(KTSG Online) - Khi rơi vào tình huống khủng hoảng thương hiệu, doanh nghiệp không chỉ cần tường tận gốc rễ của vấn đề mà còn cần có cách thức giải quyết, xử lý một cách chính trực, chân thành. Đây cũng là một trong những yếu tố sẽ giúp xây dựng niềm tin và sự trường tồn của thương hiệu, theo kinh nghiệm các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm “Chiến lược biến thương hiệu thành biểu tượng” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (KTSG) tổ chức ngày 16-12.
- Tọa đàm: Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng về truyền thông
- Phát triển thương hiệu doanh nghiệp không chỉ là tạo ra sản phẩm tốt
- Lễ công bố Giải thưởng Thương hiệu Vàng TPHCM lần 3 và Tọa đàm Thương hiệu Vàng TPHCM
Nội lực, chính trực giúp thương hiệu vượt khủng hoảng
Khi thương hiệu đã được khách hàng và thị trường chấp nhập, doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều lợi ích. Điều đó đã thôi thúc nhiều doanh nhân muốn xây dựng cho doanh nghiệp mình một cái tên trên thị trường. Tuy nhiên, quản trị rủi ro luôn là yếu tố quan trọng trong đầu tư, kinh doanh và các chủ doanh nghiệp cần có những kịch bản chuẩn bị để xử lý khi thương hiệu không may gặp phải khủng hoảng.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trần Hoàng, Chủ tịch Hội Marketing Việt Nam, Thành viên Hội đồng bình chọn Giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM 2022, cho biết khi rơi vào khủng hoảng, doanh nghiệp không chỉ cần nhìn tường tận gốc của vấn đề mà còn cần cách thức giải quyết, xử lý một cách chính trực, chân thành. “Thật sự hiểu vấn đề để giải quyết khủng hoảng với thái độ chân thành”, ông Hoàng nói và nhấn mạnh không chỉ trong khủng hoảng mà trong cả quá trình kinh doanh, sự chính trực sẽ giúp doanh nghiệp trường tồn.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi xử lý khủng hoảng của doanh nghiệp, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc King Coffee, cho biết để vượt qua những khó khăn, doanh nghiệp cần có nội lực vững mạnh. Nội lực cần được bồi dưỡng, củng cố hằng ngày, nội lực mạnh sẽ đưa doanh nghiệp ra khỏi khủng hoảng dễ dàng hơn.
Bà Diệp Thảo chia sẻ, trong tình hình kinh tế biến động, thị trường khó khăn càng cần mỗi doanh nghiệp phát triển nội lực để bảo vệ thương hiệu khỏi cuộc khủng hoảng và ứng phó tốt khi gặp khủng hoảng.
Trên thực tế, King Coffe cũng trải qua khủng hoảng khi dịch Covid-19 diễn ra, cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Với ngành cà phê, thời điểm này mọi người có thể thay đổi thói quen uống cà phê, có thể chuyển từ không gian quán xá, nơi làm việc thành mang cà phê về nhà uống, nhưng vẫn sử dụng sản phẩm. Doanh thu toàn ngành hay thị trường cà phê ở Việt Nam vẫn tăng trưởng, buộc doanh nghiệp cũng phải thích nghi với những tình huống mới để tiến về phía trước. “Nếu chúng ta cứ nhìn vào những cái khó khăn, giải quyết những cái khó khăn trước mắt thì sẽ mất thời gian. Nên dành thời gian đó thúc đẩy doanh nghiệp vươn tới phía trước, chuyện khó khăn giải quyết sau”, bà chia sẻ.
Người đứng đầu King Coffee đưa ra lời khuyên từ những kinh nghiệm và trải nghiệm của mình trên thương trường: “Phải vững tâm! Khi khủng hoảng diễn ra, thì tâm phải vững, lấy bất biến ứng vạn biến để đi trên con đường đã chọn và tin tưởng rằng mình sẽ đạt được những điều mình mong muốn”.
Xây dựng thương hiệu thành biểu tượng
Quá trình “biến thương hiện thành biểu tượng” là quá trình phát triển giá trị khác biệt mạnh nhất, độc đáo nhất của thương hiệu, để từ đó tạo thành sự nhận diện mang tính biểu tượng. Viên gạch đầu tiên để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thành công là sự khác biệt, sau đó từ sự độc nhất này mới trở thành biểu tượng cho cả một ngành hàng, ngành sản xuất.
Ông Trần Hoàng chia sẻ ba trục để tạo nên nền tảng của sự khác biệt, cá tính của doanh nghiệp là đam mê, cảm xúc, hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực mà doanh nghiệp đó kinh doanh.
Khi được hỏi về những nền tảng trụ cột để xây và biến thương hiệu thành biểu tượng, ông Trần Hoàng đã gợi ý cho các doanh nghiệp về ba đạo trong kinh doanh.
Đầu tiên là thương đạo, tức là đạo trong kinh doanh, doanh nghiệp cần giữ vững những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong làm ăn. Thứ hai, là nhân đạo khi xây dựng mối quan hệ với khách hàng, với đối tác, nhân sự, cổ đông... Cuối cùng là thiên đạo, tức cần quan tâm đến môi trường xung quanh nơi doanh nghiệp hoạt động và cả môi trường sống của loài người. Để một thương hiệu trở thanh biểu tượng thì cần cân bằng được ba đạo này.
Ngoài ra ông cho biết thêm: “Một thương hiệu muốn trở thành biểu tượng cần định hình rõ văn hóa doanh nghiệp; và phấn đấu để dẫn đầu, đóng góp vào văn hóa ngành cũng như hội nhập vào nền văn hóa của nhân loại”. Để xây dựng được những nền tảng cốt lõi đó, doanh nghiệp trước hết cần một tầm nhìn để định hướng con đường phát triển.
Bà Diệp Thảo chia sẻ: "Tầm nhìn của một doanh nghiệp thể hiện qua việc xác định doanh nghiệp phát triển xa thế nào, lớn thế nào để chuẩn bị trước một nền móng để vươn đến niềm mong muốn đó”.
Cả bà Diệp Thảo và ông Trần Hoàng đều cho rằng mỗi thương hiệu dù nhỏ hay lớn đều đóng góp cho sự phát triển của xã hội, do đó dù ít hay nhiều đều phải cố gắng kinh doanh theo hướng giữ gìn sự trường tồn của doanh nghiệp mình.
Cũng trong khuôn khổ chương trình này, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cho ra mắt Ban vận động thành lập Câu lạc bộ Kiến tạo thương hiệu với mục tiêu gắn kết các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý, để từ đó thu hút các thành viên cùng tham gia vào các hoạt động giao lưu và chia sẻ trên con đường xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu bền vững tại thị trường trong nước và quốc tế. Thành viên Ban vận động là các doanh nhân uy tín và có bề dày kinh nghiệm trong hành trình xây dựng các thương hiệu phục vụ lợi ích của người tiêu dùng. Thông qua các hoạt động sắp tới của câu lạc bộ, hy vọng sẽ cung cấp đến doanh nghiệp cũng như nhà khởi nghiệp những thông tin hữu ích về mô hình, phương pháp và câu chuyện thực tế của việc biến sản phẩm từ một hàng hóa vô tri thành một thương hiệu có sự kết hợp của các yếu tố văn hóa, tinh thần, ấn tượng và lòng tin của khách hàng.
Thương hiệu được cấu thành từ 3 bộ phận cốt lõi: Uy tín doanh nhân + Chất lượng sản phẩm dịch vụ + Văn hóa doanh nghiệp. Thương hiệu, không bao giờ có khái niệm ngắn ngày, mà chỉ có gắn với chiến lược dài hạn thì mới mong đạt được thành tựu lớn lao. Chỉ có thể tích lũy, qua từng ngày, từng tháng, từng năm, bao gồm cả thành công và thất bại, thì mới hi vọng có một thương hiệu bền vững. Thương hiệu, nếu chính hiệu, cũng không thoát quy luật vô thường và vô vi, đôi khi không tồn tại, bởi vì những biến động thời cuộc hoặc nhân sinh, nhưng nền tảng tinh thần của thương hiệu sẽ là vĩnh viễn, là nguồn cảm hứng bất tận cho mọi thế hệ mai sau.