(KTSG) - Đà Lạt đã trở thành một thành phố nêm chật những công trình và “cõng” trên lưng lượng người gấp nhiều lần quy hoạch mà người Pháp đưa ra đầu thế kỷ trước.
- Sẽ có tuyến xe từ sân bay Liên Khương tới thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt
- Huyện Lạc Dương sẽ sáp nhập vào thành phố Đà Lạt
Nén và tắc nghẽn, ngập lụt
Sáng ngày 29-6-2023, một cơn mưa lớn kéo dài gần ba giờ khiến bờ taluy trên đường Hoàng Hoa Thám (phường 10, thành phố Đà Lạt) cao hàng chục mét bất ngờ đổ ập xuống làm nhiều nhà, biệt thự hư hỏng. Trong đó, một ngôi nhà hai tầng không có người bên trong bị đổ sập hoàn toàn làm hai công nhân xây dựng đang ngủ trong lán trại phía dưới thiệt mạng.
Trong trận mưa này, thành phố Đà Lạt ghi nhận hơn 10 điểm bị sạt lở và nhiều khu vực bị ngập sâu. Khoảng 10 năm trở lại đây, Đà Lạt năm nào cũng bị ngập, tình trạng ngập tăng dần về quy mô, thời gian và độ sâu. Ban đầu, chỗ ngập chỉ là những điểm cục bộ gần suối, chỗ trũng, nhưng rồi một số nơi khác tại khu trung tâm cũng bị ngập, như đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân, Mạc Đĩnh Chi, Trương Văn Hoàn, Cách Mạng Tháng Tám… Nhiều chỗ ngập sâu đến gần 1 mét và kéo dài vài ngày chưa rút hết.
Không như đất sét, đất bazan khi ngậm nước lâu sẽ bở ra, công trình có tải trọng lớn đè lên trên khiến việc sạt lở là điều khó tránh.
Nguyên nhân rất dễ thấy, không cần phải chuyên gia, bất cứ người dân Đà Lạt nào cũng chỉ ra được. Tình trạng bê tông hóa bề mặt quá cao khiến nước không thấm xuống được; các ao hồ chứa nước như Vạn Kiếp, Thanh Niên, Tâm Sự, Đa Thiện 1, Đa Thiện 2… bị thu hẹp diện tích, bồi lắng đáy hồ; suối bị tắc nghẽn do dòng chảy bị lấp để làm trang trại với rác phủ kín khiến một số tuyến đường ngập nặng mỗi khi mưa lớn.
Ngoài ra, hàng trăm ngàn trang trại, nhà kính mọc lên làm cho các vùng trũng chứa nước này bị vô hiệu hóa, nhất là vùng nông nghiệp dọc hai bên suối Cam Ly. Diện tích các nhà kính của Đà Lạt tăng lên khoảng 10.000 héc ta trong tổng số 18.000 héc ta trồng rau quả, tính đến giữa năm 2020. Nhà kính tập trung ở tất cả phường xã, thậm chí một số nơi trong nội thành có mật độ nhà kính dày đặc như phường 5, 7, 8, 9, 11, 12. Nhìn từ trên cao, không gian thành phố bị nhà kính lấn át, rừng thông chỉ lác đác một số cụm ở ngoại ô.
Cần nhìn lại từ quy hoạch
Sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo thành phố Đà Lạt khẩn trương cho khắc phục hậu quả và UBND tỉnh Lâm Đồng đã đình chỉ công tác vị Trưởng phòng Quản lý đô thị Đà Lạt liên quan đến cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, giám sát xây dựng tại khu vực vừa xảy ra sự cố. Mới đây, Công an thành phố Đà Lạt đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến vụ việc này.
Vấn đề thành phố Đà Lạt quá tải và chạm ngưỡng phát triển đã được đặt ra từ hơn 20 năm về trước.
Những nhà quy hoạch Pháp như Hébrard năm 1923, Pineau năm 1933, Mondet năm 1940 và Lagisquet năm 1943 đều không có ý định tạo ra một Đà Lạt hoành tráng mà chỉ là một thành phố nghỉ dưỡng tối đa không quá 200.000 dân (kể cả vùng phụ cận). Các chuyên gia này hiểu rõ địa chất, địa hình, địa mạo và thông thổ vùng đất.
Nếu nhồi nhét quá, Đà Lạt sẽ khát nước vào mùa khô và sụt lún vào mùa mưa. Từ năm 1990 đến nay, mọi công trình xây dựng, nhà nghỉ, khách sạn, nhà cao tầng cứ nén chặt vào diện tích chưa đến 400 ki lô mét vuông, kéo theo đó là dân số lên đến gần nửa triệu người. Nếu kể cả dân vãng lai và khách du lịch, Đà Lạt cũng “cõng” gần 1 triệu người.
