Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xóa nợ thuế có cứu được doanh nghiệp?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xóa nợ thuế có cứu được doanh nghiệp?

Hạnh Nguyên

Xóa nợ thuế có cứu được doanh nghiệp?
Nếu được xóa nợ thuế, doanh nghiệp sẽ có điều kiện vượt qua khó khăn. Trong ảnh: Sản xuất kính tại một doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Tao

(TBKTSG) - Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng con số nợ thuế đối với nền kinh tế không đáng là bao, nếu xóa được sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó mà ngành thuế cũng được tiếng. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế.

Bộ Tài chính đang hoàn thành dự thảo tờ trình Chính phủ đề xuất một số biện pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Một lãnh đạo Bộ Tài chính ước tính số tiền chậm nộp thuế và lãi phát sinh từ cuối năm 2013 trở về trước nếu được xóa nợ sẽ khoảng 6.537 tỉ đồng.

Nợ thuế tăng nhanh, tiền phạt chậm nộp cũng tăng nhanh

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, đến hết ngày 31-5-2014, nợ thuế của các doanh nghiệp là 68.500 tỉ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2013. (Con số này đến ngày 31-12-2013 là 60.919 tỉ đồng, tăng 10,64% so với thời điểm 31-12-2012). Tuy chưa có số liệu tách các khoản nợ thuế giữa các thành phần doanh nghiệp nhưng xét về tính chất của nợ thì nợ khó thu chiếm tới 16,8%, nợ đến 90 ngày chiếm 22,9%, nợ trên 90 ngày chiếm 54,9% và nợ chờ xử lý chiếm 5,4%.

Nguyên nhân nợ thuế tăng là do suốt mấy năm qua doanh nghiệp gặp khó khăn, phải ngừng kinh doanh, giải thể... Trong năm tháng đầu năm nay, có tới 50.263 trường hợp doanh nghiệp ngừng kinh doanh, 18.271 trường hợp giải thể. Thực tế này khiến tình trạng nợ đọng thuế từ năm 2011 đến nay ngày càng gia tăng. Cụ thể, năm 2011, tỷ trọng nợ thuế trên tổng số thuế thực thu là 6,3%; năm 2012 tăng lên 8,1%; còn năm 2013, chỉ tính riêng tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh nửa đầu năm đã lên tới 15% tổng số nợ thuế (tương đương 9.746 tỉ đồng). Trong đó, số tiền phạt chậm nộp từ nợ khó thu là 1.134 tỉ đồng, nợ dưới 90 ngày là 1.770 tỉ đồng, nợ trên 90 ngày là 6.537 tỉ đồng (chiếm 67% tổng số nợ phạt chậm nộp).

Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, mức tính tiền phạt chậm nộp của các khoản nợ thuế trên 90 ngày tăng thêm 0,02% mỗi ngày, từ 0,05% lên 0,07%/ngày (tức là 25,5%/năm). Điều này có nghĩa là số tiền phạt sẽ tăng lên nhanh chóng.

Bộ Tài chính sẽ trình những gì?

Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, hiện nay có những trường hợp tiền phạt chậm nộp còn lớn hơn tiền thuế phải nộp. Do đó, “nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế”, vị này nói. Cũng theo vị này, trong dự thảo tờ trình đã lấy ý kiến của một số hiệp hội, ngành hàng, bộ sẽ đề xuất Chính phủ:

Thứ nhất, xem xét miễn thuế hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong bốn năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (trừ các khu công nghiệp nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi như Hà Nội, TPHCM...) giai đoạn 2009-2013 và đối với công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai, gia hạn tối đa hai tháng (thay vì phải nộp ngay) tiền thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu giá trị nhập khẩu từ 100 tỉ đồng trở lên.

Thứ ba, xem xét miễn thuế đối với phần thu nhập từ đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu hậu cần phục vụ khai thác hải sản loại có tổng công suất máy chính từ 380 mã lực trở lên.

Thứ tư, cho phép doanh nghiệp được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi phúc lợi cho người lao động nếu có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Thứ năm, cho phép bổ sung dự án có quy mô đầu tư tối thiểu là 6.000 tỉ đồng và dự án công nghệ cao được kéo dài hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% tối đa 30 năm (hiện là 15 năm) để thu hút đầu tư.

Thứ sáu, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với các khoản chi phúc lợi cho nhân viên có ghi đích danh như: chi dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Phương án xóa các khoản nợ đọng thuế quá lâu, không còn khả năng thu hồi; khoanh lại, cho nộp dần, hoặc xóa nợ đối với các khoản phạt thuế chậm nộp cũng đang được xem xét đưa vào dự thảo tờ trình.
Trong quyền hạn của Bộ Tài chính, lãnh đạo bộ cho biết sẽ chỉ đạo thực hiện hoàn thuế trước kiểm tra sau, chậm nhất là năm ngày kể từ ngày doanh nghiệp nộp thuế và có văn bản đề nghị hoàn thuế.

