Xe đạp cho thành phố di sản
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) - Hậu Covid-19, xây dựng “thành phố xe đạp” cũng như quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến đường dành cho xe đạp là tầm nhìn phát triển của thành phố Huế.
Đoàn khách nước ngoài trải nghiệm tour khám phá Huế bằng xe đạp trong thời gian trước Covid-19. Ảnh: Nhân Tâm |
Xe đạp phù hợp cho thành phố di sản
Trong những năm gần đây, việc đầu tư phát triển các tuyến đạp xe tại Huế với nhiều mục tiêu khác nhau đã có được nhiều tác động tích cực, đóng vai trò là một công cụ thúc đẩy gia tăng chất lượng sức khỏe cộng đồng, môi trường và hoạt động kinh tế trong tương lai.
Theo ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh căn cứ vào Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Huế định hướng phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Việc phát triển xe đạp cũng là câu chuyện quan trọng trong định hướng đó.
“Để xây dựng thành phố thông minh không phải bắt đầu từ những trang thiết bị hay công nghệ, mà trước hết là thông minh trong cách thức chúng ta lựa chọn đường lối, phong cách sống của mình”, ông Định chia sẻ tại Hội thảo “Huế, thành phố xe đạp - bản sắc cộng đồng và hình ảnh thành phố đạp xe thân thiện với môi trường” diễn ra ngày hôm qua, 10-6, tại thành phố Huế. “Và lựa chọn nào đó tôn trọng tự nhiên nhất, ít tác động đến tự nhiên nhất thì chúng tôi cho rằng đó là lựa chọn thông minh. Vì vậy, việc đi xe đạp là hướng đến mục tiêu như vậy”.
Ông Định cũng chia sẻ xe đạp sẽ làm thay đổi cách thức con người tương tác với nhau, xã hội, tự nhiên và chính với bản thân mình. Mối quan hệ con người trong xã hội sẽ gần gũi hơn so với việc sử dụng xe máy, ô tô như hiện nay.
Trong khi đó, bà Bùi Thu Hiền, Đồng sáng lập Trung tâm Kết nối Thông minh (SICC) cho hay, việc hình thành các chương trình/ sự kiện đạp xe sẽ giúp tăng cường số lượng người thường xuyên đạp xe và người ít đạp xe, giảm tắc nghẽn giao thông và cải thiện chất lượng không khí, môi trường cũng như tăng cường sức khỏe, thể lực cho người dân.
Đồng thời thông qua các sự kiện đạp xe sẽ giúp phát triển, cũng cố bản sắc văn hóa, phục hồi và đa dạng hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Lộ trình phù hợp để gắn kết với du lịch
Trao đổi tại hội thảo, ông Fred Yound, Giám đốc điều hành Công ty Alta Go Planning Company khu vực Đông Nam Á nhận định, Huế là một trong những thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đi xe đạp trong người dân cũng như khách du lịch.
Người đi xe đạp có thể trải nghiệm được văn hóa Huế, các địa điểm di tích chỉ với khoảng cách 9 km từ trung tâm thành phố Huế đến các khu du lịch ngoại vi thành phố, theo ông Yound. Với chặng đường như vậy, người dân và du khách còn có thể giúp gia tăng sức khỏe và cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn và thân thiện với môi trường.
Về vấn đề xe đạp và khách du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, từng có ý kiến về tính khả thi của dự án du lịch bằng xe đạp thông minh do Công ty cổ phần Giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt (Vietsoftpro) đầu tư vào cuối năm ngoái.
Người dân Huế đạp xe tập thể dục vào những ngày tháng 5-2020. Ảnh: Nhân Tâm |
Theo ông Phúc, mặc dù đây là phương tiện thân thiện giúp du khách lưu trú, trải nghiệm lâu hơn nhưng quá trình triển khai dự án dịch vụ xe đạp thông minh cần có lộ trình phù hợp. “Du lịch bằng xe đạp không phải tất cả cộng đồng du khách đều yêu thích. Khi triển khai dự án, chủ đầu tư cần thí điểm vài trăm chiếc xe để khảo sát tình hình. Nghiên cứu các tuyến đường, địa điểm phù hợp với việc đi xe đạp”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng cho rằng, ngoài khảo sát các điểm triển khai thí điểm, cần tạo ra những chiếc xe đẹp mang phong cách, gọi tính tò mò cho du khách. “Khi triển khai dự án, ngành du lịch sẽ kết nối các hãng lữ hành mở chương trình cổ động thu hút khách du lịch tham gia. Chúng tôi cũng phối hợp với thành phố tổ chức những ngày không sử dụng xe có động cơ để cổ động chương trình, có thể 1 ngày/tháng, 1 ngày/tuần”, ông Phúc nói.
Một khảo sát của Sở Du lịch cho thấy, hình thức du lịch bằng xe đạp rất phù hợp với dòng khách châu Âu. Bằng chứng tại các điểm du lịch nhà vườn, khám phá di sản thu hút nhiều đoàn khách châu Âu đạp xe đến trải nghiệm, lưu trú.
Không chỉ các địa điểm khám phá tại Huế và vùng ngoại ô, tại những địa điểm du lịch cách xa thành phố cũng đưa xe đạp vào để du khách trải nghiệm. Tại làng cổ Phước Tích, dịch vụ trải nghiệm, khám phá làng cổ bằng xe đạp giúp du khách cảm nhận rõ hơn về sự đặc sắc của một làng quê Việt. Bên cạnh đó, du khách có thể kết hợp đến thăm các điểm đến du lịch khác như Làng nghề mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch, đan lưới Vân Trình...
Theo đại diện của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, với những tiềm năng trên thì thời gian này là dịp tốt để quay lại với dự án xe đạp thông minh kết hợp với đề án xe đạp cho người dân thành phố Huế.
Việc chuẩn bị ngay từ lúc này sẽ giúp cố đô Huế thu hút khách du lịch quốc tế trở lại khi Covid-19 trên thế giới đi qua hoặc chí ít có những vùng an toàn hơn.