Khi Đà Lạt ngập nước, sạt lở, kẹt xe, tràn đầy rác và nóng lên, gần như bất lực để cho ra phương kế đối phó. Nhà chức trách muốn nhanh chóng phá bỏ toàn bộ nhà kính, trả lại túi chứa nước cho Đà Lạt nhưng e là không làm được. Cho đến nay thành phố mới tháo dỡ gần 71,6 héc ta diện tích công trình, nhà kính, nhà lưới. Đây là các công trình làm trên đất quy hoạch lâm nghiệp, không phải đất nông nghiệp do đó cưỡng chế tháo bỏ được. Phần trên đất quy hoạch nông nghiệp là không thể vì người dân canh tác hợp pháp trên đất của họ và nhà kính là tài sản riêng.
Hơn thế nữa, nông nghiệp là một trong hai thế mạnh nhất của Đà Lạt được khuyến khích phát triển cùng với du lịch. Nếu phá bỏ, thu nhập và đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng, nguồn hoa trái, rau củ xuất khẩu sẽ bị đứt gãy, không đủ sản phẩm cung cấp cho các thị trường tiêu thụ trong nước, nhất là TPHCM. Các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho hàng triệu khách du lịch đến Đà Lạt hàng năm sẽ bị ảnh hưởng, lượng khách du lịch có nguy cơ giảm. Người nông dân rất khó quay lại trồng cây trái và hoa theo kiểu truyền thống vì năng suất thấp.
Mỗi héc ta đất nhà kính có thể mang lại từ 350 triệu đến gần 1 tỉ đồng. Hiện nay 100% hoa xuất khẩu của Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung (khoảng 300 triệu cành mỗi năm) đều được trồng trong nhà kính và hầu hết rau xuất khẩu cũng vậy. Một số loại rau cao cấp khác trước đây không trồng được ở Việt Nam, ngày nay nhờ nhà kính đã trồng được với chất lượng cao. Trong số hàng ngàn trang trại quanh Đà Lạt thì có cả các nhà kính của người Nhật Bản, Hà Lan.
Việc phá bỏ những công trình xây dựng cản trở dòng chảy như các dãy phố, trục đường là điều không khả thi. Không cấp giấy phép xây dựng nhà cao tầng nữa e là cũng đã quá muộn. Vấn đề ngập nước, sạt lở là bài toán quy hoạch và tổng hợp của cả thành phố chứ không phải là một công trình đơn lẻ.
Vấn đề thành phố Đà Lạt quá tải và chạm ngưỡng phát triển đã được đặt ra từ hơn 20 năm về trước. Các chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất việc không nén và không mở rộng Đà Lạt mà xây dựng thêm một phiên bản khác. Trong một cuộc hội thảo năm 2003, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có ý kiến không nên mở rộng Đà Lạt nữa mà nên có thêm một phiên bản mới ở Lạc Dương.
Bản thân tỉnh Lâm Đồng cũng nhận ra điều này. Năm 2012, tỉnh mời các chuyên gia Pháp và Bỉ tham gia dự án quy hoạch lại Đà Lạt mang tên: “Ý tưởng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Những ý tưởng cơ bản đã được hoàn thiện làm cơ sở để trình Chính phủ. Ngày 17-3-2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.
Theo đó, phạm vi quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng cùng một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 héc ta, gần gấp 9 lần thành phố Đà Lạt hiện nay. Đà Lạt sẽ được mở rộng, gồm 6 đô thị vệ tinh và các trung tâm đa chức năng.
Thành phố Đà Lạt đã hội đủ các yếu tố về pháp lý, các điều kiện cực kỳ thuận lợi về đất đai, nguồn nhân lực để hình thành các điểm đô thị mới bên ngoài. Nếu không giải được nén, trước hết là về nhận thức, thì Đà Lạt sẽ còn ngập, còn sụt lún, còn ô nhiễm và sẽ còn mất mát về nhân mạng. Nhìn rộng ra, ngập nước trở thành vấn nạn của cả nước, ngay cả thành phố đảo như Phú Quốc hay thành phố trên cao như Sapa, Tam Đảo. Sau sự cố này, hy vọng lãnh đạo các địa phương sẽ biết sợ nén, bởi nén quá khi bung hậu quả khôn lường.
(*) Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam
Nói rất đúng
Từ chỗ đất thưa, người hiền. Bây giờ là đất chật, người tham. Làm sao níu kéo lại được những gì tự nhiên đã ban cho, vẫn đang bị phá hủy từng ngày. Tất nhiên, cuộc sống phải tiến lên, không thể dừng lại một chỗ. Nhưng nguyên tắc bất di bất dịch là những gì gọi là bản sắc/ bản chất riêng có của một vùng trời, vùng đất, cây cỏ, muôn thú… thì phải có cách gìn giữ bằng mọi giá, hợp tình hợp lý nhất có thể. Tóm lại, chính con người phải biết kìm hãm sự tham sân si. Biết tôn trọng thiên nhiên. Kể cả biết sợ hãi trước sự trừng phạt của trời đất.