(KTSG Online) – Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi ngành du lịch mở cửa trở lại đón khách quốc tế hậu Covid-19. Hàng loạt chính sách, chương trình quảng bá, kích cầu đã được triển khai trên khắp cả nước, thế nhưng kết quả vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Có khá nhiều điểm bất cập, hạn chế gây cản trở đà tăng trưởng của mảng khách quốc tế trên thị trường.
- Thu hút khách quốc tế từ nỗ lực liên kết du lịch với các cố đô di sản
- Nhiều cửa khẩu đón đoàn khách du lịch Trung Quốc sau 3 năm tạm dừng
Ngày 15-3-2022, Việt Nam mở cửa du lịch với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế cho cả năm, và kết quả thực tế chỉ đạt 70%. Tỷ lệ phục hồi của toàn ngành du lịch Việt Nam là 18%, trong khi Thái Lan là 22%, Singapore gần 31% và Malaysia hơn 27%.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế.
Điểm trừ đầu tiên: thủ tục xuất nhập cảnh mất nhiều thời gian
Do tính chất công việc, ông Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch tiểu ban Du lịch - Khách sạn thuộc Phòng thương mại Công nghiệp châu Âu (Eurocham), thường xuyên phải di chuyển giữa nhiều quốc gia, châu lục. Ông kể khi đến Thái Lan và một số nước Đông Nam Á, điều ấn tượng trước hết nơi ông là nụ cười và sự thân thiện của các nhân viên xuất nhập cảnh ở sân bay. Đáng tiếc là ông chưa tìm thấy điều này ở các nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay của Việt Nam.
Ông Martin Koerner đã có cuộc ghi nhận từ phản hồi của nhiều du khách quốc tế, cho thấy thủ tục nhập cảnh tại Việt Nam khá mất thời gian. Sau khi du khách châu Âu trải qua hàng chục giờ ngồi máy bay, họ phải mất trung bình 2 giờ để xếp hàng chờ đợi làm thủ tục nhập cảnh. Tất cả tạo nên cảm giác mệt mỏi, đặc biệt với những người lớn tuổi hoặc các gia đình có trẻ em, những doanh nhân có lịch trình công tác dày đặc.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Martin Koerner cho rằng, Việt Nam nên bổ sung các làn di chuyển đặc biệt cho các nhóm hành khách này, cũng như tăng số lượng nhân viên xuất nhập cảnh và máy quét. Ngoài ra, thái độ nhân viên xuất nhập cảnh cần được yêu cầu thân thiện và hiếu khách hơn...
Những cải tiến này sẽ nâng cao hiệu quả và sự tiện lợi của dịch vụ sân bay và tạo ấn tượng ban đầu tích cực cho khách du lịch, ông Martin Koerner chia sẻ tại tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” do báo Đầu tư tổ chức vào ngày 22-3.
Cũng tại tọa đàm, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) đề xuất, cần sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, máy đọc hộ chiếu để tạo thuận tiện, nhanh chóng cho công tác quản lý xuất, nhập cảnh.
Giải đáp thông tin nêu trên, ông Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, cho biết cơ quan này đang triển khai hệ thông kiếm soát tự động tại các cửa khẩu quốc tế. Khách đáp ứng đủ điều kiện thì không cần phải thực hiện thủ tục thông thường mà chỉ cần một bước quét thẻ, giúp việc nhập cảnh nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Những hạn chế từ chính sách visa, thủ tục hành chính
Thực tế, khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi chậm so với các khu vực khác do nhiều nguyên nhân. Trong đó, cung cấp thông tin cho báo chí, ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho rằng một trong những nguyên nhân là chính sách cấp visa chưa cởi mở, còn thiếu cạnh tranh so với Thái Lan và các nước trong khu vực.
Phân tích về điều này với báo chí, PGS TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Malaysia hiện miễn visa cho công dân 162 quốc gia. Singapore miễn visa cho công dân 162 nước. Công dân của những nước còn lại có thể xin e-visa nhanh chóng với đa dạng các loại hình từ ra vào một lần đến nhiều lần trong thời hạn 2 năm, thời gian lưu trú lên đến 90 ngày và có thể tiếp tục gia hạn thêm từ 30 đến 89 ngày.
Gần đây, Singapore còn công bố chính sách “Visa tinh hoa” với thị thực có thời hạn 5 năm, kèm theo quyền được lao động tại quốc gia này. Các chuyên gia cho rằng chính sách thị thực thông thoáng giúp tỉ lệ phục hồi du lịch năm 2022 của Singapore xấp xỉ 30%, trong khi tỉ lệ này của Việt Nam là 18%.
Còn Thái Lan đã nới rộng thời gian lưu trú đến 45 ngày cho công dân 65 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia. Còn Indonesia cũng miễn visa cho 169 quốc gia.
Dẫn các số liệu nêu trên, ông Long cho rằng Việt Nam cần phải cải tổ chính sách visa rất nhiều. Ông còn cho biết sau Covid-19, nhiều du khách có nhu cầu đến Việt Nam trên 18 ngày, nhưng vì chúng ta chỉ miễn visa 15 ngày nên họ rút ngắn hành trình đến Việt Nam xuống còn khoảng 7 - 9 ngày. Hoặc họ chọn một điểm đến khác để trải nghiệm kỳ nghỉ.
Do đó ông Long cho rằng, điều cốt yếu để hấp dẫn du khách quốc tế là phải ngay lập tức có những thay đổi về chính sách visa. Việt Nam cần mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa (các nước ở châu Âu, Úc, New Zealand, Canada). Kéo dài thời hạn visa lên 30 - 45 ngày và cho phép được nhập cảnh nhiều lần. Thậm chí, với các thị trường có mức chi tiêu cao như Đức, Ý, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… có thể tăng số ngày lưu trú của du khách lên 3 tháng - vì khách càng ở lâu càng chi nhiều tiền. Thêm nữa, việc cấp visa điện tử cũng cần được mở rộng cho tất cả các quốc gia với một hệ thống đơn giản, nhanh chóng, thân thiện hơn với người dùng.
Còn ông Nề cho rằng Chính phủ Việt Nam cần triển khai thực hiện chính sách thị thực điện tử với tất cả thị trường khách quốc tế. Thực hiện nhanh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày đối với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực. Nên mở rộng đối tượng xét miễn visa. Ông cho rằng cần thay đổi chính sách visa theo hướng thông thoáng, tiện lợi cho du khách thì mới tăng được tính cạnh tranh điểm đến Việt Nam.
Cùng chung quan điểm trên, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, ngành du lịch cần chú trọng đặc biệt tới việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, bao gồm thị thực điện tử và miễn thị thực. Đối với các du khách đến từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, là những thị trường du lịch lớn có đường bay thẳng với Việt Nam, ngành du lịch nên sớm có thỏa thuận chính sách visa dài hạn song phương với thời hạn từ 5 đến 10 năm, tương tự visa dài hạn mà một số quốc gia đã và đang cấp cho công dân Việt Nam.
Ông Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện chính sách visa bởi chính sách hiện tại quá hạn chế và phức tạp so với Singapore và Thái Lan. Thái Lan hiện đang miễn visa lên đên 60 ngày trong khi Việt Nam chỉ cho phép 15 ngày, Peru miễn visa đến 90 ngày… cần mở rộng visa điện tử cho nhiều nước hơn chứ không chỉ 80 nước. Những cải tiến cần nhanh chóng chứ không nên chậm trễ như hiện nay.
Còn tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao, Ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng Việt Nam cần gia hạn visa lên 30 ngày, lý tưởng nhất là 90 ngày. Bởi du khách quốc tế ở lại Việt Nam càng lâu thì mức chi tiêu sẽ càng cao. Một du khách quốc tế ở lại hơn một tuần sẽ chi tiêu gần gấp đôi so với một người ở lại ít hơn bảy ngày.
Về nội dung này, ông Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, từ ngày 15-3-2022 chính sách visa của Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn như trước khi có đại dịch. Đồng thời áp dụng nhiều chính sách hơn nữa để tạo điều kiện hát triển du lịch, cao nhất là đang hoàn thiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Việt cho hay hiện Việt Nam đã áp dụng chính sách miễn visa cho công dân của 25 quốc gia. Ngoài các nước ASEAN thì Việt Nam đang đơn phương miễn thị thực cho 13 nước - đối tượng này được tạm trú 15 ngày không phân biệt mục đích, sau đó muốn ở lại thì xin gia hạn tạm trú lên tối đa 30 ngày.
Còn tại Phú Quốc, người nước ngoài đến từ tất cả các nước được miễn visa trong 30 ngày, người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân có thể được miễn thị thực 6 tháng, gia hạn tối đa 12 tháng.
“Visa điện tử được Bộ Công an áp dụng với 80 quốc gia. Người nước ngoài muốn vào Việt Nam có thể xin cấp visa điện tử trong thời gian 3 ngày tại Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh với lệ phí 25 đô la Mỹ. Đến nay Bộ Công An đã cấp được khoảng 1,5 triệu thị thực điện tử, gấp 6 đến 7 lần thị thực truyền thống đã được xác nhận,” ông Việt nói.
Vị Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh còn cho biết, Bộ Công an đang xin ý kiến góp ý để gấp rút sửa đổi bổ sung một số điều của luật xuất, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam. Trong đó có đề xuất mở rộng các quốc gia được cấp thị thực điện tử lên mức tối đa các nước – chứ không phải 80 như hiện nay. Nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp visa điện tử từ 30 lên 90 ngày... kéo dài thời gian tạm trú với người miễn visa đơn phương từ 15 lên 30 ngày, có thể được cấp thẻ tạm trú nếu đáp ứng đủ yêu cầu của pháp luật.
Trong khi luật chưa sửa đổi, để tránh việc chờ đợi Luật được thông qua mà bỏ lỡ cơ hội thu hút khách quốc tế, ông Việt cho hay Bộ Công An đang lấy ý kiến của rất nhiều cơ quan ban ngành để Chính phủ đề xuất Quốc Hội đưa các nội dung cơ bản liên quan đến chính sách visa vào một nghị quyết chung để xem xét vào kỳ họp gần nhất. Nếu được sớm thông qua, đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay các chính sách thu hút du khách quốc tế mùa du lịch 2023.
Để du khách quay trở lại với những kỳ nghỉ dài hạn
Bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng giám đốc CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng một trong những vấn đề của du lịch Việt Nam là sao sao để du khách quốc tế quay trở lại chứ không chỉ đến 1 lần.
Muốn du khách quay trở lại, theo bà Hương Việt Nam cần định vị lại thương hiệu và sản phẩm du lịch. Nên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và có chất lượng. Cần truyền thông để xây dựng hình ảnh Việt Nam là đất nước du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, sự kiện.
Cùng chung quan điểm này, tiến sĩ Nuno F. Ribeiro cho rằng Việt Nam không chỉ nên thu hút khách du lịch quốc tế giá rẻ, cần hướng đến những thị trường cao cấp. Không nên phụ thuộc vào vài thị trường quốc tế chính, cần đa dạng hoá du khách từ khắp nơi trên thế giới với số lượng càng lớn càng tốt. Cần phát triển sản phẩm du lịch tốt để du khách sẽ quay trở lại Việt Nam chứ không chỉ đến 1 lần.
Ông Martin Koerner cho rằng Việt Nam cần phải phân bổ đủ ngân sách cho truyền thông du lịch quốc gia. Nên hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội, các doanh nghiệp phát triển du lịch để làm tốt hơn về marketing du lịch.
Còn ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) dẫn số liệu so sánh trước khi đưa ra những khuyến nghị. Như năm 2019 Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế với tỉ lệ chi tiêu trung bình của khoảng 1.200 đô la Mỹ/người và thời gian lưu trú trung bình khoảng 9 ngày. Cũng năm đó Thái Lan đón gần 40 triệu lượt khách quốc tế, mức chi tiêu trung bình 2.500 đô la Mỹ/người với thời gian lưu trú trung bình tương tự như Việt Nam.
Một yêu cầu đặt ra là cần có sự nghiên cứu để hiểu khách hàng, hiểu thị trường trước khi xây dựng sản phẩm phù hợp. Tham khảo ý kiến của các nước xung quanh về thị trường du lịch, ông Chính cho rằng Việt Nam cần phải thay đổi lại sản phẩm để phát huy được tối đa lợi thế. Cần đưa ra các kế hoạch phát triển ngắn hạn và dài hạn, nếu việc mở cửa thị thực tốt hơn cộng với đường bay thẳng, số lượng khách du lịch quốc tế có thể tăng lên gấp đôi với tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm.
Trên thực tế, đã có xu hướng khách đi theo từng nhóm nhỏ, trải nghiệm kỳ nghỉ dài tại một quốc gia thay vì trải nghiệm tại nhiều quốc gia như trước đây, xu hướng du lịch xanh. Lượng khách quay trở lại Việt Nam hiện ở mức 25-30%, trong khi tỷ lệ này tại Thái Lan là trên 70%. Muốn du khách quay trở lại cần tạo cho họ trải nghiệm tốt. Ngoài công tác quản lý tốt dịch vụ điểm đến, cần xóa bỏ các rào cản kỹ thuật và khó khăn.
Cơ chế của Việt Nam hiện nay chưa cho phép mở các văn phòng xúc tiến du lịch tại nước ngoài, TAB đã mở văn phòng xúc tiến tại Anh dựa trên nguồn lực đóng góp của doanh nghiệp. Khi chưa có cơ chế lâu dài thì ông Chính cho rằng hợp tác công tư PPP có thể giúp giải quyết vấn đề.
Cùng chung quan điểm trên, ông Long đến từ Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng cho rằng, Việt Nam cần quan tâm mở văn phòng đại diện du lịch tại nước ngoài. Trước dịch, chúng ta mở một văn phòng đại diện ở Anh. Trong khi đó, Thái Lan hiện có tới 29 văn phòng, Malaysia có 35 văn phòng, Singapore có 23 văn phòng và Hàn Quốc có 31 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài.
Về chi phí xúc tiến, quảng bá du lịch, ông Long cho hay Việt Nam chi khoảng 2 triệu đô la Mỹ cho công tác này, chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, bằng 2,5% của Singapore và bằng 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra trong việc tiếp thị du lịch quốc gia. Thời gian tới, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cần hoạt động tích cực và hiệu quả hơn cho công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.