Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xây dựng con người có văn hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xây dựng con người có văn hóa

Trịnh Minh Giang

(TBKTSG) – TPHCM đang xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Sống văn minh thì không thể không có văn hóa. Môi trường xã hội nào cũng cần có văn hóa nhưng môi trường đô thị thì tính văn hóa càng đòi hỏi nhiều hơn.

Bởi vì, bất kỳ một hành vi thiếu văn hóa nào cũng có ảnh hưởng xấu đến nhiều người khác. Chẳng hạn, ở nông thôn, việc bỏ rác hay phóng uế bừa bãi của một vài người có ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường và những người khác, nhưng ở đô thị thì đó trở thành vấn đề lớn.

Trên thực tế, người dân TPHCM nói riêng và người Việt Nam nói chung còn nhiều biểu hiện chưa có văn hóa, văn minh. Việc lưu thông trên đường, xả rác, phóng uế… có thể dễ thấy nhưng những hành vi khác thường không “bị” xem là biểu hiện đáng lên án, như chen lấn nhau ở nơi công cộng, không giúp đỡ, nhường nhịn người già, trẻ em, phụ nữ, ăn mặc không lịch sự, nói năng thô tục… Những hành vi này không chỉ tạo ra một cái nhìn xấu đối với bản thân người có biểu hiện thiếu văn hóa mà còn tạo ra hình ảnh không đẹp cho môi trường đô thị và ít nhiều tác động xấu đến từng cá nhân trong cộng đồng.

Khẩu hiệu một thời được đề cao (và bây giờ cũng vậy) của xã hội ta là “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” dường như chỉ đúng được một nửa. Ai đó vì mình thì được, còn mình chẳng bận tâm chuyện của người khác, dù nó có “chướng tai gai mắt” thế nào. Đó là kiểu “ai cũng oán đêm đen nhưng chẳng ai chịu góp một que diêm”. Như vậy thì còn đâu tính cố kết cộng đồng, còn đâu “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “môi hở răng lạnh”…?

Ở xã hội nào và trong bất cứ thời đại nào, mỗi một cá nhân dù có quyền tự do đến đâu cũng không thể tự tách mình ra khỏi xã hội, cộng đồng. Do đó, trong mối quan hệ giữa người với người, yêu cầu quan trọng nhất để mỗi cá nhân tồn tại được là phải có sự ràng buộc với người khác. Để mối ràng buộc được bền chặt, gắn bó thì mỗi người phải tôn trọng người khác, biết nghĩ đến quyền lợi chính đáng của người khác (để được tôn trọng lại). Đó chính là tính văn hóa, nhân văn của từng cá nhân và của cả xã hội.

Để góp phần vun đắp tính “vì mọi người” trong từng cá nhân, cần có nhiều biện pháp giáo dục truyền thống. Bởi vì trong văn hóa truyền thống, người Việt Nam luôn thể hiện tính cố kết cộng đồng bền chặt, từ trong chiến tranh vệ quốc cho đến sản xuất kinh doanh thời bình. Việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa phương Tây là cần thiết nhưng nếu quá đề cao vai trò cá nhân mà không đặt trong sự hài hòa với quan hệ cộng đồng thì không chỉ đi ngược lại bản sắc văn hóa truyền thống mà còn góp phần tạo ra những cá nhân vị kỷ. Một xã hội với những con người như vậy chắc chắn không phải là xã hội của dân tộc Việt Nam!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới