Xét nghiệm melamine trong sữa: Quá tải!
![]() |
Sữa tươi được sản xuất bởi Cơ sở sản xuất Đại Quang (285 Nơ Trang Long, Phường 13, Quận Bình Thạnh) được thanh tra y tế đưa đi xét nghiệm melamine hôm 24-9 -Ảnh: Thu Hiền |
(TBKTSG Online) - Các trung tâm xét nghiệm tại TPHCM đang trong tình trạng quá tải khi mỗi ngày có hàng trăm doanh nghiệp trong thành phố gửi mẫu đến để kiểm tra chất melamine trong các sản phẩm sữa theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Quá tải công tác kiểm nghiệm
Ông Nguyễn Văn Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng (VSYTCC) cho biết hiện tại viện đang quá tải với công việc xét nghiệm hàng trăm mẫu sản phẩm sữa gửi đến từ các công ty kinh doanh, sản xuất. Bên cạnh đó, viện cũng phải xét nghiệm tất cả các mẫu sữa mà thanh tra y tế thành phố gửi đến mỗi ngày.
“Việc xét nghiệm sẽ không thể nhanh được vì nhân lực và thiết bị có hạn”, ông Mai nói. Theo ông, trước đây Việt Nam chưa có quy định nào về việc xét nghiệm chất melamine trong các sản phẩm thực phẩm cũng như các sản phẩm từ sữa. Do đó, viện đã không chuẩn bị trang thiết bị cho việc xét nghiệm này.
“Hiện, viện chỉ có 3 máy để đo kiểm melamine. Để có thêm thiết bị xét nghiệm, thời gian nhập khẩu cũng mất ít nhất 3 tuần. Trong khi đó, doanh nghiệp lại có nhu cầu xét nghiệm sản phẩm trước 30-9 theo yêu cầu của Bộ Y tế”, ông nói. Thời gian để làm mỗi xét nghiệm melamine là 3 giờ 15 phút, chưa kể thời gian cho các công việc giấy tờ, quy trình xác nhận kết quả xét nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Châu, giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện thành phố có 4 trung tâm thực hiện được việc xét nghiệm melamine sữa. Các trung tâm này gồm Viện Dinh dưỡng quốc gia, Viện VSYTCC, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) và Trung tâm Phát triển và Đào tạo sắc ký.
Bộ Y tế lập đoàn thanh tra sữa tại phía nam Theo quyết định công bố sáng 25-9, dẫn đầu đoàn thanh tra là ông Nguyễn Đức Phong, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế và các thành viên khác đến từ Sở Y tế TPHCM, Viện Vệ sinh y tế công cộng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Công an và lực lượng quản lý thị trường. Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra đột xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa và các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sữa, đặc biệt chú trọng đến các nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc từ Trung Quốc. |
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Mai cho rằng, khó mà hoàn thành khối lượng công việc xét nghiệm nhanh trong thời gian ngắn như vậy.
Lo ngại về chất lượng sữa
Theo Viện VSYTCC, vấn đề chất lượng sữa hiện nay rất đáng quan ngại. Ngoài chất melamine ra thì hiện nay các sản phẩm sữa và bột dinh dưỡng mới chỉ “nhìn thấy đục đục, trắng trắng” thì cho đó là đã đầy đủ các thành phần dinh dưỡng của sữa. Câu chuyện sữa kém chất lượng được chứng minh khi năm 2004 có 13 trẻ em tử vong và 200 em bị chứng suy dinh dưỡng tại Trung Quốc khi uống phải sữa kém chất lượng.
Ông Mai cho biết tại thị trường TPHCM, một số công ty đã mua bột sữa (loại 25 kg/1 bao) sau đó chế biến sản xuất, pha trộn tạp chất và sang chiết sang các bao nhỏ và bán ra thị trường. “Trong thời gian qua, trên thị trường lượng sữa thì gia tăng nhưng chất lượng sữa thì giảm. Vì vậy, không đạt được mục tiêu tăng sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông nói.
Theo ông Mai, hiện đã có đầy đủ danh sách các nhà nhập khẩu sữa chính ngạch. Nhưng danh sách của nhà nhập khẩu sữa qua đường tiểu ngạch thì vẫn chưa được nắm rõ. Vì vậy, trong cuộc họp với đoàn thanh tra Bộ Y tế, vị chuyên gia này đã đề xuất rằng nên đẩy mạnh thanh tra hàng phi mậu dịch, nhập hàng qua đường tiểu ngạch.
Hiện có 3 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sữa là tiêu chuẩn sữa TCVN của Việt Nam, tiêu chuẩn thành phần dinh dưỡng của sữa do Viện Dinh dưỡng quốc gia được Bộ Y tế duyệt và dựa vào công bố của nhà sản xuất nhưng phải tuân theo một số quy định về sữa cho trẻ em theo quy định số 21 của Bộ Y tế.
Dựa trên các tiêu chí trên thì trong thời gian qua chưa có sản phẩm sữa nhập khẩu nào đạt tiêu chuẩn Việt Nam, ông Mai nói. Trong thời gian qua đã có 58 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu các sản phẩm sữa từ 26 quốc gia tại Viện VSYTCC và hơn 20 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu tại Quatest 3.
Công bố tên các sản phẩm sữa Trung Quốc đã được phép nhập về Việt Nam Sáng 25-9, Viện VSYTCC đã công bố tên 11 sản phẩm sữa Trung Quốc đã được cấp phép phân phối tại Việt Nam. Trong đó, có 5 sản phẩm chưa nhập về, còn trong 6 sản phẩm có mặt trên thị trường thì có 1 sản phẩm từng được xác nhận có melamine là YiLi. Sáu sản phẩm sữa Trung Quốc đã được nhập về: - Sữa bột hiệu Danou của Công ty Danou An Huy do Công ty Minh Hoa (lô D7, KCN Hà Nội, Đài Từ, 386 Nguyễn Văn Linh, P.Sài Gòn, Quận Long Biện- Hà Nội) nhập và phân phối. - Sữa bột nguyên kem có đường và sữa bột nguyên kem của Công ty sữa Ngân Hà, Vân Nam được Công ty thực phẩm Đông Nam Á( 9 Đường Tân Khai, Quận Hoàng Mai- Hà Nội) nhập khẩu. - Sữa bột GT&F Milk Powder được Công ty Hiền Anh (cụm CN An Khánh, Km10, đường Láng Hòa Lạc, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhập từ Công ty Taiwan Way Chain Industrial, Đài Loan. - Sữa tươi nguyên chất tiệt trùng hiệu YiLi của Tập đoàn công nghiệp YiLi do Công ty Kim Ấn ( 182/18 Lê Văn Sỹ, Quận Tân Bình, TPHCM) nhập khẩu. - Sữa bột nguyên kem Full Cream Milk Powder của Longcom Enterprise, Công ty hóa chất Á Châu (tòa nhà Etown, 364 Công Hoà, Phường 13, quận Tân Bình, TPHCM) phân phối. |
THU HIỀN