Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xin đừng để sách ‘chết’

Vũ Thị Huyền Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Không hiểu vì sao dạo này tôi luôn nhìn thấy cái sự “chết” của sách ở rất nhiều nơi. Mỗi lúc đến trường đón con tôi hay nhìn vào chiếc tủ sách bằng kính được đặt dưới gốc phượng già, bên lề sân trường. Nhìn ổ khóa hoen rỉ, và những lớp lá khô nằm đè trên nóc tủ tôi biết đã rất lâu chẳng ai sờ đến nó.

Kỹ năng đọc một cách hiệu quả cũng là một điều cần chú trọng nếu muốn nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ em. Ảnh: N.K

Những cuốn truyện tranh, sách khoa học, lịch sử nằm im lìm ở đó từ niên học này sang niên học khác vẫn không hề thay đổi.

Tôi biết thư viện của nhiều trường cũng vậy thôi, không còn cảnh học sinh xếp thẻ mượn sách như chúng tôi ngày trước. Thư viện trường học bây giờ đa phần mở ra để đó hay nói đúng hơn là có lấy lệ, thế thôi. Học sinh có khi đến tận lúc ra trường vẫn chẳng bước chân đến thư viện lần nào. Tôi thấy sách ở đâu đó trong khu chờ phòng khám răng, quán cà phê, trung tâm Anh ngữ…, mục đích là để mọi người trong lúc chờ đợi có thể chọn một cuốn sách nào đó cầm lên đọc, thời gian sẽ trôi qua không vô ích. Nhưng thực tế cho thấy chẳng có mấy ai sờ đến sách. Nếu có cũng chỉ là cầm lên xem qua loa rồi đặt xuống. Đa phần họ dành thời gian đó cho việc lướt điện thoại xem TikTok, Facebook, nhắn tin Zalo, xem phim, nghe nhạc… chứ không phải đọc sách điện tử (ebook).

Gần ba mươi năm trước khi tôi còn là một cô bé lên chín, lên mười thì sách là cánh cửa duy nhất mở ra những chân trời mới, giống như một kho báu vậy. Bây giờ sách không còn là phương tiện truyền tải kiến thức nhiều ưu thế nữa. Chắc hẳn nhiều người như tôi, sẽ cảm thấy chạnh lòng khi nhìn những cuốn sách “chết” dần theo thời gian và mối mọt. Làm sao để gây dựng lại văn hóa đọc sách? Có lẽ câu hỏi này khiến nhiều người day dứt.

Việc hình thành văn hóa đọc vô cùng quan trọng. Tôi biết ở nhiều gia đình, cha mẹ thường đọc sách cho con theo một khung giờ nhất định nào đó, như đọc sách trước giờ đi ngủ từ khi chúng còn bé xíu. Trong nhà có nhiều sách, cho nhiều độ tuổi và được bày biện ở khắp nơi cho dễ thấy, dễ lấy mà cũng dễ đọc. Ở những gia đình đó, cha mẹ và con cái quây quần trong không gian sách nhỏ, những đứa trẻ lớn lên hầu hết đều gắn bó với việc đọc sách và dành tiền túi để mua cuốn sách yêu thích.

Cũng có nhiều gia đình hướng con quen với sách từ nhỏ nhưng không duy trì được như một thói quen khi chúng lớn hơn vì nhiều lý do, trong đó có phần do cha mẹ không làm gương. Tôi nghĩ, kỹ năng đọc một cách hiệu quả cũng là một điều cần chú trọng nếu muốn nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ em. Các nhà xuất bản cần chọn lọc các đầu sách bổ ích để giới thiệu đến độc giả trẻ thay vì chăm bẵm kiếm tiền với việc xuất bản sách thời thượng, ngôn tình sáo rỗng.

Gần đây, nhiều cuộc thi khuyến khích việc đọc sách trong giới học trò đã được tổ chức, như Đại sứ văn hóa đọc; Đọc sách để thay đổi; Bạn ơi đọc gì thế?; Cuốn sách tôi yêu; Cuốn sách thay đổi cuộc đời… Bên cạnh việc tổ chức thảo luận sách, hướng dẫn đọc sách cũng cần phải truyền bá các tác phẩm có giá trị tới vùng sâu vùng xa, những nơi còn thiếu sách. Có lẽ, chúng ta cũng phải thay đổi thói quen sở hữu sách. Thay vì cất giữ rồi bỏ quên sách đã đọc xong trong tủ thì hãy tặng chúng cho những cộng đồng thiếu sách, không có khả năng mua sách.

Chúng ta đã có Ngày sách Việt Nam 21-4. Nên chăng nhà trường tổ chức lại thư viện trường, thêm đầu sách hữu ích và phổ biến các quy định đọc sách tại thư viện và mượn sách về nhà. Ngay cả thủ thư ở thư viện trường cũng cần trang bị một lối ứng xử cho đúng đắn. Thay vì miệt thị coi thường, hô hét những học trò tới thư viện tìm đọc sách thì thủ thư hãy tỏ ra lịch sự và sẵn sàng hỗ trợ tìm sách, giới thiệu sách cho các em.

Còn nhiều hoạt động khác mà nhà trường có thể biến thư viện trường thành không gian cho sách, như tổ chức thảo luận về sách, trao đổi sách hay giữa học sinh, giữa các trường… để sách được luân chuyển đến tay người cần. Để sách được tiếp tục “sống” có ích. Để các em học sinh hiểu được rằng cuốn sách có thể cũ nhưng giá trị bên trong nó thì luôn luôn mới. Tôi nhớ có ai đó từng nói khi sách bị lãng quên, người ta sẽ thấy xót thương những thân cây đổ xuống giữa cánh rừng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Sách chết, không phải vì không có người đọc sách. Quan trọng là, có sách gì hay để mọi người muốn và thích đọc. Ta cứ hay đòi hỏi xây dựng văn hóa đọc sách. Nói mãi, mà không tìm hiểu rõ nguyên nhân vấn đề là gì. Muốn có văn hóa đọc sách, trước hết phải có người làm sách hay. Muốn có người làm sách hay thì phải có nền tảng văn hóa cực tốt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới