Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xem thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nếu nhìn cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu như một cơ hội phải nắm bắt, thay vì thách thức phải vượt qua, chúng ta sẽ dễ thấy ngay giải pháp cũng như những bước đi cụ thể phải tiến hành sớm trong vài tháng sắp tới.

Bên trong một nhà máy của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn đang hưởng thuế suất ưu đãi dưới 15% có hai chọn lựa: một là đóng thuế cho nước nhận đầu tư theo mức ưu đãi cũ, phần chênh lệch cho đủ 15% sẽ phải nộp bổ sung cho nước gốc của doanh nghiệp; hai là nâng mức thuế phải đóng cho nước nhận đầu tư đến 15%. Trong hai chọn lựa này, đương nhiên các doanh nghiệp sẽ muốn đóng thuế cho nước sở tại hơn nếu họ sẽ nhận được các ưu đãi khác bù đắp vào mức thuế phải đóng thêm.

Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, vì thế, là một cơ hội cho chúng ta sẽ thu thêm những khoản thuế bổ sung không nhỏ và chúng ta sẽ rộng tay suy tính các hình thức ưu đãi khác dành cho doanh nghiệp. Có thể thấy vấn đề đầu tiên là giành quyền chủ động nâng thuế lên mức tối thiểu để doanh nghiệp FDI khỏi phải đóng bổ sung ở nước gốc.

Để giành quyền chủ động này, cần phải sửa luật, ban hành văn bản hướng dẫn dưới luật, tiếp xúc gặp gỡ chừng 100 doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng để giải thích chính sách... một loạt công việc cần làm ngay trong khi thời gian không còn nhiều.

Mấu chốt thứ nhì là hoạch định các hình thức ưu đãi khác bù vào mức thuế phải nâng đến ngưỡng tối thiểu sao cho hấp dẫn với doanh nghiệp mà không vi phạm các cam kết chung về việc áp dụng mức thuế tối thiểu và cũng không gây tốn kém quá nhiều cho ngân sách.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2023, trả lời phỏng vấn của báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi có đề cập đến các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp và gián tiếp cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi mức độ ưu đãi đã thay đổi.

Đó có thể là tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trực tiếp nơi doanh nghiệp đóng trên địa bàn, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện nghiên cứu và phát triển cùng những chính sách khác.

Thiết nghĩ cần có những hỗ trợ thiết thực hơn mà doanh nghiệp có thể đo lường, cân nhắc; hay nói cụ thể hơn, đó là những hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ở đây quá trình gặp gỡ tiếp xúc với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng là dịp để chúng ta lắng nghe mong muốn của họ, xem thử chi phí nào chúng ta có thể giúp họ giảm được ở mức tốt nhất. Đó có thể là những chi phí chăm lo cho công nhân, thay vì doanh nghiệp trực tiếp bỏ tiền ra thì nay sẽ do ngân sách hỗ trợ. Đó có thể là chi phí cho bên thứ ba như vận tải, logistics, kho bãi, nhà xưởng...

Chúng ta đã quen với khái niệm tín dụng thuế, tức một khoản hỗ trợ mà người thụ hưởng sau đó có thể dùng để khấu trừ nghĩa vụ thuế phải nộp. Nay cần mở rộng khái niệm tín dụng thuế để chỉ một khoản hỗ trợ mà người thụ hưởng sau khi đóng thuế lên mức tối thiểu, tức cao hơn mức ưu đãi cũ, sẽ nhận được để bù đắp vào mức chênh lệch đó.

Khoản hỗ trợ này lúc đó sẽ được người thụ hưởng sử dụng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh như một dạng ưu đãi gián tiếp, vừa đúng cam kết vừa thỏa mãn nhu cầu của doanh nghiệp FDI.

1 BÌNH LUẬN

  1. Một lần nữa, cuộc chơi đã bộc lộ rõ do ai dẫn dắt. Nước mạnh, nước lớn luôn là những nhân tố làm chủ cuộc chơi. Nước bé, nước yếu, luôn là những kẻ phụ thuộc. Thuế, chỉ là phần nổi của tảng băng kinh tế FDI. Thị trường, lao động, công nghệ, tài nguyên… là những thứ phần chìm giá trị nhất mà các nhà đầu tư muốn đeo đuổi nhiều nhất. Một khi ta không phát huy được nội lực thì buộc phải tìm viện binh từ ngoại lực. Nhưng ngoại lực là thứ mãi mãi thuộc về thiên hạ. Nội lực khi đã không giữ được thì cũng không thể đủ lông đủ cánh lớn mạnh lên được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới