Xem Trăng Nơi Đáy Giếng: Bóng có thay hình?
Thư Hoài
![]() |
Diễn viên Hồng Ánh - vai cô giáo Hạnh trong phim Trăng nơi đáy giếng. |
(TBKTSG) - Ngôi nhà rường cổ, hàng rào chè tàu, mảnh vườn nhỏ phảng phất hương sen... một không gian êm đềm rất Huế tưởng như sẽ ôm trọn một đời hạnh phúc của đôi vợ chồng nhà giáo thanh bạch Phương - Hạnh, nhất là khi Hạnh hết mực yêu chồng, đến mức tôn thờ chồng, phục dịch từng li từng tí.
Nhưng mầm bi kịch cũng đã nằm sẵn trong đó: Hạnh không thể làm mẹ và đã chủ động sắp đặt để chồng mình có con với một cô gái ở quê vì “không chịu nổi vẻ buồn thầm lặng” trên khuôn mặt chồng.
Rồi cuộc sống chung nhập nhằng, bất thường của bộ ba ấy đến lúc phải đổ vỡ, phải “sắp đặt lại” trước áp lực của dư luận cùng những rắc rối về pháp lý.
Ly hôn “giả” đã là thật: cô gái quê được Hạnh bảo bọc nay trở mặt và đau đớn nhất với Hạnh là người chồng thần thánh đã lộ rõ chân tướng một kẻ ích kỷ, giả dối, sẵn sàng quay lưng với cô để bảo đảm bước đường tiến thân của mình và thản nhiên vui vầy với gia đình mới.
Niềm tin sụp đổ, Hạnh rơi vào khủng hoảng trầm trọng và tìm đến thế giới ảo - cõi âm của Đức Mẫu, của ông Hoàng Bảy… để sống với cái bóng của hạnh phúc đã mất.
Khá trung thành về tình tiết câu chuyện so với truyện ngắn nguyên tác của nhà văn Trần Thùy Mai, nhưng đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn có một cách kể chuyện riêng bằng ngôn ngữ điện ảnh đặc sắc. Trên cái nền của một bối cảnh nhiều chất thơ, câu chuyện diễn ra chậm rãi, ít căng thẳng kịch tính, thiên về biểu hiện chiều sâu hơn là mô tả hiện thực.
Và trên cái nền ấy, những mặt đối nghịch thật - giả, tĩnh - động, lòng tận tụy hy sinh và thái độ vô tâm hờ hững, đời thực và niềm tin vào cõi âm… đan xen, trộn lẫn vào nhau làm trục chính cho hành động phim. Đó là một cách thể hiện rất ấn tượng cái hồn cốt của câu chuyện vốn được gói ghém trong lời “phán” mang tính ẩn dụ của bà đồng Thơi về số phận của cô Hạnh: “Đêm trăng nơi đáy giếng, thấy bóng chẳng thấy hình... giả hóa thực, thực hóa giả, thực giả khó lường…”.
![]() |
Hồng Ánh (vai Hạnh) trong một cảnh phim Trăng nơi đáy giếng. |
Từ không gian mờ tối bên trong ngôi nhà rường và sự yên lắng của mảnh vườn nhỏ bước ra thế giới bên ngoài chộn rộn, Hạnh như vừa bước ra khỏi sự yên bình tạm thời của mình để đối mặt với những phiền toái, rắc rối của cuộc đời. Cũng vẫn không gian ấy, nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi Hạnh sống với cu Nhứt - gọi là “con” mà nào phải là con - lại sáng bừng lên, ấm áp, đầy sức sống. Và cuối phim, từ thế giới của cô đồng rộn rã âm thanh chầu văn và sặc sỡ sắc màu, Hạnh quay về với không khí lạnh lẽo, thần bí của ngôi nhà giờ đây chỉ còn mình cô với những cái bóng được thờ phụng.
Phim Trăng nơi đáy giếng: đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, kịch bản chuyển thể: Châu Thổ, quay phim: Nguyễn Trinh Hoan, hãng phim Giải phóng hợp tác với hãng phim Alliance sản xuất. Sau khi tham dự các cuộc liên hoan phim quốc tế tại Hàn Quốc, Dubai, Madrid, Vancouver và được giới thiệu tại một số trường Đại học ở Mỹ, phim sẽ chính thức ra mắt công chúng trong nước tại TPHCM từ ngày 16-10 tới đây tại các rạp Ciné Box và MegaStar. |
Ở đây, cũng cần nói đến sức biểu cảm của những cảnh quay nội thất căn nhà cổ với nhiều khoảng mờ tối nhập nhoạng thể hiện cái không khí vừa trầm lắng, cổ kính và cũng vừa huyễn hoặc, hư hư thực thực của câu chuyện. Đặc biệt là những cú máy dài theo thủ pháp “cái nhìn chủ quan dõi theo nhân vật” rất độc đáo của nhà quay phim Trinh Hoan.
Xem phim Trăng nơi đáy giếng mọi chú ý của người xem hầu như đều dành cho nhân vật Hạnh. Không phải vì là nhân vật chính, xuất hiện từ đầu đến cuối phim mà vì diễn viên Hồng Ánh sắm vai này đã diễn rất xuất sắc - dù cô nói giọng Nam và phim thu tiếng trực tiếp. “Hồng Ánh đã “gánh” cả cuốn phim” - như đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đánh giá.
Quả vậy, diễn xuất của cô đã chuyển tải trọn vẹn hồn cốt của phim, tạo nên một mẫu nhân vật điển hình sống động. Người xem khó quên hình ảnh cô Hạnh dịu dàng, tận tụy, chăm chút mọi thứ cho chồng, cô Hạnh vui sướng hồn hậu với hạnh phúc bình dị nhưng lớn lao của một người mẹ khi được chăm sóc “con” và đặc biệt là khi cô rơi vào mê hoảng vì bị phản bội, bị tước mất những gì mình yêu quý, phải sống trong cảnh cô độc và u uất triền miên.
Hoàn toàn không có gì lạ khi cô đã giành được các giải nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan Phim quốc tế Dubai và sau đó tại giải Cánh diều vàng 2008 của Hội Điện ảnh Việt Nam với vai diễn này. Cũng sẽ thiếu sót nếu không nói đến vai bà đồng Thơi mà Nghệ sĩ ưu tú Thanh Vy thể hiện rất thành công, tạo ra nét lạ lẫm thú vị và ấn tượng mạnh trong phim.
![]() |
Hồng Ánh (vai Hạnh) trong phim Trăng nơi đáy giếng, phim đoạt giải Cánh diều bạc 2008 (không có vàng) của Hội Điện ảnh Việt Nam. |
Đã có những ý kiến không tán đồng với cái kết của phim khi Hạnh đóng cửa với cuộc đời để chìm đắm trong thế giới ảo vọng, sống với những hình nhân thế người: “Kết thúc không có hậu và nhiễm sắc thái thần bí”. Có thể còn lối thoát nào tương đối tích cực hơn chăng?
“Thực tế hiện nay có không ít người say mê, đắm chìm trong thế giới ảo, theo đuổi những “giá trị” ảo. Với cái kết này, tôi muốn cảnh báo về tình trạng đó”- đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn giải thích về chủ ý của mình. Về mặt logic, với một mẫu người cực đoan, dễ sa vào ảo tưởng như Hạnh - vâng, một mẫu người chứ không phải đại diện cho phụ nữ Huế như đã có sự lầm tưởng - thì khi thần tượng sụp đổ, họ cũng dễ đi đến phản ứng thái hóa như vậy.
Nếu có gì nói thêm về phim Trăng nơi đáy giếng thì đó là sự thể hiện - trong kịch bản và diễn xuất - các nhân vật như ông Phương, cô Thắm (cô gái quê đẻ “giùm”), bà mẹ chồng còn hơi bị “sượng”, bị hẫng trong chuyển biến tâm lý… Và đôi lúc người làm phim còn hơi tham, khi cường điệu sự u trầm đến chỗ hơi nặng nề không cần thiết.
Thực ra, trong cảnh xô bồ với vô số “phim ăn liền”, được xem một cuốn phim hay như Trăng nơi đáy giếng quả là một niềm vui hiếm hoi.