Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xây dựng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xây dựng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia

Tư Hoàng

Xây dựng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia
Các chỉ số năng lực cạnh tranh sẽ được dựa theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Ảnh TL SGT Online.

(TBKTSG Online) – Một bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo.

Sáng kiến này được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đề nghị.

Theo bản dự thảo do ông Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương xây dựng cho biết, các chỉ số năng lực cạnh tranh sẽ được dựa theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), tổ chức vẫn xếp hạng năng lực cạnh tranh các quốc gia hàng năm.

Một số tiêu chí cụ thể liên quan đến thể chế công như quyền tài sản, tham nhũng, hiệu quả chính phủ,… Cùng với đó là các báo cáo chuyên sâu về 6 lĩnh vực bao gồm đào tạo và giáo dục bậc cao, hiệu quả thị trường hàng hóa, hiệu quả thị trường lao động, sự phát triển của các thị trường tài chính, mức độ sẵn sàng về công nghệ, và quy mô thị trường.

Ông Cung giải thích, báo cáo chuyên sâu về năng lực cạnh tranh là sự kết hợp giữa phân tích thực trạng với các khuyến nghị hành động cụ thể, có thứ tự ưu tiên và có thể thực hiện được hàng năm.

Ông cho biết thêm, là muốn cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam thì phải xác định được những điểm yếu, và cách thức khắc phục các điểm yếu đó.

Tuy nhiên, người được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao lại đơn đặt hàng của Phó thủ tướng có vẻ do dự: “Qua khảo sát, tôi chưa từng thấy quốc gia nào có bộ chỉ số riêng cho mình để nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Ông cũng than rằng, xây dựng được bộ chỉ số này là việc khó.

Góp ý với với ban soạn thảo bộ chỉ số tại một hội nghị tổ chức chiều ngày 4-9, các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam lại tỏ ra nghi ngờ.

Ông Nguyễn Quang Thái, nguyên Viện phó Viện Chiến lược phát triển cho rằng, trước tiên cần phải tiến hành khảo sát các ngành cụ thể thì mới có số liệu tốt để đo năng lực cạnh tranh của ngành đó.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại e ngại về tính hiệu quả của một báo cáo như thế này. “Việt Nam chúng ta thiếu gì báo cáo (về năng lực cạnh tranh), nay thêm báo cáo này thì có giúp thay đổi chính sách không?”, ông đặt câu hỏi.

Ông nhắc lại những khuyến nghị của giáo sư người Mỹ Michael Porter khi được Chính phủ Việt Nam đặt hàng về một báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2010, và tỏ ý tiếc rằng, nhiều khuyến nghị của vị chuyên gia hàng đầu thế giới đã bị phớt lờ.

“Ông ấy đã đưa ra nhiều khuyến nghị thẳng thắn, và được báo chí đưa tin ồ ạt. Nhưng tiếc là các chính sách đưa ra sau đó lại theo hướng hoàn toàn khác, làm Việt Nam liên tục tụt hạng về năng lực cạnh tranh”, ông nói.

Ông Doanh dẫn chứng, giáo sư Porter từng cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ kinh tế khi thấy các dự án xây dựng, bất động sản mọc lên khắp nơi vào năm 2010, song tín dụng và bất động sản vẫn chảy ào ạt vào thị trường này.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra nuối tiếc: “Giá như ngày đó ta tiếp thu một vài điểm thì nền kinh tế có lẽ sẽ không khó khăn như hiện nay”.

Bà Lan nói, bà hy vọng bộ chỉ số này cần được hoàn thiện sớm để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, vốn đã bị tổn thương trầm trọng trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, bà cho rằng, Phó thủ tướng, Chủ tịch hội đồng – đơn vị đặt hàng báo cáo – cũng cần sát sao hơn với nhiệm vụ này vì hiện nay ông đang rất bận, và là chủ tịch của rất nhiều hội đồng cấp quốc gia.

Theo báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2013-2014 được WEF công bố hôm 4-9, Việt Nam xếp thứ 70, tăng 5 bậc so với năm ngoái.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới