Hóa, các mô hình nhà chống lũ đã giúp người dân chủ động ứng phó với thiên tai.

Tài sản và con người vẫn an toàn. Tuy nhiên, lũ ngâm hơi lâu nên cần tiếp ứng thêm nhu yếu phẩm từ chính quyền", anh Đinh Bá Vinh cập nhật.

Ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có khoảng 500 hộ dân có nhà chống lũ, trong đó có mô hình nhà phao biệt lập với 99 căn do Nhà chống lũ trực tiếp hỗ trợ xây dựng. Người dân vẫn sống trong những căn nhà, mùa lũ thì có thể chất đồ đạc, nhu yếu phẩm và trú ẩn trong căn nhà phao.

"Nhiều nhà phao chống lũ ở đây do người dân tự làm đã bị trôi. Chúng tôi đang vận động đóng góp của cộng đồng để có thể tặng khoảng hơn 400 bộ neo cho các nhà phao tự làm của người dân, để các nhà phao này an toàn trong mưa lũ", chị Hương Giang cho biết.

Tính đến hết năm 2020, Nhà chống lũ đã hỗ trợ thành công 795 hộ gia đình tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Bình, Khánh Hoà, Bến Tre, Sóc Trăng, và Hậu Giang trong việc xây dựng và cải tạo nhà an toàn.

Cùng với đó, dự án đã hỗ trợ 122 hộ gia đình tại Nam Trà My và Bắc Trà My, Quảng Nam trong khuôn khổ dự án “Làng Hạnh Phúc” trong quy hoạch, xây dựng nhà ở và hạ tầng an toàn.

"Chúng tôi không mong muốn có nhiều tiền, mà mong muốn có nhiều người cùng tham gia. Nhà chống lũ sẽ giúp mô hình, kỹ thuật, dự toán… để có nhiều bên cùng tham gia, triển khai các công trình nhà chống lũ cho người dân", chị Hương Giang chia sẻ.

Mong muốn của Nhà chống lũ là trong thời gian sắp tới, chính quyền các địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận, các chuyên gia, các cá nhân quan tâm có thể tham khảo, áp dụng và nhân rộng các mô hình nhà an toàn tương thích với từng loại hình thiên tai.

 

Trong cao điểm của những ngày mưa lũ trung tuần tháng 10, khi nhiều gia đình đã phải sơ tán thì ngôi nhà của gia đình anh Đinh Xuân Huệ và chị Trương Thị Thanh ở thôn Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình vẫn an toàn. Anh Huệ chị Thanh còn đón thêm 2 hộ dân khác vào ở nhờ trong 10 ngày lũ dâng cao. Căn nhà này đã được chương trình Nhà chống lũ hỗ trợ xây dựng từ năm 2018.

Chị Hương Giang, Chủ tịch kiêm Trưởng ban sáng lập Quỹ Sống, đơn vị chủ quản của dự án Nhà chống lũ, kể rằng trong giai đoạn từ năm 2013-2020, khoảng 4.000 người dân được Nhà chống lũ hỗ trợ hiện đang sống an toàn trong thiên tai. Dự án đã xây dựng hơn 795 căn nhà an toàn tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hoà, Bến Tre, Sóc Trăng, và Hậu Giang…

Liên tục trong tháng 10 và tháng 11 là khoảng thời gian mà chị Hương Giang và các cộng sự bận bịu trong các chuyến công tác, cứ ở đâu có lũ là nhóm đến để cứu trợ và hỗ trợ. Đây cũng là khoảng thời gian mà tài khoản quỹ "Hướng về miền Trung" của Quỹ Sống có lượng giao dịch tăng đột biến vì nhận được sự đóng góp tài chính của cộng đồng để hỗ trợ người dân vùng lũ.

“Tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh cụ già chống cuốc đứng thất thần, vô cảm nhìn mọi thứ chung quanh tang thương do lũ gây ra ở Đại Lộc, Quảng Nam cách đây hơn 10 năm. Ánh mắt bất lực nhìn mọi thứ bị lũ cuốn đi luôn hiển hiện trong tâm trí của tôi”, chị kể lại.

Từ đó, Hương Giang nung nấu ý định xây dựng một mô hình nhà có thể chống chọi với lũ, bảo đảm an toàn cho người dân. Nhưng mãi đến năm 2013, chị mới xem được bức ảnh trên mạng xã hội, đó là ảnh một ngôi nhà gỗ trăm tuổi được đặt trên sáu cọc bê-tông, vẫn vững chãi giữa biển nước. Đó là công trình của GS. Tống Trần Tùng, chuyên gia về vật liệu nhẹ dành tặng người hàng xóm ở Hương Sơn, Hà Tĩnh.

“Tôi ngạc nhiên hỏi người bạn đăng tấm ảnh và vô cùng sung sướng khi phát hiện ra ngôi nhà gỗ gần 100 năm này đã sống bình yên trong lũ bão được hơn 10 năm. Và chi phí làm khung nhà có sáu cột bê-tông, một cầu thang bê-tông chỉ khoảng 11 triệu đồng lúc bấy giờ. Tôi reo lên và nghĩ rằng, đây chính là nền tảng  của sự chung tay trong cộng đồng đóng góp hỗ trợ tối thiểu cho một ngôi nhà an toàn, còn các gia đình nghèo phải nỗ lực làm được phần nhà tầng hai hoặc thậm chí chỉ đưa căn nhà gỗ của mình lên trên".

Ngay ngày hôm sau, Hương Giang chia sẻ ý tưởng và mô hình hợp tác cộng đồng để xây nhà chống lũ với những người bạn. Đúng một tuần sau, chị cùng bạn mình là nhà báo Mỹ Linh, VTV3 và 3 người bạn khác đã tổ chức chương trình gây quỹ đầu tiên. Với hơn 200 triệu đồng ban đầu gây quỹ được, họ đã đi xây dựng 5 căn nhà đầu tiên ở xã Sơn Thịnh, Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Và thế là, dự án Nhà chống lũ ra đời. Ngày 6-12-2013, 5 căn nhà đầu tiên với kết cấu 2 tầng đã được khởi công xây dựng tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh dựa trên nguyên tắc nhà có kết cấu nhẹ như căn nhà do GS. Tống Trần Tùng thiết kế.

Hiện tại, dựa trên kinh nghiệm được tích lũy dần dần theo thời gian, các kiến trúc sư trong dự án Nhà chống lũ đã hoàn thiện các mô hình nhà chống lũ so với mô hình ban đầu. Chín mô hình nhà ứng phó với lũ lụt đã được áp dụng vào thực tế tại các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Sóc Trăng và Hậu Giang; được thiết kế với kết cấu vững chãi, phù hợp với địa hình và các loại hình thiên tai khác nhau, đảm bảo tính an toàn với mức chi phí tiết kiệm.

Hai mô hình được đặc biệt quan tâm hiện nay là mô hình nhà phao và nhà gác xép phù hợp với khu vực miền Trung đang hứng chịu thiên tai nặng nề.

Mô hình nhà phao biệt lập và nhà phao gắn với nhà xây được dự án Nhà chống lũ áp dụng tại khu vực Tân Hóa (Quảng Bình) và một số khu vực của Hà Tĩnh vì hai địa phương này có mức lũ cao với biên độ dao động lớn từ 4-14m và nước lũ ngâm lâu từ 3-10 ngày và không có dòng chảy xiết. Khi lũ đến, người dân có thể chất hết đồ đạc cùng lương thực và đồ dùng thiết yếu và lên nhà phao trú ẩn chờ cơn bão đi qua.

Nhà phao, còn gọi là nhà bè được thiết kế là khung nhà bằng thép để giảm trọng lượng khung nhà, sàn lát ván gỗ, vách thưng ván gỗ hoặc tôn kẽm, mái 4 dốc lợp tôn kẽm. Đặc biệt, mô hình nhà có hành lang ngoài để nâng cao tính cân bằng chống dao động và sử dụng cửa ray trượt để dễ sử dụng khi gió lùa mạnh. Dưới gầm sàn nhà được bố trí các thùng phuy sắt làm hệ phao nổi giúp nâng toàn bộ nhà, người và tài sản bên trong nổi lên, hạ xuống theo mức nước lũ và được neo giữ bằng hệ cọc trượt hoặc dây neo.

Khu vực  Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Khánh Hòa có mô hình nhà ba gian có gác xép và nhà ống có gác xép phù hợp với các khu vực lũ ngâm tại miền núi và trung du. Gác xép sẽ là nơi người dân trú và bảo quản tài sản khi có bão, lũ dâng cao. Các mô hình an toàn khác như nhà kê nền thấp, nhà kê nền cao, nhà kê nền linh hoạt, nhà hai gác và nhà phao… được thiết kế có khả năng thích ứng với các loại hình thiên tai của từng khu vực ở Việt Nam.

Các mô hình thích ứng với các kiểu hình thiên tai, đặc biệt là các kiểu lũ như lũ bùn, lũ ống, lũ quét và lũ sông… đều được đăng tải tại “Sổ tay nhà an toàn” trên trang song.org.vn. Qua tài liệu này, Nhà chống lũ và các "đầu não" như kiến trúc sư trưởng Đinh Bá Vinh, kiến trúc sư Nguyễn Duy Tùng, kiến trúc sư Bùi Hải Đăng mong muốn chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận, các chuyên gia, các cá nhân quan tâm có thể tham khảo, áp dụng và nhân rộng các mô hình.

Một trong những điều khác biệt của Nhà chống lũ so với các dự án cộng đồng khác là ban quản trị dự án tuân thủ theo phương châm cùng chung tay với người dân xây nhà, chứ không cho không nhà. Điều này đồng nghĩa với việc, người dân sẽ đóng góp ít nhất 50% số vốn đối ứng. Người chủ căn nhà sẽ phải nghĩ cách xoay xở, lo tài chính tham gia từ quá trình thiết kế cho đến lên kế hoạch mua sắm nguyên vật liệu và thuê thợ thi công. Như thế, các chủ nhân này tự tin chủ động tự xây ngôi nhà và thay đổi cuộc đời của mình. Đó chính là mục đích quan trọng nhất, quan trọng hơn chính ngôi nhà, chị Hương Giang chia sẻ.

Người phụ nữ có biệt danh là Jang Kều này đã kể lại rằng khi bắt tay làm kế hoạch dự án nhà chống lũ, chị đã lựa chọn phương thức khó khăn thay vì dễ dàng; đó là mở ra cánh cửa và khơi dậy niềm tin của những người bị khốn khó trong vùng lũ để xây dựng lại cuộc sống mới. "Điều mà người dân ở vùng thiên tai đang thiếu nhất có lẽ là niềm tin. Chỉ khi họ thực sự tin tưởng, mong muốn thay đổi cuộc đời, chúng ta mới có thể giúp đỡ được họ. Nhiều người dân nghèo ở nông thôn không dám mơ ước cho ngày mai".

Nếu hỗ trợ không đúng cách, sẽ khiến người dân cần hỗ trợ thêm thụ động, tự ti, thậm chí ích kỷ. Có những sự giúp đỡ thiếu khoa học, không tính đến nhu cầu, khả năng tài chính của người dân, yếu tố văn hóa cộng với chủ nghĩa bình quân… dẫn tới tình trạng người thụ hưởng không có niềm tin, không cần suy nghĩ và nỗ lực nữa. Có những gia đình nhận cứu trợ đến hàng trăng triệu đồng nhưng chỉ để mua ruộng, trâu, bò và sau đó là… mua rượu để uống trong khi ngôi nhà đang ở đang rơi vào tình trạng nguy hiểm, đe dọa tính mạng và tài sản của họ. Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng nếu xây nhà, năm sau họ không được nhận tiền hỗ trợ nữa, chị Hương Giang kể.

Một hộ gia đình vui mừng trong ngày nhận nhà mới.

Chọn hướng đi đầy thách thức, nên điều đầu tiên dự án Nhà chống lũ phải làm là tìm hiểu hoàn cảnh từng hộ và thuyết phục họ tin tưởng vào dự án. Có niềm tin rồi, một cộng đồng rất nhỏ cũng có thể lan tỏa niềm tin đến cộng đồng mấy ngàn người. Như khi làm nhà phao ở Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình, dự án chỉ hỗ trợ làm chưa tới 100 ngôi nhà, người dân đã tự giúp nhau làm thêm 300 nhà nữa.

Chương trình Nhà chống lũ không chỉ giúp người dân bản địa xây nhà, mà còn hỗ trợ họ thay đổi nhận thức. Khi có được căn nhà an toàn, họ mới thực sự vững vàng ước mơ cho tương lai, chứ không chỉ chờ đợi cứu trợ hàng năm. Hầu hết các hộ dân được Nhà chống lũ hỗ trợ đều an toàn và có thể chủ động chuẩn bị trước tình hình. Khi nghe tin bão, người dân thường sẽ mua lương thực dự trữ, chuyển đồ đạc quan trọng và gia súc, gia cầm đến gác tránh lũ (nếu là nhà kê nền, nhà gác), sửa chữa gia cố nhà phao. Vì vậy, thiệt hại về người và của được hạn chế tối đa.

Chị Hương Giang chia sẻ về định hướng hoạt động cộng đồng của mình và Quỹ Sống là "chung tay”, tức là kết hợp sức mạnh của dự án (cộng đồng) và người dân hưởng lợi. Định hướng này đến từ tình yêu thương của chị dành cho con mình.

 

 

Chị biết con trai mình bị tự kỷ khi bé được 2 tuổi, lúc con 5 tuổi là thời điểm rất căng thẳng khị chị làm mọi thứ để mang đến cho con điều tốt đẹp nhất nhưng bé vẫn bị mất tập trung. Cho tới một ngày chị lần đầu tiên nhận thấy con vô cùng hạnh phúc khi nhặt nắng với một nụ cười trong veo.  Chị chợt nhận ra, con đang rất hạnh phúc theo cách của mình. Bình thường con hay xoay bút, mở cửa đi mở cửa lại hay nhìn lên quạt trần một lúc lâu… thì chị thường hay ngăn cản mà hướng bé vào hoạt động khác.

“Hóa ra bấy lâu nay tôi đã rất sai khi ngăn cản con làm điều con yêu thích, vì tôi cho rằng các hành động này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con mình. Thực sự là không ai cảm nhận hạnh phúc của bản thân mình thay mình được. Nghiệm ra điều đó, tôi quyết định bản thân sẽ làm công việc thích nhất, hạnh phúc nhất là cống hiến cho cộng đồng. Khi mình hạnh phúc thì con mình cũng sẽ hạnh phúc và mình mới có thể giúp đỡ những người xung quanh".

Và cuối năm 2013, khi đã suy nghĩ rất nhiều từ khoảnh khắc nhặt nắng đó, chị quyết định quay trở lại đam mê lớn nhất của mình là phát triển cộng đồng theo phương pháp và cách thức mà mình cảm thấy có hiệu quả hơn bằng khả năng sáng tạo và những kinh nghiệm quản lý mà chị đã tích luỹ được.

Khi khởi động Nhà chống lũ, dự án chỉ có mấy bức tranh của hoạ sĩ Tạ Thị Thanh Tâm và một vài món đồ bạn bè mang đến đóng góp để gây quỹ. Sau đó chị mang áo dài, tượng mà mình đã đấu giá được từ một số các chương trình từ thiện khác để đi đấu giá mang thêm về cho quỹ. Hiện nay, Nhà chống lũ gây quỹ theo hình thức crowdfunding (gây quỹ từ cộng đồng) và gây quỹ trực tiếp từ các chương trình gây quỹ thường niên.

Ban đầu, nguồn thu chính đến từ cácsự kiện gây quỹ (90%), nhưng sau này khi dự án hoạt động có hiệu quả, được cộng đồng ghi nhận thì con số từ crowdfunding đã tăng lên đáng kể. Ngoài ra, một nguồn gây quỹ ngày càng lớn đến từ việc Quỹ Sống hợp tác phát triển các chương trình CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp).

Trải qua 7 năm với Nhà chống lũ, chị Hương Giang cho rằng nguồn lực lớn nhất mà Quỹ Sống có được đến từ chính cộng đồng, đến từ sự kỳ diệu của niềm tin và sự nỗ lực của người được thụ hưởng. Người dân phải đóng góp ít nhất 50% tổng chi phí xây nhà, góp sức từ quá trình thiết kế đến xây dựng và giám sát việc thi công ngôi nhà của mình.

Ngoài ra, không thể không kể đến một nguồn “vốn” lớn lao nữa mà Quỹ Sống có được vừa vô tận, vừa miễn phí. Đó chính là sự đóng góp đáng quý bằng trí tuệ và công sức của các chuyên gia, các kiến trúc sư, các kỹ sư xây dựng… đang thầm lặng dành cho dự án. Tại các địa phương triển khai chương trình, Nhà chống lũ đều được sự hỗ trợ sát sao của chính quyền địa phương. Cụ thể, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình khảo sát, triển khai các chương trình vay vốn chính sách, hỗ trợ giám sát, đốc thúc bà con trong quá trình triển khai dự án.

Hiện tại, Quỹ Sống đang theo đuổi 3 mục tiêu là cộng đồng bBền vững (thông qua chương trình Nhà chống lũ), môi trường bền vững (thông qua chương trình Hạnh phúc xanh) và con người bền vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới