(KTSG Online) - Ngày 16-7, với việc chính thức công bố nhãn xanh ECOCem cho toàn bộ danh mục sản phẩm, Xi măng Fico-YTL đã trở thành công ty đầu tiên trong ngành xi măng Việt Nam tự công bố mức độ “xanh” của sản phẩm và minh bạch hóa nỗ lực chuyển đổi xanh của doanh nghiệp với khách hàng.
Khi công bố báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đầu tiên vào giữa năm ngoái, Công ty cổ phần Xi măng Fico Tây Ninh (Fico-YTL) cam kết sẽ triển khai hàng loạt hoạt động để theo đuổi con đường sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Một năm sau, cam kết đó đã được thực hiện bằng việc công bố nhãn xanh ECOCem, với các sản phẩm có phát thải CO2 thấp và báo cáo ESG lần thứ hai, với nhiều chỉ số cải thiện hơn so với báo cáo đầu tiên. Nhân dịp này, KTSG đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc Điều hành của Fico-YTL, về những bước tiến mới trên con đường này.
Đi tiên phong trong phương thức “Tự công bố nhãn xanh”
KTSG: Thưa ông, để có thể bảo chứng cho mức độ “xanh” của sản phẩm, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng ở Việt Nam thường xin cấp chứng nhận nhãn xanh từ một tổ chức ở nước ngoài. Chuyện một doanh nghiệp tự công bố nhãn xanh là chưa có tiền lệ, tại sao Fico-YTL lại quyết định làm việc này?
- Ông Nguyễn Công Bảo: Đúng là từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp vật liệu xây dựng nào ở Việt Nam chọn cách tự công bố nhãn xanh như chúng tôi mà thường xin chứng nhận nhãn xanh từ một tổ chức nước ngoài, cụ thể là từ Hội đồng Công trình xanh Singapore (SGBC) hoặc xin cấp chứng nhận tuyên bố sản phẩm môi trường do một đơn vị độc lập cấp.
Trong hơn năm năm qua, Fico-YTL đã quyết liệt triển khai sản xuất theo các tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường nên tất cả sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về xi măng, tiêu chuẩn chất lượng Mỹ (ASTM) và đạt cấp bậc nhãn xanh cao nhất của SGBC. Đây là yếu tố cơ bản để chúng tôi tính đến việc tự công bố nhãn xanh.
Ngoài ra, trong thời gian qua, trên thị trường xuất hiện những loại xi măng có công bố giảm phát thải CO2 nhưng không rõ là dựa vào tiêu chí nào, mức giảm ra sao khiến người tiêu dùng có thể bị “nhiễu” thông tin. Do đó, chúng tôi muốn tự công bố nhãn xanh với tiêu chí cụ thể về mức giảm phát thải CO2, giúp người tiêu dùng dễ dàng đánh giá mức độ thân thiện với môi trường của sản phẩm để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Với việc này, doanh nghiệp tuân thủ tiêu chí đưa ra và tự chịu trách nhiệm về tiêu chí đã công bố. Chúng tôi tự hào khi trở thành công ty đầu tiên thực hiện tự công bố nhãn xanh ECOCem.
KTSG: Công ty tính phát thải CO2 theo tiêu chuẩn nào và các sản phẩm có nhãn xanh ECOCem có ưu điểm gì, thưa ông?
- Chúng tôi tính phát thải CO2 của từng loại sản phẩm xi măng sử dụng công cụ phân tích tác động vòng đời (Life Cycle Assessment) cho Tuyên bố sản phẩm môi trường (Environmental Product Declaration) của các sản phẩm xi măng và beton phiên bản 4.2 do Hiệp hội Xi măng và Beton toàn cầu ban hành. Các sản phẩm xi măng gắn nhãn xanh ECOCem đều đạt các tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam, Mỹ, giúp giảm phát thải khí nhà kính của công trình và mang lại hiệu suất cao hơn trong thi công. Điều đặc biệt là sản phẩm có giá bán cạnh tranh với các loại xi măng thông thường trên thị trường.
KTSG: Ông có thể cho biết mức phát thải cụ thể của xi măng nhãn ECOCem không?
- Phát thải của các sản phẩm xanh ECOCem trong khoảng từ 350-600 ki lô gam CO2/tấn. Nếu so sánh với xi măng Portland, loại vật liệu được sử dụng phổ biến trên thế giới, có lượng phát thải là 850 ki lô gam CO2/tấn thì sản phẩm nhãn ECOCem giảm phát thải ít hơn từ 30-70%, tùy loại sản phẩm.
Có thể nói như thế này, với xi măng bao, nếu khách hàng sử dụng bốn bao nhãn ECOCem thay vì dùng bốn bao thông thường trên thị trường thì có thể giảm hơn 21 ki lô gam CO2 thải ra môi trường, tương đương với lượng CO2 mà một cây xanh trưởng thành có thể hấp thụ trong một năm. Hiện tại, phát thải CO2 của xi măng bao ECOCem là 478-510 ki lô gam/tấn còn xi măng bao loại thông thường là 550-600 ki lô gam/tấn.
Nếu so sánh với mức phát thải mà Chính phủ đặt ra cho ngành xi măng(*) là đến năm 2030, phát thải CO2 bình quân không quá 650 ki lô gam/tấn xi măng, đến năm 2050 không quá 600 ki lô gam/tấn xi măng thì các sản phẩm gắn nhãn ECOCem đã vượt xa yêu cầu.
KTSG: Làm cách nào để giá sản phẩm xanh ECOCem không cao hơn giá các sản phẩm thông thường trong khi công ty phải đầu tư lớn thì mới có thể giảm phát thải, thưa ông?
- Ngoài việc đầu tư vào tự động hóa và các thiết bị máy móc có hiệu suất cao hơn, chúng tôi tập trung nghiên cứu phát triển các loại xi măng có hàm lượng clinker thấp và tăng cường sử dụng các nguyên nhiên liệu thay thế để làm cho sản phẩm xanh hơn, chi phí không đổi hoặc giảm.
Muốn sản xuất được xi măng có hàm lượng clinker thấp thì phải hiểu và làm chủ công nghệ sản xuất clinker. Để làm được điều này thì phải có con người và máy móc, trang thiết bị quản lý chất lượng; ở Fico-YTL, chúng tôi có đủ và đầu tư đúng ngay từ đầu, giúp giảm chi phí.
Cứ mỗi năm, chúng tôi lại làm tốt hơn một chút. Như với tỷ lệ sử dụng clinker, tỷ lệ bình quân mà Fico-YTL đạt được hiện tại là 53,6%, tốt hơn so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là tối đa 65% cho toàn ngành từ nay đến năm 2030 và 60% cho đầu năm 2050.
Tự tin thực hành ESG để phát triển bền vững
Trong nhà ăn lớn của nhà máy tại tỉnh Tây Ninh, nơi lãnh đạo, nhân viên Fico-YTL đến dùng bữa mỗi ngày, công ty dành một khu vực trang trọng để trưng bày sân khấu tổ chức sự kiện năm năm Tập đoàn đa quốc gia YTL trở thành đối tác chiến lược vào năm 2019.
Ở đó, những bức ảnh lớn trên sân khấu không chỉ giới thiệu những hoạt động dành cho nhân viên, khách hàng, chiến lược - mục tiêu hành động của doanh nghiệp mà Fico-YTL còn công bố mức giảm phát thải CO2, quy đổi ra số lượng cây xanh trồng được mỗi năm. Nếu lấy cột mốc là năm 2019 thì năm 2020, lượng phát thải CO2 mà công ty giảm được tương đương với việc trồng thêm hơn 1,84 triệu cây xanh, năm 2021 tương đương với trồng hơn 3,3 triệu cây, năm 2022 gần 5,5 triệu cây và năm 2023 - năm công ty có báo cáo ESG đầu tiên, số lượng tăng vọt lên gần 8,8 triệu cây xanh.
KTSG: Nhìn vào con số này, có thể thấy Fico-YTL đã thành công trong việc thực hiện chữ E - môi trường trong ESG còn hai nội dung khác, về xã hội - S và quản trị - G thì sao, thưa ông?
- Chúng tôi thực hành đồng đều cả ba nội dung. Trong báo cáo ESG lần thứ hai cho năm tài chính vừa kết thúc cuối tháng 6, công ty lại tiếp tục có những tiến bộ. Về môi trường, cùng với việc ra mắt nhãn xanh ECOCem, chúng tôi có những thành công mới như tỷ lệ clinker hiện là 53,6%, giảm 2% so với năm ngoái; đồng xử lý được là 30.000 tấn chất thải trong lò nung clinker, tránh việc chôn lấp ảnh hưởng môi trường.
Về quản trị, chúng tôi thực hiện nhiều hoạt động như tập huấn cho nhân viên về tuân thủ luật pháp Việt Nam về lao động, cạnh tranh và phòng chống tham nhũng. Về xã hội, cùng với các hoạt động an sinh xã hội xây dựng cầu đường nông thôn, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ người yếu thế, công ty thực hiện thêm nhiều hoạt động tạo nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng như phân loại rác và các hoạt động phát triển tài năng trẻ thông qua các cuộc thi sinh viên tài năng.
KTSG: Khi công bố báo cáo đầu tiên, ông đánh giá doanh nghiệp thực hành ESG sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh. Vậy kết quả đó ra sao sau một năm, thưa ông?
- Những nhà thầu lớn, các chủ đầu tư các công trình xanh đánh giá cao báo cáo và việc thực hành ESG của Fico-YTL. Các bên liên quan khác như chính quyền, đơn vị tư vấn và những chủ đầu tư chưa coi ESG là tiêu chí quyết định cũng xem nỗ lực của công ty là điểm khác biệt. Đó là cái được của chúng tôi khi thực hành ESG. Với người tiêu dùng, tôi tin rằng khi được truyền thông minh bạch, đến một lúc nào đó, họ sẽ cân nhắc lựa chọn mua hàng của doanh nghiệp thực hành tốt ESG.
Hiện nay, ngành xi măng đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt nhưng dù khó khăn đến đâu thì vẫn có chỗ đứng cho doanh nghiệp đi đầu và có lối đi riêng. Vào năm sau, Fico-YTL sẽ xây dựng thêm một dây chuyền sản xuất mới, có công suất khoảng 1,4 triệu tấn xi măng/năm tại nhà máy ở Tây Ninh, đưa tổng công suất lên 4 triệu tấn xi măng/năm.
(*) Quyết định 1266/QĐ-Ttg ngày 18-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050”.
So sánh phát thải CO2 | ||
Loại xi măng | Phát thải CO2 (ki lô gam/tấn xi măng) |
Tỷ lệ giảm phát thải |
Xi măng Portland | 850 ki lô gam/tấn | |
Xi măng nhãn xanh ECOCem của Fico-YTL | ||
• Xi măng bao | 478-510 ki lô gam/tấn | 40-50% |
• Xi măng Supreme Flow cho beton tươi & Supreme Cast cho beton cấu kiện | 567-600 ki lô gam/tấn | 30-40% |
• Xi măng gia cố cọc đất Supreme Unisoil, xi măng bền xâm thực Supreme Shield, và xi măng ít tỏa nhiệt Supreme Base | 348 ki lô gam/tấn | 60-70% |
Ba cách để doanh nghiệp có chứng nhận nhãn xanh
- Chứng nhận của 1 thành viên quốc gia thuộc Mạng lưới nhãn xanh toàn cầu theo tiêu chuẩn ISO 14024:2018. Ở Việt Nam, chứng nhận này do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp nhưng thực tế, doanh nghiệp thường xin chứng nhận từ Hội đồng Công trình xanh Singapore (SGBC).
- Doanh nghiệp tự công bố nhãn xanh theo tiêu chuẩn ISO 14021:2016.
- Đơn vị độc lập cấp chứng nhận Tuyên bố sản phẩm môi trường (EPD) theo tiêu chuẩn ISO14025:2006.