Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong TMĐT

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong TMĐT

Phúc Khang

(SGTT) – Theo hãng tin Reuters, ngày 12-11 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký thỏa thuận về thương mại điện tử (TMĐT) đầu tiên, khuyến khích hoạt động kinh doanh không dùng giấy giữa các doanh nghiệp và chính phủ trong khối nhằm thực hiện giao dịch nhanh chóng và hiệu quả.

Giàu có nhờ công nghệ, thương mại điện tử

Chọn kịch bản nào cho thương mại điện tử?

Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong TMĐT
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2017, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin.

Các nhà kinh tế đánh giá rằng ASEAN là thị trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh nhất thế giới, với 330 triệu người sử dụng mạng Internet. Dự báo, đến năm 2025, nền kinh tế mạng của ASEAN sẽ tăng gấp 4 lần, đạt 200 tỉ đô la Mỹ so với 50 tỉ đô la năm 2017; khi đó, kim ngạch thương mại điện tử sẽ tăng lên 88 tỉ đô la.

Việt Nam, một thành viên của ASEAN, cũng không nằm ngoài xu hướng này khi có nền thương mại điện tử phát triển khá nhanh với tốc độ khoảng 20%/năm. Chỉ riêng năm 2017, doanh thu từ kênh bán hàng này đã đạt 6,2 tỉ  đô la, tăng gần gấp 3 lần so với năm năm trước và dự kiến đạt 10 tỉ đô la vào năm 2020. Trong đó, TPHCM là thị trường phát triển nhanh nhất với trên 57.800 trang web đang hoạt động ổn định và gần 10.700 trang web thương mại điện tử trong số này đã đăng ký với Bộ Công Thương, chiếm 47%  trang web hợp pháp của cả nước.

Tuy nhiên, với các ngành chức năng, việc kiểm soát kênh bán hàng trực tuyến cũng đang đặt ra nhiều thách thức.
Theo Sở Công Thương TPHCM, chất lượng hàng hóa trên các sàn TMĐT hiện là mối quan tâm không chỉ của người tiêu dùng mà của cơ quan chức năng. Số liệu từ cuộc khảo sát tại TPHCM cho thấy, 53% người tiêu dùng không mua sắm trực tuyến vì hàng nhận được không đúng như mô tả.

Trong năm năm gần đây, Sở Công Thương TPHCM đã phát hiện gần 54.000 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 11,5 tỉ đồng, trung bình mỗi vụ xử phạt từ 10-30 triệu đồng. Cơ quan này cũng đã xử lý nhiều trường hợp trang thương mại điện tử hoạt động “chui” và bán hàng không đảm bảo chất lượng. Nhưng thật khó có thể kiểm soát, phát hiện, xử phạt hết được tất cả những trường hợp vi phạm.

Người tiêu dùng khi gặp sự cố thì ngại khiếu nại vì mất thời gian nên từ ấn tượng không tốt này có thể họ sẽ bỏ qua việc sử dụng các dịch vụ, sản phẩm thương mại điện tử. Chính điều này đã ảnh hưởng đến các trang, các sàn giao dịch thương mại điện tử làm ăn uy tín.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, các sàn giao dịch diện tử kiến nghị, ngành chức năng nên có quy định về việc giải quyết vi phạm, tranh chấp về thương mại điện tử bằng hình thức trực tuyến. Người mua hàng khiếu nại chỉ cần một cú nhấp (click) chuột để gửi đơn và nhận kết quả của cơ quan chức năng cũng bằng phương thức này. Hiện nay, một số sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đứng ra làm trung gian giải quyết vấn đề này để bảo vệ quyền lợi người mua hàng.

Trên thực tế, các ngành chức năng hiện đã áp dụng nhiều hình thức về kiểm soát hoạt động kinh doanh của các trang thương mại điện tử, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để tập hợp những doanh nghiệp lớn có giao dịch hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng trở thành nhóm các trang web uy tín dẫn dắt thị trường.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng kiến nghị rằng chương trình Phát triển thương mại điện tử quốc gia nên dành thêm nguồn lực cho việc quảng bá những trang web đã tích hợp logo “Đã thông báo/Đã đăng ký” với Bộ Công Thương để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện trang web bán hàng hợp pháp, uy tín.

Để thương mại điện tử phát triển thì phải có sự cạnh tranh lành mạnh và tạo được niềm tin cho khách hàng. Khi làm tốt điều này thì thương mại điện tử thật sự tạo ra nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới