Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xây dựng Hòa Bình: Bước sang trang mới!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xây dựng Hòa Bình: Bước sang trang mới!

Thanh Phương thực hiện

(TBKTSG) – LTS: Đầu năm 2021 tới đây, TBKTSG tròn 30 năm kể từ khi thành lập (4-1-1991 – 4-1-2021). Suốt gần 30 năm qua nhóm TBKTSG luôn kiên trì với tôn chỉ mục đích được xác lập từ ngày đầu thành lập, đó là Ủng hộ và đóng góp vào tiến trình đổi mới của đất nước; Ủng hộ vô điều kiện các doanh nghiệp làm ăn chân chính và góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân của thời kỳ đổi mới. Nhân dịp 30 năm nhìn lại, TBKTSG thực hiện loạt bài viết về một số trong những doanh nghiệp/doanh nhân đã đồng hành và là độc giả của TBKTSG từ những ngày đầu. (Xin mời độc giả xem từ số 43-2020, ngày 22-10-2020)

Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa tổ chức lễ chuyển giao thế hệ lãnh đạo. TBKTSG đã có buổi gặp gỡ kiến trúc sư Lê Viết Hải – nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT, người vừa chính thức thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc tập đoàn Hòa Bình sau 33 năm trực tiếp điều hành doanh nghiệp này.

Xây dựng Hòa Bình: Bước sang trang mới!
Ông Lê Viết Hải.

TBKTSG: Thành lập năm 1987, từ một “văn phòng xây dựng” thuở ban đầu, Hòa Bình đã vươn lên thành tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam. Nhìn lại chặng đường đã qua, bối cảnh kinh tế vĩ mô nào đã tác động đến sự phát triển của công ty, thưa ông?

Ông Lê Viết Hải: Ngành xây dựng Việt Nam có một cơ hội quý giá vào thời kỳ đổi mới khi đất nước mở cửa và thị trường xây dựng thực sự bùng nổ kể từ thập niên 1990. Sau nửa thế kỷ gần như giậm chân tại chỗ do hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt và bị cấm vận trong thời bao cấp, ngành xây dựng với xuất phát điểm vô cùng nghèo nàn, lạc hậu khi đó đã như một lò xo bung nén để trở thành không thua kém ai chỉ sau chưa đầy 20 năm tích cực học hỏi, tiếp thu từ những nền công nghiệp xây dựng hiện đại trên thế giới.

“Hòa Bình có một kỷ niệm không quên với TBKTSG ở thời điểm công ty kỷ niệm 15 năm thành lập vào năm 2002. Khi đó, TBKTSG đã thực hiện bài phỏng vấn tôi về “văn hóa nhận thầu”, và đăng trang trọng trên bìa 1 của tờ báo tấm ảnh tôi và cha tôi – cố nhà giáo Lê Mộng Đào, lúc ấy là Chủ tịch danh dự HĐQT Công ty Hòa Bình. Ảnh bìa báo này sau đó đã được anh em trong công ty vẽ lại.

Có thể nói bài báo và tấm ảnh bìa đó đánh dấu một cột mốc trong quá trình phát triển của Hòa Bình, bởi sau đó công chúng biết đến Hòa Bình nhiều hơn, nhiều khách hàng đến với công ty hơn. Năm 2002 cũng là năm bắt đầu một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Hòa Bình”.

Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Trong khoảng thời gian đó, Hòa Bình có quá trình hợp tác với hầu hết các nhà thầu quốc tế dày dạn kinh nghiệm đem những công nghệ xây dựng tiên tiến nhất đến Việt Nam. Chúng tôi đã khai thác triệt để “lợi thế người đi sau” và bằng sức sáng tạo, tinh thần tiên phong đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới ngành xây dựng từ lạc hậu sang hiện đại; và trên mọi phương diện, từ kỹ thuật công nghệ, phương tiện thiết bị thi công, hệ thống quản lý dự án, quản lý nguồn lực, cho đến thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, dịch vụ.

Có thể nói, chúng tôi đã có một chặng đường tích hợp tinh hoa của nhiều công nghệ mới từ các nước phát triển. Đặc biệt, chúng tôi đã phát huy mạnh mẽ sở trường về thi công nhà ở dân dụng cao tầng và đưa mảng này thành lợi thế cạnh tranh riêng. Hàng năm, Hòa Bình thi công cả trăm cao ốc với hàng chục ngàn căn hộ. Với bề dày kinh nghiệm đó, chúng tôi tự tin có năng lực cạnh tranh cao trong phân khúc này và chưa dừng lại. Mục tiêu sắp tới của Hòa Bình là trở thành nhà thầu hàng đầu trên thế giới về xây dựng nhà ở cao tầng.

TBKTSG: Nếu phải so sánh trong bối cảnh Việt Nam, ông sẽ cho rằng làm công ty tư nhân khó khăn hơn hay thuận lợi hơn so với doanh nghiệp nhà nước?

– Doanh nghiệp nhà nước có cái khó của họ với những ràng buộc của cơ chế. Là công ty tư nhân, Hòa Bình có thể linh hoạt và chủ động tận dụng nhiều cơ hội hợp tác với các nhà thầu quốc tế mạnh nhất để học hỏi và chuyển giao công nghệ.

TBKTSG: Báo cáo tài chính năm 2019, quy mô doanh thu của công ty tiếp tục đứng đầu ngành với 18.822 tỉ đồng. Liệu Hòa Bình có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong những năm tới?

– Doanh thu năm 2019 của Hòa Bình vào khoảng hơn 800 triệu đô la Mỹ. Giả thiết tập đoàn vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng mỗi năm năm tăng gấp 5 lần như thời gian qua, thì mười năm sau doanh thu sẽ đạt 20 tỉ đô la/năm, 20 năm sau sẽ đạt tới 500 tỉ, 25 năm sau thì lên tới 2.500 tỉ đô la. Nghe chừng không khả thi nếu không có một chiến lược đột phá.

Ở thị trường nội địa những năm gần đây, doanh nghiệp trong nước đã dần chiếm thị phần của các nhà thầu nước ngoài. Và báo cáo hai năm gần nhất cho thấy các công ty lớn đã giảm doanh số. Riêng Hòa Bình, tốc độ tăng đã chậm lại so với mức bình quân 38%/năm trong suốt thời gian dài. Nhưng tôi cũng đã nghĩ tới một hướng đi, đó là chinh phục thị trường xây dựng thế giới.

 

Bìa 1 Thời báo Kinh tế Sài Gòn xuất bản ngày 26-9-2002 đăng ảnh ông Lê Viết Hải và cha của ông – cố nhà giáo Lê Mộng Đào, vào dịp Công ty Hòa Bình kỷ niệm 15 năm thành lập.

TBKTSG: Ông có thể nói rõ hơn…

– Cần nhìn vào con số giá trị tổng sản lượng ngành xây dựng Việt Nam năm 2019 vào khoảng 15,5 tỉ đô la so với con số 12.000 tỉ đô la tổng sản lượng xây dựng trên thế giới để thấy ngành xây dựng Việt Nam còn cả một thị trường to lớn để khai thác. Vậy thì ta xuất khẩu xây dựng, tại sao không?

Cho đến nay, chuỗi cung ứng liên quan trực tiếp đến ngành xây dựng của Việt Nam như sản xuất vật liệu xây dựng, máy móc sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị thi công, các dịch vụ tư vấn, thiết kế… đã có bước định hình thuận lợi. So với một số ngành công nghiệp mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu thì xây dựng đang có tỷ lệ nội địa hóa rất cao. Cùng với nhiều lợi thế về lao động, kỹ thuật công nghệ, những giải pháp quản lý hiện đại và thông minh, công nghiệp xây dựng Việt Nam ngày nay có đủ tiềm lực để cạnh tranh trên trường quốc tế và đem về nguồn lợi ngoại tệ to lớn cho quốc gia.

Tất nhiên, chúng ta vẫn còn phải vượt qua một số thử thách như cần chuẩn bị đối tác hợp tác để nắm bắt các cơ hội và gia tăng tiềm lực tài chính, từng bước xác lập uy tín và thương hiệu.

Tôi cho rằng Chính phủ cần có quyết sách đưa công nghiệp xây dựng Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn bằng một chiến lược quốc gia về xuất khẩu, trong đó, những doanh nghiệp như Hòa Bình giữ vai trò tiên phong xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp kéo theo các nhà thầu khác; đầu tư nghiên cứu – phát triển, kiến tạo những giá trị gia tăng cho sản phẩm dịch vụ, định hình những chuẩn mực mới; xây dựng hệ sinh thái cho một ngành công nghiệp – dịch vụ phức tạp; quảng bá thương hiệu quốc gia…

Nếu có một chiến lược quốc gia tốt và kịp thời, công nghiệp xây dựng Việt Nam sẽ có một vị trí xứng đáng trên thị trường toàn cầu sau mười năm nữa.

TBKTSG: Đây phải chăng cũng là lý do khi ông đề cập tới “cột mốc khởi đầu một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn của Hòa Bình” trong lễ chuyển giao chức vụ Tổng giám đốc tập đoàn cho con trai ông hồi tuần trước?

– Đúng vậy! Hòa Bình đã trở thành doanh nghiệp đứng đầu ngành xây dựng trong nước và đang đứng trước một trang sử mới, một thời kỳ mới – thời kỳ thực thi hoài bão trở thành thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu.

TBKTSG: Trong nhiều sinh hoạt cũng như trong những sự kiện trọng đại của công ty, khi chứng kiến toàn thể cán bộ công nhân viên đồng thanh hát vang những ca khúc do ‘cha đẻ’ công ty sáng tác, như “Hòa Bình ca”, “Hành khúc Hòa Bình”…, nhiều người nhận ra hai chữ “Hòa Bình” không đơn giản là một cái tên hay một thương hiệu mà còn chất chứa trong đó một nét văn hóa doanh nghiệp…

– Phương châm hoạt động xuyên suốt của chúng tôi là “Hòa Bình chinh phục đỉnh cao”. Ba mươi ba năm miệt mài lao động, điều tự hào nhất của chúng tôi không phải là đã trở thành công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam mà là cách thức chúng tôi trở thành “số 1”: chinh phục đỉnh cao ngành xây dựng một cách hòa bình!

Thế hệ doanh nhân tuổi của chúng tôi đã, đang và sẽ dần thực hiện những cuộc chuyển giao việc lãnh đạo doanh nghiệp cho thế hệ trẻ. Tôi cho rằng di sản quý giá nhất mà thế hệ sáng lập Hòa Bình để lại cho thế hệ kế thừa chính là văn hóa doanh nghiệp, trong đó có văn hóa yêu chuộng hòa bình. Tôi luôn mong mỗi thành viên của Hòa Bình, bên cạnh việc gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp đã được nêu rõ trong “tuyên ngôn giá trị” của tập đoàn, cần xác định cả hai mục tiêu: phát triển kinh tế và góp phần kiến tạo hòa bình thế giới, phải luôn được song hành với nhau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới