Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xây dựng quy hoạch tổng thể cần đảm bảo quyền lợi của người dân

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

KTSG Online) - Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV tiếp tục tập trung thảo luận, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia. Yêu cầu đặt ra là xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình thêm về Quy hoạch tổng thể quốc gia tại Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Với tầm quan trọng, phức tạp như vậy, các đại biểu đã đề nghị Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước, không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng ban hành.

Theo TTXVN, đại biểu Trịnh Xuân An tỉnh Đồng Nai góp ý, Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động.

Tuy nhiên, những nội dung “quy hoạch cứng” như về giao thông, đất đai, năng lượng và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh có thể chốt ở trong quy hoạch này.

Đối với những nội dung khác có thể xã hội hóa hoặc có thể mang tính định tính như vấn đề giáo dục, vấn đề y tế thì xác định là “quy hoạch mềm” để tránh đi vào quá chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể làm “bó khung” có thể dẫn đến hạn chế việc phát triển.

Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào, Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý. Ông An nói.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng tỉnh Quảng Trị cho rằng, nếu nhìn vào mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, cần chọn phương án tăng trưởng cao. Song, nhìn lại những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến kinh tế - xã hội thời gian qua, mục tiêu tăng trưởng cao khó khả thi.

Ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, quy hoạch nhất là Quy hoạch tổng thể quốc gia cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh, không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Nếu vẫn giữ các mục tiêu cụ thể, kịch bản tăng trưởng cao, cần làm rõ Quy hoạch tổng thể quốc gia đóng vai trò thế nào để tạo ra những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu đó.

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu đoàn TPHCM, góp ý Việt Nam học tập kinh nghiệm các nước làm quy hoạch, song khi thực hiện, vẽ đồ án phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của đất nước. Chúng ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực có hạn, ông Ngân nói.

Ông Ngân cũng lưu ý vấn đề quy hoạch "treo" khi tầm nhìn của bản quy hoạch tổng thể quốc gia tới 20-30 năm nữa. Tức là, xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, đảm bảo quyền lợi của người dân với những dự án chưa thực hiện ngay nhưng đưa vào quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, quy hoạch đến năm 2030 cần tạo khung cứng về cơ sở hạ tầng cho toàn bộ đất nước. Cụ thể, bao nhiêu sân bay, cảng biển, các tuyến đường cao tốc... trọng điểm cần đầu tư. Trong đó phải tính đến nguồn lực trong nước bao nhiêu, vay nước ngoài, xã hội hóa qua hợp tác đối tác công tư (PPP)... là bao nhiêu. Có như vậy, sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ triển khai các dự án và mới sớm đến đích.

Nhắc đến cơ chế phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Phớc, vùng này do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tạo nên sạt lở, ngập mặn, gây ảnh hưởng đến "vựa lúa" và đe dọa đến an ninh lương thực. Do vậy, trong tương lai phải xây dựng hạ tầng, kè chống sạt lở, hồ nước ngọt để giảm thiểu tác động ít nhất, đảm bảo vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững. Đáng tiếc, nét đặc trưng này của vùng lại chưa được thể hiện trong quy hoạch. Nguồn Quochoi.vn.

Ông Trần Công Phàn, đại biểu tỉnh Bình Dương nêu, hiện nay tỉnh nào cũng có sân bay, cảng, khu công nghiệp mà không dựa trên nguyên tắc nào. Sân bay quốc tế thì ít nhất phải cách nhau 500km. Chúng ta có khoảng 450 km nhưng 5-6 cái sân bay quốc tế. Đầu tư dàn trải như vậy rất không ổn. Ông Phàn nhấn mạnh quan điểm, xây dựng quy hoạch phải dựa trên thế mạnh của từng địa phương, từ đó tạo sự phát triển chung cho đất nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi giải trình ở tổ cũng nêu cái khó trong lập Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu theo phương pháp tích hợp này. Ông cho hay, thực tế cả nước đã định hình 6 vùng kinh tế - xã hội nên bản quy hoạch đã kế thừa, xây dựng quy hoạch trên nguyên tắc phát triển 6 vùng hiện tại.

Do lần đầu tiên thực hiện quy hoạch theo phương pháp tích hợp, chưa có kinh nghiệm cả trong nước, quốc tế , nên theo ông Dũng, cần thận trọng, bàn bạc kỹ lưỡng, không thể lấy mô hình các nước để áp vào xây dựng quy hoạch cho Việt Nam, vì mỗi nước có điều kiện đặc thù khác nhau.

1 BÌNH LUẬN

  1. Quy hoạch, lâu nay vẫn thường được dân gian gọi là “bánh vẽ” của các nhà cầm trịch, được giao cai quản nhiệm vụ. Bởi lẽ, không phải là lâu nay không có quy hoạch, mà vấn đề quan trọng nhất là ít có quy hoạch nào được tôn trọng, có tính khả thi và tính thực thi đến nơi đến chốn. Quy hoạch hôm nay vạch ra, nhưng ngày mai chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh. Và nếu không cẩn thận, nếu không có cách tiếp cận hoàn toàn mới, quy trình pháp lý quy hoạch sẽ tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy xin – cho triền miên. Do vậy sứ mệnh lần này của Quốc hội rất nặng nề. Không thể là cứ bấm nút cho qua, mà phải bàn luận kỹ để thay đổi toàn diện cách nghĩ và làm quy hoạch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới