Xây nhà máy điện mặt trời gần 1.000 tỉ đồng tại Bình Thuận
Văn Nam
(TBKTSG Online) – Công ty cổ phần Đầu tư Quang điện Bình Thuận sáng nay (23-9) đã khởi công dự án nhà máy điện mặt trời công suất gần 40 MW tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Đây là dự án có vốn đầu tư 998 tỉ đồng dự kiến sẽ được vận hành phát điện vào tháng 4-2019.
![]() |
Một dự án điện mặt trời tại Bình Thuận – Ảnh: Văn Nam |
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Đầu tư Quang điện Bình Thuận, dự án điện mặt trời Sông Lũy sẽ gồm 130.000 tấm pin điện mặt trời, đi kèm với đó là một trạm biến áp tăng áp 22 – 110kV, một trạm cắt 110kV Sông Luỹ và 66 mét đường dây 110kV tới điểm đấu nối vào hệ thống điện quốc gia để có thể cung cấp vào hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 80 triệu kWh mỗi năm kể từ tháng 4-2019.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia năng lượng, ngoài tiềm năng về điện gió với bờ biển dài hơn 200 km, Bình Thuận còn nằm trong khu vực nhiệt đới gần xích đạo với khí hậu và độ ẩm gió mùa đặc trưng, nắng nhiều và bức xạ kéo dài với tổng số giờ nắng cả năm lên đến 2.728 giờ, lý tưởng cho việc xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời.
Trước đó, như TBKTSG Online đã thông tin thì số dự án điện mặt trời chờ phê duyệt nằm trên bàn cơ quan chức năng hiện lên đến hàng trăm. Tuy nhiên, nếu dự án không vận hành trước ngày 30-6-2019 thì giá bán điện làm ra có thể sẽ không còn là 9,35 cent/kWh ổn định trong 20 năm nên gần đây nhiều nhà đầu tư phải chạy đua với thời gian để hoàn thành dự án trước giữa năm sau. |
Về tổng quan phát triển năng lượng điện mặt trời, theo thông tin được TBKTSG Online tìm hiểu thì số dự án chờ phê duyệt đã tăng từ hàng chục lên hàng trăm với tổng công suất lên đến hơn 12.000 MW, chủ yếu phân bổ tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh..
Phong trào đầu tư vào các dự án điện mặt trời trên cả nước bắt đầu tăng nhiệt từ tháng 4-2017 sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2011/QĐ-TTg với nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Trong đó, có điều khoản Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ điện từ dự án điện mặt trời với giá tương đương 9,35 UScent/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh). Đây là mức giá được cho là có thể giúp các nhà đầu tư có lãi đi kèm với các ưu đãi khác như thuế, đất đai.
Sở dĩ nhiều dự án phải chạy đua hoàn thành phát điện trước cuối tháng 6-2019 bởi cũng theo quyết định 11/2017/QĐ-TTg được Chính phủ ban hành nói trên thì nếu dự án đưa vào vận hành trước tháng 6-2019 sẽ được EVN mua điện với giá 9,35 UScent/kWh theo hợp đồng kéo dài 20 năm. Ngược lại, nếu không kịp vận hành thì nhiều khả năng giá mua điện có thể bị hạ thấp hơn, chứ không còn là 9,35 cent/KWh nữa duy trì trong 20 năm nữa.
Xem thêm:
>> Chạy đua với điện mặt trời!