Gốc vấn đề không phải chỉ ở thuế

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng đề xuất này của Bộ Tài chính sát với tình hình khó khăn của các doanh nghiệp. “Lần này, ngoài đề xuất miễn, giảm, gia hạn tiền thuế còn có chính sách đối với các khoản nợ đọng và có ưu đãi đối với các dự án, công trình có tính chất dài hơi, bền vững và gắn với vấn đề thủ tục”, ông nói. Bên cạnh đó, theo ông, dự thảo tờ trình lần này hướng vào đối tượng khó khăn nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra một lối thoát cho họ.

Năm ngoái, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, mức thuế suất chung chỉ còn 23%, riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chỉ 20%, đó là một tín hiệu tốt. Ngoài ra, trong giai đoạn 2012-2013, Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ. Thế nhưng, do bị yếu tố lãi suất bào mòn nên doanh nghiệp cụt vốn, không có khả năng trả nợ. “Số doanh nghiệp thích nghi được chỉ chiếm 30%, số gần phá sản, không trả được thuế gần 30%”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết. Ông đánh giá, dù các biện pháp này chỉ mang tính tình thế trong hoàn cảnh ngặt nghèo hiện nay nhưng “đó là ý nghĩa nhân văn của chính sách”.

Theo ông Kiêm, mấu chốt là làm thế nào để doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khó khăn và tiến tới làm ăn có lãi, điều mà một mình ngành thuế không làm được. Bởi, vấn đề không chỉ ở thuế mà còn ở nợ xấu, tồn kho. Nợ xấu đeo bám và nặng nề hơn vấn đề thuế rất nhiều. Làm thế nào tăng tổng cầu, sản xuất của doanh nghiệp phát triển thì doanh nghiệp mới có thu nhập, mới trang trải được các món nợ, kể cả nợ xấu và nợ thuế. “Hiện các chính sách đã khá hơn trước nhưng so với yêu cầu thì còn thấp, chưa thực sự đồng bộ. Việc đưa ra chính sách và việc triển khai còn chuệch choạc làm khả năng khắc phục nền kinh tế bị chậm lại”, ông Kiêm nói.

TS. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội: Công bằng hay không, phải biết cụ thể ai được

Trước tiên cần phải thấy rằng số tiền thuế mà Bộ Tài chính đề xuất xóa hiện nay, khoảng 6.537 tỉ đồng, là thuộc các khoản nợ thuế trên 90 ngày. Số nợ này rơi vào các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, ngừng sản xuất hoặc đang rất khó khăn. Do vậy, dù Bộ Tài chính có chủ động đề xuất xóa nợ thuế hay không thì khoản nợ trên cũng hầu như không thể thu hồi.

Nhìn chung, việc xóa nợ thuế ở đâu và bao giờ cũng thế, luôn gặp phải vấn đề công bằng trong việc đối xử với các doanh nghiệp. Xã hội sẽ quan tâm đến doanh nghiệp nào được hưởng lợi và được hưởng lợi bao nhiêu. Nếu số tiền trên chỉ thuần túy là xóa nợ thuế cho những doanh nghiệp đã phá sản, giải thể và ngừng hoạt động thì nhìn chung sẽ không có bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp còn hoạt động. Vấn đề bất bình đẳng chỉ phát sinh nếu trong số những doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay có doanh nghiệp được hưởng lợi, có doanh nghiệp không được hưởng lợi. Do vậy, để đánh giá chính xác hơn mức độ bình đẳng/bất bình đẳng của việc xóa nợ thuế trên, chúng ta cần thêm thông tin gói xóa nợ thuế đó có bao nhiêu thuộc về nợ của các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hay ngừng hoạt động.

Bên cạnh việc đề xuất xóa khoản nợ thuế trên, Bộ Tài chính còn đề xuất hàng loạt biện pháp miễn, giảm và gia hạn thuế cho các doanh nghiệp đang hoạt động khi thực hiện các dự án đầu tư mới, đóng mới nâng cấp tàu khai thác thủy sản, đầu tư công nghệ cao... Tất cả các biện pháp này đều góp phần làm giảm sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp được xóa nợ thuế đã ngừng hoạt động với các doanh nghiệp đang hoạt động. Càng mở rộng đối tượng được miễn và giảm thuế thì càng có nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách thuế, do vậy vấn đề bất bình đẳng càng được giảm thiểu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cần phải cân nhắc khả năng cân đối thu - chi ngân sách và định hướng ưu tiên cho một số ngành nghề có lợi cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế.

Ở đây cũng cần lưu ý rằng, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy các biện pháp ưu đãi/khuyến khích về thuế không phải là yếu tố quyết định đến việc thu hút đầu tư nước ngoài vào một quốc gia. Cơ sở hạ tầng tốt, chi phí hoạt động thấp, môi trường kinh doanh thuận lợi, tình hình chính trị ổn định, và các chính sách kinh tế vĩ mô minh bạch và dễ dự đoán mới quan trọng hơn đối với quyết định của các nhà đầu tư.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới