Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xe đạp – quen mà lạ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xe đạp – quen mà lạ

Công Thắng

Xe đạp - quen mà lạ(TBKTSG) – Cái khớp gối của anh dạo này trở chứng, đau hoài, nhất là những hôm trở trời. Bác sĩ khuyên anh thay vì đi bộ thể dục buổi sáng thì nên đi xe đạp. “Đi bộ thì sức nặng dồn vào hai khớp gối, còn ngồi xe đạp thì trọng tâm đặt nơi mông, phù hợp với người đau khớp như anh”. Nghe quá chí lý! Thì tập thể dục bằng xe đạp vậy, mỗi sáng làm ít vòng cho khỏe.

Xe đạp – anh có quá nhiều kỷ niệm với nó, từ lúc còn nhắp nhắp cái bàn đạp tìm cách đưa chân qua bên kia thân xe cho đến thời ăn cơm độn bo bo mà hàng ngày anh phải gò lưng đạp ba mươi cây số cả đi về qua cái eo biển gió giật ngược để đến lớp dạy học. Chiếc xe đạp thời ấy là cả một gia sản quý giá mà nếu mất đi thì chỉ có nước cuốc bộ. Giả như cao hứng mà viết ký sự “xe đạp trong đời tôi” chắc phải dày hàng trăm trang.

Bây giờ thì anh lại tái ngộ với nó sau gần hai chục năm ngồi trên yên xe gắn máy. Quen mà lạ, lạ mà quen. Lạ bởi vì giờ đây anh dùng nó như một phương tiện tập gân cốt, cơ bắp là chính, chứ không chỉ để di chuyển. Lạ còn bởi ở thời này đường phố chẳng còn thưa vắng như trước, xe cộ ùn ùn, tai nạn và chuyện ẩu đả vì va quẹt, giành đường xảy ra như cơm bữa. Cho nên đạp xe ra đường lúc này sẽ có khối chuyện để nói, để ngẫm ngợi..

Nhớ mấy hôm đầu chuẩn bị dắt xe đạp ra cổng thì cứ thản nhiên chụp cái mũ bảo hiểm đội lên đầu, đi một quãng mới thấy đôi chân đạp nhẹ mà cái đầu cứ nằng nặng. Lại có vài lần đạp xe đến quán uống cà phê, gửi xe một chỗ, lúc về cứ loay hoay đi tìm… cái xe gắn máy trước đây mình thường đi. Ra vậy, phản xạ máy móc, cái thói quen đi xe gắn máy ăn sâu dữ! Buồn cười thật.

Nhưng đi xe đạp cũng giúp anh thoát dần thói quen nhìn phớt qua, hoặc bỏ qua nhiều thứ trên đường để cảm nhận được nhiều điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng thật sự có ý nghĩa. Chẳng hạn, con đường quen thuộc trước đây anh thường phóng xe gắn máy thấy êm ru thì lúc đạp xe anh mới biết nó không hề bằng phẳng mà có những đoạn dốc và không ít ổ gà – dù nhỏ. Vậy mới biết, cảm nhận khi ta ngồi xe máy rồ ga phóng đi và gò lưng đạp xe rất khác nhau. Ngồi ô tô lại còn khác hơn nữa. Hẳn nhiên ta đều mong xã hội giàu có lên, ngày càng có nhiều người sắm ô tô bằng đồng tiền lương thiện của mình. Điều đáng nói chỉ là có những người “ngồi nhầm chỗ” trên những chiếc ô tô vài tỉ đồng mua bằng tiền đóng thuế của dân với bộ mặt dương dương tự đắc và cái nhìn vô cảm.

Xe đạp – nói về lai lịch ra đời thì đáng bậc ông tổ của xe gắn máy, ô tô các thứ, nhưng xét về “thể hình, thể trọng” thì nó chỉ là chú em út thanh mảnh, gọn nhẹ. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà nó rất có lợi thế hơn so với các “ông anh” to lớn dềnh dàng kia khi len lỏi qua những khoảng trống hiếm hoi lúc kẹt xe, hoặc có phải dắt bộ lúc đường ngập (cứ mưa lớn là ngập!). Nhưng thanh mảnh quá cũng đâm ra bất lợi khi phải đạp xe trên những đường phố chật chội, đông ngẹt xe cộ. Khi ấy người đi xe đạp cảm nhận rất rõ những o ép, đe dọa bởi đám ô tô to lớn dềnh dàng sát bên. Nó thường bị ép ra rìa đường và chỉ cần một cú phóng ào qua hoặc một cú lượn vào lề đón khách của đám xe taxi, xe buýt, xe tải, xe đầu kéo cũng đủ làm run tay người đi xe đạp. Đã vậy, khổ nỗi cái tay lái xe đạp rất nhẹ và nhạy, dễ lạng quạng. Những lúc đó, muốn đạp xe vượt nhanh qua thì hỡi ôi, sức của đôi chân làm sao đua nổi với những động cơ hàng trăm mã lực! Xem phim xứ người, thấy đường phố có làn đường dành riêng cho xe đạp, thấy cảnh lũ trẻ con thong thả đạp xe trong những con đường rợp bóng cây ở khu dân cư, thấy cảnh công chức hào hứng đạp xe đi làm, thấy xe buýt đèo theo xe đạp phía sau… mà cứ ngậm ngùi thở dài.

Biết thân, cho nên anh rán bỏ thói quen ngủ nướng, chịu khó dậy sớm đạp xe trên những khúc đường vắng hoặc đi vào những con hẻm rộng. Vừa đạp vừa nhìn ngắm hai bên, vừa hít thở nhẹ nhàng trước khi mọi con đường đều trở nên náo động với dòng người – xe cộ ầm ào không ngớt.

Gần hai mươi năm trước, đôi vợ chồng nghệ sĩ Phương Thảo – Ngọc Lễ từng làm bao người xúc động với ca khúc “Xe đạp ơi”: Nhớ khi xưa anh chở em trên chiếc xe đạp cũ; áo ướt đẫm mồ hôi dưới trưa hè… Rồi thời mộng mơ cũng qua, mối tình thơ cũng qua… Bây giờ thì thế hệ chàng và nàng thuở đó có thể đã lên chức ông, bà, nhiều người còn có cơ ngơi bề thế. Không biết có bao nhiêu người còn “nhớ thương hoài chẳng nguôi” chiếc xe đạp cũ với mối tình nghèo nhưng lãng mạn ngày xưa như tác giả. Có điều chắc chắn là rất nhiều người trong số đó rất cần đạp xe hàng ngày (hoặc đi bộ) để tập cho cái bụng gọn lại, đôi chân dẻo dai và để cảm nhận mọi thứ qua con mắt của người đạp xe trên đường phố xô bồ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới